Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Như Thọ

26/09/2014 1:38
Được sinh trưởng trong một gia đình trung nông thấm nhuần giáo lý Phật đà, trong gia tộc có nhiều vị xuất gia tu học nên từ nhỏ Hoà thượng đã sớm làm quen với nếp sống thiền môn.

01

Tiểu Sử

Hoà Thượng THÍCH NHƯ THỌ

Hoà thượng thế danh Huỳnh Mai, sinh ngày 01 tháng 01năm Giáp Ngọ (1954) tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh là Cụ ông Huỳnh Thanh Trinh pháp danh Chơn Tường và thân mẫu là Cụ bà Lê Thị Me. Gia đình Ngài gồm có 2 anh em trai, người anh cả là Huỳnh Dương đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đấng từ thân của Ngài cũng lần lược hy sinh cho công cuộc chống giặc ngoại xâm và được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sỹ.

Được sinh trưởng trong một gia đình trung nông thấm nhuần giáo lý Phật đà, trong gia tộc có nhiều vị xuất gia tu học nên từ nhỏ Hoà thượng đã sớm làm quen với nếp sống thiền môn.

Năm lên 12 tuổi, Hoà thượng phát tâm xuất gia với Hoà thượng thượng Chơn hạ Thông hiệu Đồng Phước, trụ trì Tổ đình Cổ Lâm tại thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc. Hoà thượng được Bổn sư ban cho pháp danh Như Thọ, truyền thừa đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh.

Tổ đình Cổ Lâm là một trong những tổ đình nổi tiếng của Phật giáo Quảng Nam. Chính tại nơi đây, nhà chí sĩ Trần Cao Vân đã có một thời gian ẩn mình tu học để un đúc cho phong trào Duy Tân sau này. Tuy nhiên, thời gian Ngài hành điệu chưa được bao lâu thì tháng 3 năm Đinh Mùi (1967), trong một trận càn của quân đội Cộng Hoà, ngôi cổ tự Cổ Lâm bị san bằng bình địa, thầy trò, huynh đệ phải che tạm mái tranh sớm hôm kinh kệ để duy trì mối đạo.

Ngày 26 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), Hoà thượng Bổn sư vì tuổi cao sức yếu và theo quy luật tự nhiên đã thâu thần viên tịch. Bấy giờ vùng đất Đại Đồng an ninh không ổn định nên Tăng chúng Cổ Lâm theo đoàn người lánh nạn về cùng an toàn, chỉ để lại thầy Như Lợi ở lại hương khói, hai thời kinh kệ giữ gìn nề nếp thiền gia. Hoà thượng ra nhập chúng tu tập tại chùa Liên Trì, quận 3, Đà Nẵng do Đại Đức Thích Như Liên làm trụ trì từ năm 1969 đến năm 1970.

Đầu năm 1970, vì sự thăng tiến trong sự tu học nên Hoà thượng đã rời Thị xã Đà Nẵng vào Sài Gòn và nhập chúng tu học tại chùa Bửu Đà. Tại đây, Hoà thượng đã y chỉ Hoà Thượng thượng Trí hạ Nghiêm để tấn tu đạo nghiệp. Hoà thượng ghi danh học lớp Phật học tại chùa Huỳnh Kim cũng như chương trình thế học bên ngoài.

Ngày 8 tháng 9 năm 1972, Hoà thượng thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Huỳnh Kim do Hoà Thượng thượng Tắc hạ Nghi làm Đàn đầu. Ba năm sau, vào ngày 22 tháng 7 năm 1975, Hoà thượng được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Ấn Quang do Đại lão Hoà Thượng thượng Hành hạ Trụ làm Đàn đầu, Hoà thượng Huệ Hưng làm Yết-ma, nhị vị Hoà thượng Bửu Huệ và Đạt Hảo làm Giáo thọ. Sau khi thọ giới về, Ngài được Hoà thượng Y chỉ sư ban cho pháp tự Hành Thảo, hiệu Bửu Lâm. Tuy nhiên, về sau, để theo sự khế hợp truyền thừa trong tông môn Ngài đã xin đổi Pháp tự lại là Giải Thảo.

Sau mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, trong giai đoạn đầu xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nên từ năm 1980 đến năm 1988, Hoà thượng tham gia giảng dạy bộ môn Anh văn tại trường Phổ thông Lê Lai, Quận 8, góp phần nâng cao kiến thức ngoại ngữ cho các thế hệ trẻ trong tương lai. Đồng thời, Hoà thượng tham gia các khoá An cư kiết hạ trong thành phố để trau dồi thêm kiến thức nội điển.

Năm 1989, Hoà thượng cùng với Hoà thượng Thích Như Tín phát tâm vận động trùng tu Tổ đình Cổ Lâm sau một thời gian dài hoang phế bởi chiến tranh gây ra.

Năm 1992, Hoà thượng được Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cử làm Chánh thư ký Phật giáo Quận 10. Hoà thượng đảm nhiệm chức vụ này xuyên suốt 3 nhiệm kỳ từ năm 1992 đến năm 2001.

Năm 1996, Hoà thượng Thích Như Từ trụ trì chùa Bửu Đà viên tịch, Hoà thượng được Giáo hội và Môn phái công cử kế vị trụ trì chùa Bửu Đà, tiếp tục đảm đương công việc đại trùng tu chùa Bửu Đà mà cố Hoà thượng tiền nhiệm vừa phát động. Công việc trùng tu kéo dài đến năm 1998 thì phần Chánh điện được hoàn thành viên mãn.

          Năm 2001, Hoà thượng được Tăng Ni trong quận tín nhiệm bầu làm Chánh đại diện Quận 10 trong suốt 3 nhiệm kỳ từ năm 2001 đến nay.

          Từ năm 1994 cho đến nay, Hoà thượng được bầu làm Đại biểu hội đồng Nhân dân quận 10 xuyên suốt 5 nhiệm kỳ.

          Năm 1999, Hoà thượng khởi công xây dựng nhà Tăng 3 tầng để có nơi cho các Tăng sinh được lưu trú tham học tại các trường Phật học trong thành phố. Đến năm 2009, Hoà thượng tiếp tục trùng tu dãy nhà ngang trong khuôn viên chùa, tạo nên sự hài hoà trong tổng thể ngôi chùa, hoàn thành công việc đại trùng tu toàn bộ chùa Bửu Đà.

   Với những thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Giáo Hội, vào năm 2007 Hoà thượng được tấn phong hàng Giáo phẩm Thượng Toạ trong đại hội kỳ V  GHPGVN đồng thời được nhiều bằng khen của các cơ quan đoàn thể trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân.

          Năm 2011, một lần nữa Hoà thượng cùng hòa thượng Thích Như Tín trở về quê nhà phát động đại trùng tu toàn bộ Tổ đình Cổ Lâm. Lần trùng tu này mang tầm vóc quy mô và kéo dài trong vòng 3 năm. Đến tháng Giêng năm 2014, nhân lễ huý nhật Hoà thượng Bổn sư, Hoà thượng đã thiết lễ Lạc thành khánh tạ ngôi Tam Bảo vừa trùng tu viên mãn. Ngày nay, ngôi cổ tự Cổ Lâm đã trở thành một Già lam trang nghiêm, góp phần xây dựng Phật giáo Quảng Nam ngày càng phát triển.

          Bình nhựt, Hoà thượng có một cuộc sống giản dị, không quá chú trọng hình thức, luôn nhiệt tình trong các công tác của Giáo Hội nên rất được chư Tăng Ni và đồng bào Phật tử quý mến. Đặc biệt, đối với tông môn Chúc Thánh, Hoà thượng thường tham gia trong các Phật sự và được Môn phái công cử làm Thư ký Ban điều hành Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh.

          Đối với các thế hệ học Tăng tham học tại các trường Phật học trong địa bàn thành phố, Hoà thượng luôn tạo điều kiện thuận lợi để Tăng chúng được an tâm tu học. Góp phần cùng với Chư tôn đức xây dựng đội ngũ kế thừa ngôi nhà Phật pháp trong mai hậu.

          Trong thời gian 3 năm lo toan cho việc đại trùng tu Tổ đình Cổ Lâm cũng như những Phật sự khác nên sức khoẻ Hoà thượng có phần suy giảm. Tháng 4 năm Giáp Ngọ, sau khi đi dự đại lễ Vesak về, Hoà thượng được các bác sĩ chẩn đoán bệnh nan y. Từ đó, hàng môn đồ đệ tử tìm mọi phương thuốc chữa chạy nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Theo định luật hành trụ hoại không, Hoà thượng đã về cõi Phật vào lúc 18 giờ 30 ngày 01 tháng 09 năm Giáp Ngọ (2014), hưởng thọ 61 tuổi và 40 hạ lạp.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế Trùng Kiến Cổ Lâm Bửu Đà Nhị Tự Trụ Trì Huý thượng NHƯ hạ THỌ Tự GIẢI THẢO Hiệu BỬU LÂM Huỳnh Công Hoà Thượng.

Các tin tức khác

Back to top