Hội thảo, triển lãm Phật giáo với làng nghề truyền thống VN

10/11/2020 5:45
“Phát huy tinh thần và biểu tượng Phật giáo qua sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam” là chủ đề của hội thảo và triển lãm do Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN và Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức, đã khai mạc sáng nay, 10-11-2020 tại Hà Nội.

TT.Thích Đức Thiện phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc của hội thảo

Đại diện lãnh đạo Giáo hội tham dự hội thảo và triển lãm diễn ra ở Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ - Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, có HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS cùng chư tôn đức Văn phòng TƯGH, Ban Văn hóa T.Ư và các Học viện Phật giáo.

Tham dự còn có lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị đồng tổ chức và các nhà nghiên cứu.

Trong phát biểu khai mạc, TT.Thích Thọ Lạc, UVTK HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư đã đề cập tới tiềm năng của các làng nghề truyền thống trong việc cung ứng đồ gia dụng, pháp khí liên quan tới Phật giáo, giải quyết việc làm và duy trì văn hóa dân tộc. Theo đó, nước ta có 5.407 làng nghề, trong số đó có 1.748 làng nghề truyền thống đang hoạt động, từ gốm, sứ, tranh, tượng, điêu khắc, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là những làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo.


Chủ tọa đoàn hội thảo

“Việc nghiên cứu và thảo luận về khả năng phát huy tinh thần và biểu tượng Phật giáo tại các làng nghề truyền thống là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, vừa giúp ích cho sự nhân rộng và lan tỏa các giá trị Phật giáo tốt đẹp trong đời sống xã hội, vừa có thể thúc đẩy hoạt động nhằm gia tăng giá trị cho các làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Đây chính là việc thổi hồn văn hoá truyền thống vào sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay, mang đến một diện mạo mới cho các sản phẩm của các làng nghề. Đồng thời, đây cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay”, TT.Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.


Đại biểu tham dự

Cũng trong phiên khai mạc, HT.Thích Thanh Nhiễu thay mặt TƯGH đã có lời chào mừng và tán dương việc làm của Ban Văn hóa T.Ư cùng các đơn vị phối hợp thực hiện. TT.Thích Đức Thiện đã có phát biểu chỉ đạo, đánh giá cao việc làm bước đầu này, đồng thời gợi ý về hướng phát triển lâu dài, ứng dụng thực tiễn và mở rộng đối tượng tiếp cận, không chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc mà cần lưu ý đến các làng nghề truyền thống trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc, và nội dung hội thảo phải gắn với nhu cầu thiết thực của đời sống, góp phần lan tỏa văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc cả phương diện vật thể và phi vật thể.


Đại biểu tham luận

Cũng trong sáng nay, nhiều phát biểu đã được trình bày tại hội trường trong phiên toàn thể. Chiều cùng ngày, hội thảo sẽ tiếp tục lắng nghe các tham luận đã được Ban Tổ chức sắp xếp.

Hội thảo đã tập trung thảo luận một số nội dung: Nhận diện biểu tượng Phật giáo qua tư liệu (lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, kinh pháp,…); Thực tiễn ứng dụng tinh thần và biểu tượng Phật giáo trên sản phẩm của các làng nghề truyền thống Việt Nam hiện nay; Những giải pháp, đề xuất, khuyến nghị đối với các cấp, các ngành T.Ư và địa phương, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam… trong hướng phát huy tinh thần và biểu tượng Phật giáo thể hiện qua các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Cũng trong sáng nay, một triển lãm cùng chủ đề đã được khai mạc cùng địa chỉ trên, thu hút sự quan tâm của các đại biểu.


Đại biểu tham dự lễ khai mạc triển lãm


Cắt băng khai mạc


TT.Thích Thọ Lạc hướng dẫn đại biểu tham quan triển lãm

Tin: Hà My - Ảnh: Quảng Tâm

Các tin tức khác

Back to top