Tại sao ngài Lục Tổ dạy người dùng ba mươi sáu pháp đối khi có người hỏi pháp?

3/10/2016 12:29
Hỏi: Tại sao ngài Lục Tổ dạy người dùng ba mươi sáu pháp đối khi có người hỏi pháp?

Đáp: Ấy là thủ thuật của Phật của Tổ để phá chấp chúng sanh, bởi vì “一切惟心造-Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm tạo vốn chẳng có thật, do bệnh của chúng sanh ham chấp thật nên hễ chấp vào cái đen thì Tổ nói là trắng; hễ chấp vào cái trắng thì Tổ nói là đen. Nhưng lúc Tổ nói “Trắng”, ý của Tổ chẳng phải là trắng; lúc Tổ nói “Đen”, ý của Tổ chẳng phải là đen, chỉ là phá cái chấp của chúng sanh, trị bệnh chấp thật của chúng sanh mà thôi. Do bệnh của chúng sanh là bệnh giả, nên thuốc của Tổ cũng là thuốc giả, nếu chấp vào lời Tổ là sai lầm.

Hỏi: Ngài nói đến ba thứ tri vọng, tri tịch và tự tri; tri vọng và tri tịch dễ dẹp, còn tự tri thì đối trị như thế nào?

Đáp: Kinh Lăng Nghiêm nói “知見立知即無明本-Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái “Lập tri” ấy tức là Tự tri. Thế gian nói “Tri”, nói “kiến” ấy là thế lưu bố tưởng, Phật cũng nói là tri là kiến, nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói “知見立知即無明本 知見無見斯即涅槃-Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sinh cũng phải tùy thuận chúng sanh,cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết bàn. Trong Kinh Lăng nghiêm nói “Tại sao và khi nào phát sinh cái vô minh?” Ấy là bởi cái giác có minh, chính cái “minh” đó là tri. Từ sở minh lập ra năng minh, do tri đó mới sanh ra tri tịch và tri vọng; từ minh đó sanh ra năng minh sở minh, năng chiếu sở chiếu, hễ năng sở lập thì tánh chiếu bị đánh mất.

Tự tính chẳng phải tri, chẳng phải vô tri, chẳng thể dùng tới của thế gian diễn tả, nhưng vì lời của thế gian nói tri nói kiến là thế lưu bố tưởng, nên Phật phải nói tri nói kiến. Thật ra tự tánh chẳng thể kiến lập cái tri, hễ có kiến lập tức là chúng sanh, tức là bệnh. Nói chữ “vọng” cũng chỉ là thế lưu bố tưởng, nếu chấp thật có vọng thì sanh ra trước tưởng, nếu vọng chẳng phải thật thì buông bỏ cái gì? Có tâm muốn buông bỏ đã là chấp cái vọng là thật rồi! Nên trong Thiền tông, Tổ sư kiến tính cỏ bài kệ rằng:

若人見幻本來真,
是則名為見佛人.

“Nhược nhơn kiến huyễn bổn lai chơn,
Thị tắc danh vi kiến Phật nhơn”.

Ý nói nếu người nào thấy huyễn vốn là chơn thì người ấy tức đã thấy Phật vậy.

Thiền sư Thích Duy Lực

Các tin tức khác

Back to top