Đại Tạng Kinh hay Tam Tạng Kinh Điển hay Tam Tạng Thánh Giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali, kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, do các yếu tố hoàn chỉnh, hệ thống và ảnh hưởng lịch sử mà các Đại Tạng Kinh Pali, Trung Hoa và Tây Tạng có giá trị vượt trội hơn. Cần để ý rằng trong cùng một loại Đại Tạng Kinh có những khác biệt trong mỗi ấn bản, chẳng hạn có những khác biệt trong Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Thái Lan so với Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Tích Lan. Cũng vậy, tuy được xem là Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng có những khác biệt về nội dung giữa các ấn bản của Nhất, của Đại Hàn, của Trung Hoa vì khi tập thành đã dựa trên những ấn bản khác nhau trước đó của Đại Tạng Kinh Trung Hoa.
Nam Truyền Đại Tạng Kinh: hay cũng được gọi là Thánh điển Pali, là Đại Tạng Kinh của các quốc gia Phật giáo thuộc Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia... Đây là Đại Tạng Kinh được hệ thống và hoàn chỉnh sớm nhất, không trải qua những chặng đường phiên dịch nhiêu khê nên được các nhà nghiên cứu Tây phương tin tưởng cho rằng gần gủi với những gì Đức Phật giảng dạy nhất.
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh: Đây là Đại Tạng Kinh Trung Hoa được các học giả danh tiếng của Nhật tập thành dưới triều Đại Chánh của Nhật (1912-1925) và được xuất bản trong thời gian 10 năm bắt đầu từ năm 1924 và hoàn tất năm 1934. Đây là Đại Tạng được giới học giả nghiên cứu đánh giá là hoàn bị nhất, có thẩm quyền nhất và uy tín nhất được xử dụng khắp nơi trên thế giới kể cả trong các Đại Học Âu Mỹ để nghiên cứu Phật giáo. Đại Tạng này gồm 100 tập dày và lớn theo khổ tự điển, bao gồm gần 12 ngàn quyển, chứa đựng 3360 kinh văn, luật văn và luận văn. Phần chính của Đại Tạng là 55 tập bao gồm kinh, luật, luận, các tông phái của Trung Hoa và Nhật Bản và những đề mục liên quan đến lịch sử, tiểu sử, mục lục. Ngoài 55 tập chính còn có 30 tập với 736 tácphẩm của người Nhật và 15 tập Đồ tượng.
Đại Tạng Kangyur và Tengyur: Đây là tên gọi Đại Tạng Kinh Tây Tạng, bao gồm hơn 300 bộ kinh luận được dịch từ Sanskrit. Kinh tạng Kangyur ghi lại những thuyết giảng của Đức Phật bao gồm luôn cả giới luật, gồm 92 bộ với 1055 bài. Luận tạng Tangyur bao gồm các bộ luận của các bậc Luận sư Phật giáo Ấn Độ, gồm 224 bộ với 3626 bài. Điều đáng lưu ý là trên thực tế có nhiều kinh điển được đọc tụng, nghiên cứu, giảng dạy hơn là số lượng đã được in trong Đại tạng. Có thể vì mất bản gốc Sanskrit nên một số lớn các bản dịch trước đây trong thời kỳ đầu của Phật giáo Tây Tạng không được chính thức thừa nhận. Mãi đến thế kỷ 11, mới có kế hoạch xét lại các bản dịch và cho vào mục lục Đại Tạng Kinh. Tuy vậy vẫn còn một số lớn nằm ngoài. Được dịch trực tiếp từ nguyên bản Sanskrit ở giai đoạn khá sớm nên Đại Tạng Kinh Tây Tạng được các học giả đánh giá là nguồn tư liệu trung thực và quan trọng.
Kho mộc bản Đại Tạng Kinh lớn nhất thế giới - Kho mộc bản Đại Tạng Kinh ở chùa Haeinsa (Hàn Quốc)
Theo tìm hiểu, những mộc bản đầu tiên tại chùa Haeinsa bắt đầu được khắc vào thế kỷ 11, tức là đã cách đây gần 1.000 năm, khi Cao Ly bị người Khiết Đan xâm lược trong cuộc chiến tranh Cao Ly-Khiết Đan lần 3. Ý nghĩa của việc chạm khắc những mộc bản này vừa là để chứng tỏ lòng thành của người dân đối với Đức Phật, mong Đức Phật cứu giúp khỏi nạn ngoại xâm và vừa là để truyền bá kinh điển Phật giáo.
Kho mộc bản Đại Tạng Kinh tại chùa Haeinsa được xem như là một bách khoa toàn thư về Thánh điển Phật giáo và các sách liên quan, ước tính có tổng cộng tất cả 81.340 mộc bản, với 52.382.960 chữ được sắp xếp thành hơn 1.496 đề mục và 6.568 tập. Từ năm 1398 đến nay, Đại Tạng Kinh Cao Ly được bảo quản tại chùa Haein. Chùa Haeinsa vốn được xem như là một nơi lý tưởng để bảo quản Đại Tạng Kinh Cao Ly, bởi vì ngôi danh lam cổ tự này nằm sâu bên trong miền nam Hàn Quốc, vượt ra ngoài phạm vi tấn công của các thế lực thù địch từ hướng bắc và nam.
UNESCO đánh giá kho mộc bản Đại Tạng Kinh này là một trong những tác phẩm vô giá, không chỉ vì đây là "bản khắc quan trọng và đầy đủ nhất về học thuyết Phật giáo trên thế giới" mà còn vì "nó còn có giá trị về mặt thẩm mỹ chứng tỏ một trình độ tay nghề cao." Kho mộc bản này đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Nhà sư đang cầm một trong số hàng chục ngàn cuốn mộc bản.
Các tin tức khác
- TƯGH tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN (24/12/2020 7:42)
- Lãnh đạo MTTQVN TP.HCM thăm HT.Thích Trí Quảng (18/12/2020 6:16)
- Diễn viên Quý Bình làm lễ hằng thuận (14/12/2020 6:12)
- Cảnh sắc chùa Tam Chúc - Vịnh Hạ Long trên cạn (12/12/2020 7:53)
- Ngọa Vân tự: Tuyệt tác của thiên nhiên còn nguyên sơ ( 3/12/2020 8:13)
- Phật giáo TP.HCM tăng cường phòng chống Covid-19 ( 1/12/2020 7:45)
- Ngôi trường Phật giáo trong lòng tu viện ở miền Tây Hoa Kỳ ( 1/12/2020 6:13)
- Ứng dụng triết lý Phật giáo trong học đường ở một số nước (27/11/2020 6:18)
- Tp. HCM: Phật giáo quận 10 hơn 1 tỷ đồng trao quà đến bà con bị ảnh hưởng bão tại miền trung. (17/11/2020 9:45)
- Tp. HCM: Phật giáo Củ Chi tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 90 ngày truyền thống MTTQVN (17/11/2020 7:38)