Buồn ngủ khi hành thiền?

2/09/2014 6:15
HỎI : Người ta nói với tôi rằng nếu tôi buồn ngủ khi thiền định về hơi thở thì có nghĩa là phương pháp này không thích hợp với tôi và nên tìm một phương pháp khác. Xin Ngài cho biết điều ấy có đúng không?

ĐÁP : Khi mới khởi sự luyện tập thiền định, trường hợp buồn ngủ thường hay xảy ra, đôi khi còn có thể là ngủ gục nữa; chính vì thế nên tôi thường khuyên những người hay mất ngủ nên niệm các câu man-tra [để giúp mình dễ ngủ] (man-tra là các câu kinh ngắn mang tính cách thiêng liêng thường được sử dụng vào việc thiền định)!

Trong khi hành thiền, tâm thức có thể rơi vào tình trạng đờ đẫn (uể oải, xao lãng), cảm thấy thân xác và tâm thức nặng nề, khiến mình buồn ngủ hoặc cũng có thể là ngủ gục. Sở dĩ tình trạng này xảy ra là vì quá thả lỏng tâm trí khiến nó không còn nắm giữ được đối tượng [suy tư] nữa; nếu muốn tránh tình trạng buồn ngủ xảy ra thì phải sử dụng các kỹ thuật giúp tạo ra sự căng thẳng (tỉnh giác) hầu tái lập sinh khí cho tâm thức. Nếu vẫn không mang lại kết quả nào thì phải cố gắng hướng sự chú tâm vào một vật tỏa ra ánh sáng thật mạnh, hoặc tập trung vào các chi tiết của đối tượng thiền định (xin mạn phép lưu ý là đối với Thiền Học nói chung và đặc biệt là đối với thiền học Zen, thì việc hành thiền chỉ là tư thế ngồi thật đúng, thật uy nghi, không cần phải suy tư, phân tích hay phát huy một thể dạng tâm thần nào cả. Nếu cần một đối tượng giúp cho sự tập trung được dễ dàng hơn thì tốt nhất nên theo dõi hơi thở là đủ. Tư thế ngồi thật uy nghi vươn lên như một "quả núi", tự nó là một sự "căng thẳng" thật tự nhiên. Tư thế nghiêm trang và vững chắc đó tự nó đã là một thể dạng cảnh giác và tỉnh thức, không thể khiến cho mình buồn ngủ được. Nếu cảm thấy uể oải, đờ đẫn, xao lãng hay "buồn ngủ" thì có nghĩa là tư thế ngồi của mình không đúng, và trạng thái tâm thần đó không có gì gọi là hành thiền cả: ngồi xuống để "hành thiền" không phải là một cách "nghỉ ngơi"). Nếu vẫn không hết buồn ngủ thì nên ngưng hành thiền và phóng nhìn vào quang cảnh thiên nhiên, rửa mặt bằng nước mát, hoặc ra ngoài hóng gió...

Nếu trả lời một cách trực tiếp hơn nữa thì nếu nhận thấy mỗi khi chú tâm vào hơi thở là cảm thấy buồn ngủ, và khi chú tâm vào các đối tượng khác thì không sao, thì nguyên nhân có thể là do các nhân tố liên quan đến thể chất của mỗi người. Trong trường hợp này nên thay đổi đối tượng thiền định, chẳng hạn như hướng sự chú tâm vào một chủ đề chuyên biệt nào đó, hay một thể loại ánh sáng đặc biệt (chẳng hạn như ánh hào quang hay ánh sáng vàng tỏa ra từ hiện thân của Đức Phật), hoặc một điểm thật chính xác của kinh mạch trung tâm (Phật Giáo Tan-tra hay Kim Cương Thừa nói chung quan niệm trong cơ thể có một hệ thống kinh mạch giúp khí lực luân lưu. Dọc theo các kinh mạch ấy có các "nút thắt" còn gọi là "trung khu" hay chakra/bánh xe: thí dụ trên kinh mạch trung tâm nối liền từ cơ quan sinh dục lên đến đỉnh đầu có các nút thắt ở các vị trí rốn, tim, đỉnh đầu... Nếu hướng sự chú tâm vào các điểm đó sẽ tránh được buồn ngủ và xao lãng). Mỗi khi chú tâm vào hơi thở thì cũng nên thiền định hướng vào ánh sáng tỏa ra từ nửa phần phía trên của cơ thể. Người ta thường bảo rằng mỗi khi bị xao lãng hay tâm thần đờ đẫn thì nên hướng các đối tượng của sự chú tâm về phía trên; ngược lại trong trường hợp quá bồn chồn thì nên hướng các đối tượng của sự chú tâm xuống phía dưới. Các phương cách chữa trị chứng buồn ngủ tùy thuộc vào thể chất riêng của từng người hành thiền.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma - Trích Ý NGHĨA SỰ SỐNG, Luân Hồi và sự Giải Thoát, Hoang Phong chuyển ngữ

Các tin tức khác

Back to top