Tâm ở đâu?

19/08/2014 11:17
CÂU HỎI: Chúng tôi được đọc sách của một vị Thiền sư. Vị này nói rằng “tâm không thể ở ngoài não, tâm cũng không thể ở trong trái tim mà tâm thực sự ở trong não….tâm bị nhốt trong cơ chế não”. Và "Cơ chế Tánh Giác (Phật tánh - Buddha nature) nằm sau bán cầu não trái" (Đồ Thị dẫn giải Thiền – Dẫn Giải pháp Thiền trong quyển Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ Hai Mươi Tập 1). Vì vậy, xin quý độc giả cao minh và ban biên tập hoan hỷ giải thích cho chúng tôi hiểu rõ, chiếu theo lời Phật và chư Tổ thì Tâm ở đâu?

Khi quá bận rộn, hoặc quá căng thẳng về một vấn đề nào đó, chúng ta thường hay nói rằng chúng ta “đánh mất tâm.” Nhưng trước khi mất tâm thì tâm ở đâu và nó đã đi đâu? Trong Kinh Lăng Nghiêm (Surangama), một Kinh rất phổ biến của đạo Bụt ở Việt Nam và Trung Quốc, kể lại rằng Đức Bụt và đệ tử của Bụt là ngài A Nan có trao đổi cách làm thế nào để xác định vị trí của tâm. Tâm nằm bên trong thân thể hay bên ngoài thân thể, hay tâm nằm ở giữa thân thể và thế giới bên ngoài? Cơ bản, Kinh dạy chúng ta tâm là vô trụ. Nói cách khác, chúng ta không thể nói tâm nằm bên trong thân thể, cũng không thể nói tâm nằm bên ngoài thân thể, mà cũng không thể nói tâm nằm ở giữa thân thể và thế giới bên ngoài. Tâm không có một vị trí cố định.

Không những chỉ có tâm không có vị trí mà mọi thứ đều như thế cả. Sáng nay tôi nhặt một chiếc lá xanh. Chiếc lá này nằm bên trong hay bên ngoài tâm tôi? Đó là vấn đề. Câu hỏi tuy rất đơn giản nhưng lại khó trả lời. Chúng ta không thể lấy khái niệm về trong và ngoài để áp dụng vào thực tại.

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng tâm thì ở đây và thế giới thì ở ngoài kia; tâm là chủ thể còn thế giới và thân thể là đối tượng. Bụt dạy rằng tâm và đối tượng của tâm không thể tồn tại biệt lập ngoài nhau mà chúng tương tức với nhau. Không có cái này thì cái kia cũng không thể có được. Sẽ không có chủ thể nhận thức nếu không có đối tượng nhận thức. Chủ thể và đối tượng nương nhau mà biểu hiện. Thông thường khi nghĩ về tâm chúng ta chỉ nghĩ về ý thức. Nhưng tâm không phải chỉ có ý thức thôi mà nó bao gồm cả mạt na thức và tàng thức nữa.

Chúng ta có thể tập luyện để xem thân thể chúng ta như một dòng sông, và tâm chúng ta là một phần của dòng sông ấy, luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi. Theo tâm lý học Phật giáo thì chướng ngại lớn nhất ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta nhìn rõ thực tại là khuynh hướng bị kẹt vào khái niệm chủ thể là một cái gì đó khác hẳn với đối tượng, và đối tượng là một cái gì đó tồn tại độc lập ngoài chủ thể. Cách nhìn này đã trở thành một tập khí, một khuôn mẫu ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách hành xử của chúng ta.

Khi còn là một sa di trẻ, chúng tôi được học rằng thức có ba phần. Trong đó hai phần đầu là kiến phần, darshana, tức chủ thể nhận thức; và tướng phần, nimitta, là đối tượng được nhận thức. Chủ thể và đối tượng nương vào nhau mà biểu hiện. Tin rằng có chủ thể mà không cần có đối tượng thì đó là một sai lầm căn bản. Vậy mà chúng ta hay có khuynh hướng tin rằng chủ thể nhận thức - tâm chúng ta - có thể tồn tại biệt lập, tách rời với đối tượng nhận thức; và đối tượng nhận thức tồn tại biệt lập, nằm ngoài chủ thể nhận thức.

Trong đạo Bụt có danh từ nāmarūpa, tương đương với thân tâm (psychosoma). Nāma là tâm, rūpa là thân. Thực tại được biểu hiện qua hai mặt thân và tâm, tâm lý và sinh lý. Cái này không thể có được nếu không có cái kia. Cái này không thì cái kia cũng không. Não và tâm là hai mặt của cùng một thực tại. Vì vậy chúng ta phải luyện tập để thấy được não là thức, não tương tức với thức mà đừng xem chúng như là hai đối tượng hoàn toàn tách rời và khác biệt nhau.

Khi mời một ngọn lửa biểu hiện, chúng ta có thể nghĩ rằng ngọn lửa hoàn toàn khác với que diêm. Nhưng chúng ta biết rằng ngọn lửa có mặt khắp nơi, ngọn lửa có mặt trong que diêm, có mặt trong ôxy, trong không khí. Ngọn lửa không có vị trí đích thực. Khi điều kiện đầy đủ thì ngọn lửa biểu hiện. Bản chất của thức cũng thế, cũng không có vị trí. Chúng ta biết rằng ý thức luôn luôn phải là ý thức về một cái gì đó. Đối tượng và chủ thể luôn luôn có mặt cùng một lúc. Nhìn vào phần này chúng ta sẽ thấy được phần kia. Nhìn vào phần kia chúng ta sẽ thấy được phần này. Đó là tương tức. Cái này có trong cái kia.


Theo Tàng Kinh Các - Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top