Chùa Bút Tháp còn có tên là Ninh Phúc Tự, nằm ở phía Tây thôn Bút Tháp xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về hướng Đông. Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo, có lịch sử gần 800 năm, là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Chùa Bút Tháp tọa lạc trong một khuôn viên rộng, có kiến trúc thành nhiều tòa nhưng được ngăn cách vởi những khoảng trống lộ thiên. Dù đã trải qua 5 lần trùng tu, bắt đầu từ thế kỷ 17 và lần gần đây nhất là năm 1992 - 1996 nhưng về cơ bản, kiến trúc của chùa vẫn gần như nguyên vẹn và được giới chuyên môn đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.
Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng Nam mà theo đạo Phật, đây là hướng của trí tuệ. Khu trung tâm bao gồm 8 nếp nhà đều nằm ngang, chạy s được bố trí trên một trục dọc. Đại Đức Thích Thanh Sơn, trụ trì chùa Bút Tháp, cho biết: "Ngôi chùa có kiến trúc nội Công và ngoại Quốc. Tiền đường cũng như 2 dãy hành lang và hậu Tổ đã tạo thành chữ Quốc. Từ tòa Tiền đường đến Chính điện thì tạo thành những chữ Công, từ Chính điện qua cây cầu đá và tòa Cửu phẩm liên hoa thì tạo thành những chữ Công tiếp. Đứng ở phía ngoài ngôi chùa thì cảm giác như ngôi chùa rất hoang sơ. Toàn bộ ngôi Chùa hầu như không đi bằng cửa chính mà chỉ đi bằng 2 cổng phụ khiến không gian thoáng đãng, đặc biệt những mái đao cong của chùa thể hiện tính hướng Thượng của Phật giáo nguyên thủy".
Điều đặc biệt, độc đáo của chùa Bút Tháp mà không đâu trên đất nước Việt Nam có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, có 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh. Xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Tầng dưới cùng của tháp có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp là sự kết hợp điêu luyện của tài nghệ ghép đá với nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người nghệ nhân xưa.
Trong chùa có hệ thống tượng Phật phong phú như các vị Bồ Tát, Hộ Pháp, La Hán... Ngoài ra, còn có hơn 70 pho tượng gỗ với biểu cảm sinh động. Nơi đây được đánh giá là khuôn mẫu Phật giáo ở Việt Nam.
Nhưng tâm điểm của chùa Bút Tháp lại chính là tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt đẹp nhất Việt Nam. Đây được xem là tuyệt tác độc nhất vô nhị trong các di sản nghệ thuật văn hóa cổ xưa. Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cho biết: "Tượng có 42 tay lớn và 904 tay nhỏ. Đây ngoài tư cách mà chúng ta quen gọi là nghìn mắt nghìn tay, như chữ Thiên, thực sự là Thiên, Thiên là Trời , là thiêng. Mà có Thiêng thì mới có thể cứu được chúng sinh".
Điểm nhấn nữa ở chùa Bút Tháp là cây Cửu Phẩm liên hoa, một tác phẩm được chạm khắc tinh xảo nhất tại Việt Nam. Cửu phẩm liên hoa là tháp làm bằng gỗ hình bát giác, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của Đức Thích Ca Mâu Ni. Tháp có thể xoay được mà không phát ra âm thanh. Hiện nay Việt Nam chỉ còn 3 cây Cửu phẩm liên hoa ở 3 ngôi chùa là Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Phẩm và chùa Giám ở Hải Dương. Tuy nhiên tác phẩm ở chủa Bút Tháp là đẹp nhất.
Bút Tháp đã đi vào lòng người với hình ảnh một ngôi chùa cổ, một không gian kiến trúc cổ. Chính vì thế mà bao thế hệ người dân Bắc Ninh như ông Vũ Văn Tàu, ở làng Bút Tháp, vẫn luôn tự hào. "Ngôi chùa mang đúng tên làng tôi cho nên, tôi cảm thấy rất tự hào về ngôi chùa này. Có lẽ trên đất nước Việt Nam, chỗ nào cũng đẹp, nhưng tôi cảm thấy quê tôi là đẹp nhất".
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, song chùa Bút Tháp một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của Việt Nam. Nơi đây luôn là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc.