Từ khi nhiều nước hạn chế người dân ra đường và phần lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh ngừng lại vì lệnh phong tỏa chống COVID-19 thì tiếng động địa chấn, tức là âm thanh phát ra từ sự di chuyển của vỏ Trái đất, đã giảm hẳn.
Tại các khu vực của bang Punjab, miền bắc Ấn Độ, người dân hào hứng đăng tải những bức ảnh chụp dãy núi Himalaya ở khoảng cách xa khoảng 200km sau khi không khí trong lành hơn.
Trước đó để ngăn dịch COVID-19 lây lan, Ấn Độ ra lệnh giới nghiêm 21 ngày, theo đó yêu cầu tạm dừng nhiều doanh nghiệp sản xuất, cấm tụ họp, hạn chế xe cộ… Những biện pháp này ngoài giảm nguy cơ lây lan virus corona còn giúp chất lượng không khí cải thiện đáng kể.
Cựu vận động viên cricket Ấn Độ Harbhajan Singh, đã đăng trên mạng xã hội Twitter một bức ảnh dãy Dhauladhar, một phần của Himalaya từ trên sân thượng nhà riêng ở Jalandhar.
“Không bao giờ có thể hình dung ra điều này là có thể. Chỉ báo rõ ràng cho thấy tác động của ô nhiễm mà chúng ta đã gây ra với Mẹ Trái đất” – anh viết.
Một người dùng có tên Manjit K Kang viết trên Twitter: "Đây là cảnh tôi nhìn được từ nóc nhà mình ở Punjab, Ấn Độ. Lần đầu tiên sau gần 30 năm, tôi có thể thấy rõ dãy Hymalaya khi lệnh phong tỏa làm sạch không khí bị ô nhiễm. Thật sự kì diệu".
Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ xác nhận lệnh phong tỏa đã làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí. Trong khi đó, bộ phận tình báo của tờ India Today nhận thấy chất lượng không khí được cải thiện tới 33% trong khoảng thời gian từ 16 đến 27/3.
Ấn Độ có hơn 1,3 tỷ người và Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố khoảng 1,5 triệu người trong số họ chết vì ô nhiễm không khí vào năm 2012. Chỉ số ô nhiễm không khí của Ấn Độ cao hơn giới hạn an toàn của WHO tới 5 lần.