Lễ hội thắp đèn mừng chư Tăng mãn hạ ở Myanmar

15/10/2019 7:54
Myanmar trở nên ấm áp hơn vào những ngày tháng 10 - mùa của những bàn tay tìm đến nhau, siết chặt và truyền cho nhau hơi ấm tình yêu thương. Đường phố trở nên lung linh, huyền ảo hơn với hàng ngàn ngọn đèn lồng, vòng hoa được trang trí khắp nơi, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo của phố lúc về đêm.

Và đặc biệt hơn, tại các ngôi chùa tháp Myanmar, những ngọn nến đủ màu sắc được an trí xung quanh tháp Phật để cúng dường lên Đức Thế Tôn. Thadingyut - với tôi đây là một ngày lễ vô cùng ý nghĩa mà chỉ có đất nước Myanmar mới có được - ngày mà cả nước đều hân hoan, vui mừng và dành trọn cả ngày để đến chùa cầu nguyện, tận hưởng những phút giây bình yên bên những người thân yêu của mình. Đó chính là ngày mừng chư Tăng ra hạ sau ba tháng an cư (được tính theo lịch Myanmar). 


Thadingyut - một lễ hội đặc biệt của người dân Myanmar - Ảnh: TN.Như Hiếu

Nguồn gốc lễ hội 

Lễ hội thắp đèn tại Myanmar là một nghi thức không thể thiếu của người dân nơi đây - một truyền thống văn hóa trong đời sống tâm linh của họ. Chia sẻ với CTV báo Giác Ngộ, Đại đức Suriya - thường trụ Tăng tại Trường Đại học Quốc tế Yangon (Myanmar) cho biết, theo chú giải tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), để tỏ lòng tri ân từ mẫu, tức hoàng hậu Maya, lúc bấy giờ đã qua đời và tái sanh ở cung trời đâu suất (Tāvatiṃsa), vào mùa an cư thứ bảy sau ngày Thành đạo, Đức Phật đã lên cung trời Đâu Suất để thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho chư thiên - trước kia là mẹ của Ngài cũng như các vị chư thiên khác tại cõi trời trong suốt ba tháng mùa mưa. 

Đến cuối mùa an cư, Đức Phật trở về lại nhân gian, chư Tăng vô cùng hoan hỷ, tất cả mọi người đều dâng hoa, thắp đèn dọc hai bên đường tịnh xá để cúng dường và cung nghinh Đức Thế Tôn. 

Vì thế, vào những ngày cuối mùa an cư của chư Tăng, người dân Myanmar thường đến chùa dâng hoa, cúng đèn xung quanh tháp Phật. Đồng thời cũng là ngày nghỉ lễ của cả nước Myanmar. Từ cửa hàng nhỏ cho đến siêu thị, hay chợ lớn đều đóng cửa, mọi người dân đều tấp nập đến chùa, từ trẻ em đến thanh niên trẻ, rồi cụ già đều hoan hỷ đến chùa lễ Phật để bày tỏ lòng cung kính đối với chư Tăng Ni. 

Theo lịch Myanmar, một năm cũng có 12 tháng, tuy nhiên người dân Myanmar không tính liên tục từ 1 đến 30 hặc 31 ngày, mà tính từ 1 đến 14 hoặc 15 ngày rồi trở lại ngày đầu tiên, cứ nửa tháng có trăng và nửa tháng không trăng. Thadingyut là tháng thứ 7 theo lịch Myanmar (tháng đầu tiên của Myanmar là tháng 4 dương lịch), cho nên ngày trăng tròn của tháng Thadingyut là ngày kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ của chư Tăng tại Myanmar nói riêng và chư Tăng theo truyền thống Phật giáo Nam truyền nói chung. Lễ hội thắp đèn được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Thadingyut, là ngày chư Tăng ra hạ (khoảng ngày 15-9 âm lịch hay giữa tháng 10 dương lịch).

Lễ hội được kéo dài trong vòng 3 ngày: một ngày trước trăng tròn, ngày trăng tròn và sau đó một ngày. 

Mùa của yêu thương 

Tháng Thadingyut được xem là ngày trọng đại của đất nước Myanmar. Đạo Phật có lẽ đã thấm nhuần vào trong cách sống, trong sinh hoạt cũng như suy nghĩ của người dân Myanmar. Văn hóa và giáo dục Myanmar ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của Phật giáo. Thậm chí chương trình giáo dục tiểu học cũng được lồng vào những bài kinh của Đức Phật như Kinh Hạnh Phúc (Mangala sutta) - để huân tập những hạt giống thiện pháp, vun bồi phẩm chất - đức hạnh để các em lớn lên có một đời sống thánh thiện và hạnh phúc hơn. 

Không những thế, những ngày này cũng là ngày báo hiếu đến cha mẹ - những người đã hy sinh cả cuộc đời nuôi dưỡng con cái khôn lớn, bằng những cử chỉ cao đẹp: họ đảnh lễ, cung kính dâng lên hai đấng sinh thành bằng những phẩm vật đơn sơ... nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc - hạnh đạo hiếu. 


Chư Ni học tập, nghiên cứu Phật học tại Myanmar tham dự lễ hội - Ảnh: N.H

Mặc dầu đây là lần thứ tư đến dự buổi lễ đốt đèn vào mỗi năm, nhưng ở đó vẫn lại mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Chỉ cần nhìn thấy những đôi bàn tay bé bỏng, nâng niu từng ngọn đèn với gương mặt sáng ngời của những em nhỏ cũng đủ làm bất cứ xao xuyến. Khung cảnh trang nghiêm - thanh tịnh của buổi lễ ấy, tôi thật sự hoan hỷ và cảm kích vô cùng trước sự quy kính Tam bảo cũng như một lòng hộ trì Phật pháp của người dân nơi đây.  

Sau buổi lễ, tôi cùng quý Sư cô đi dạo quanh tháp Phật, lòng an yên, tận hưởng phút giây trầm mặc... để rồi thấy cuộc sống thật đẹp, bình an quá đỗi. Ở đâu có Phật và có con người biết sống đạo đều mang đến cho nơi đó năng lượng tích cực, thiện lành.

Có lẽ nhìn bề ngoài thì chùa có vẻ hơi nhộn nhịp nhưng bên trong lại không xô bồ, mà ngược lại khiến con người ta cảm thấy an yên, nhẹ nhàng đến diệu kì. Bởi thế người ta mới gọi Myanmar với cái tên thứ hai “Đất Nước Bình Yên” - cổ kính nhưng không già. 

Thiệt sự, Myanmar luôn khiến du khách không thấy nhàm chán, lạc hậu mà ngược lại như một bạn tri âm, tri kỷ để người ta tìm đến trải lòng mỗi khi lòng đầy giông bão, mệt nhoài giữa những bộn bề ngũ trược.

Hạnh phúc chính là từ những điều bình dị, giản đơn thế thôi. Tôi cảm thấy mình quá may mắn và đầy đủ phước đức khi đến một đất nước hiền lương như thế này để tu học. Chính nền văn hóa giáo dục và đặc biệt giá trị đạo đức của mỗi con người nơi đây đã dạy tôi cách sống làm người, để trở thành một con người hoàn chỉnh hơn về mặt tâm linh, xứng đáng là một người xuất gia thực thụ…  

1 trong 12 lễ hội quan trọng của đất nước

Lễ hội thắp đèn là một trong những nét văn hóa rất đặc biệt tại Myanmar, lễ hội nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người dân Myanmar để hướng con người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân - Thiện - Mỹ và về với đạo của người làm con. 

Ngày nay, lễ hội thắp đèn tại myanmar không còn là lễ hội của riêng đạo Phật mà trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc, được xếp vào mười hai lễ hội quan trọng nhất của đất nước Myanmar. 


Thích nữ Như Hiếu

(từ Myanmar)

Các tin tức khác

Back to top