Ngày đầu tuần dòng người xếp hàng bắt đầu từ Hoàng Thành Thăng Long, cách nhà Đại tướng khoảng 200m, thì đến thứ Tư (ngày 9-10), dòng người đến viếng phải xếp hàng từ tận đầu đường Hùng Vương sát Hồ Tây, đi theo hành trình dài ngót một cây số để vào viếng Người. Mặc dù 8 giờ nhà Đại tướng mới mở cửa đón khách, nhưng từ 4 giờ sáng đã rất đông đặc người chờ sẵn. Nhiều người ngồi cả đêm trên đường Hoàng Diệu để mong được vào viếng Đại tướng. Và khi đã hết giờ viếng, vẫn còn hàng nghìn người đứng kín đường Hoàng Diệu thắp nén tâm nhang, thành kính vái vọng. Đoàn người khóc thương bậc vĩ nhân mỗi một đông thêm: người già khóc, thanh niên khóc, lính tráng khóc... Những ngày qua, cộng đồng mạng đã trải qua những đêm không ngủ. Ngay đêm Đại tướng trút hơi thở cuối cùng, rất nhiều người đã thay avatar (hình đại diện) của mình trên Facebook bằng một tấm hình hay một bức ký họa chân dung của Đại tướng. Vào bất cứ trang web nào cũng thấy hình ảnh, cùng những lời tiếc thương ngưỡng vọng. Tra Google với từ khóa "khóc bác Giáp", hiện ra hàng triệu kết quả, và con số ấy đang ngày một ngày một tăng lên chóng mặt. Và tất thảy, đều là những lời thương tiếc từ đáy lòng hướng đến anh linh vĩ đại. Cụ GS - Anh hùng lao động Vũ Khiêu phải thốt lên “Bao nhiêu nước mắt khóc Bác Hồ, giờ khóc bác Giáp”. Đây là một hình ảnh vô cùng hy hữu trên thế giới từ xưa đến nay. Đến mức The Straits Times dẫn lời một đại tá về hưu phải thốt lên rằng: “Kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, tôi chưa bao giờ thấy ai được nhiều người thương tiếc, vĩnh biệt tới vậy”. Tờ AFP của Pháp đưa tin, hàng nghìn người lặng lẽ xếp hàng trên ngoài ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội để tưởng niệm người anh hùng giải phóng dân tộc. "Niềm tiếc thương vô hạn được bày tỏ ngập tràn trên các mạng xã hội của Việt Nam. Rất đông người, từ già đến trẻ, đều nhòa lệ trước bàn thờ của Tướng Giáp", AFP viết. Vì đâu sự ra đi của Người gây xúc động trái tim toàn nhân loại như vậy. Bởi vì, Người làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Ở cách đúng một nửa vòng trái đất, chỉ vài giờ sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, viết trên Twitter của mình: “Tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần - chiến lược gia quân sự kiệt xuất...”. Bản tin của CNN sau đó đưa tin “vị tướng huyền thoại qua đời ở tuổi 102” với hơn 3.500 comment (phản hồi) chia sẻ. New York Times có bài báo bình luận Đại với nhận định, Đại tướng đã làm “cạn kiệt ngân khố Mỹ và đánh bại ý chí tiếp tục chiến đấu của Washington”. Bản tin của AP gọi ông là vị tướng huyền thoại, “vị chỉ huy đội quân du kích đi dép cao su làm từ lốp xe... và đánh bại quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng không tưởng tượng nổi - đến giờ vẫn được nghiên cứu ở các trường quân sự trên thế giới - đem lại độc lập cho Việt Nam và đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và trên trường quốc tế”. AP nói Đại tướng chưa bao giờ được đào tạo chính quy về quân sự và Đại tướng thường đùa là ông học quân sự “từ bụi rậm”, đồng thời cho biết kể cả khi nằm viện, Đại tướng vẫn minh mẫn và theo dõi sát sao các sự kiện thời sự. Trang web của kênh truyền hình PBS của Mỹ gọi ông là “vị anh hùng quân sự vĩ đại nhất của Việt Nam, nổi tiếng trên thế giới vì phát triển kỹ, chiến thuật của chiến tranh du kích hiện đại”. Chương trình radio buổi sáng của NPR, đài tiếng nói quan trọng nhất của Mỹ, cũng có bàn tròn về tướng Giáp. Người dẫn chương trình Renee Montagne gọi ông là “vị tướng huyền thoại”. Trong chương trình, NPR dẫn lại lời Cecil Currey, giáo sư sử học quân sự về Đại tướng. Giáo sư Currey ca ngợi Đại tướng là “sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua. Ông sánh ngang tầm với Alexander đại đế. Ông vượt tầm Napoleon. Ông vượt qua mọi vị tướng của chúng ta. Ông là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua. Danh tiếng của ông được bạn bè năm châu bốn biển ngưỡng mộ sâu sắc. Các dân tộc châu Phi và Mỹ La-tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại”. Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những danh nhân quân sự. Không chỉ bách chiến bách thắng, mà tha lực của Người đã cảm hóa mọi kẻ thù trở thành bạn bè. Đến nay, mọi kẻ thù đều tôn Người làm Thầy. Công lao lớn như vậy, nhưng rời cõi trần, Người chỉ muốn được an táng ở một nơi đất chùa nằm kề bên biển: Vũng chùa – Đảo Yến. Trong lòng người dân Việt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hóa Thánh - với đủ đầy nhân- nhẫn- trí- dũng- tín.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp gỡ HT.Thích Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ - Huế
Trong đó rất nhiều bạn trẻ sinh ra trong thời bình
Cả những bạn trẻ chọn đạo Phật làm lối sống
Các em học sinh hòa trong dòng người một cách trật tự, tự giác
Dòng người liên tục đổ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu
Hàng một, kiên nhẫn và im lặng
Dù số lượng đông đảo, đến hàng vạn người nhưng vẫn không hề lộn xộn
Dù giữa ngày nắng gắt...
Hàng chục ngàn người đứng hướng vào ngôi nhà nơi thiết bàn thờ của vị tướng mà họ kính mến
Dù chật chội...
Tinh thần tự nguyện, sức mạnh của niềm tin và sự kính trọng luôn ngoài sức tưởng tượng của con người
Nước tiếp tế do người dân tự nguyện phục vụ người dân thập phương đến viếng
Cả những thức ăn lót dạ cho người dân phương xa đến Hà Nội - Tất cả đều là tự nguyện
Chu Minh Khôi
Các tin tức khác
- Biết bao giờ các em mới có được cuộc sống tốt đẹp (10/10/2013 10:22)
- Thiền trong đời sống Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (10/10/2013 3:17)
- Ngồi trong bình an giữa lòng Boston ( 8/10/2013 12:09)
- Việt Nam chính thức đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2014 (30/09/2013 5:00)
- Nguồn cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (26/09/2013 11:23)
- Người Kogi - dân tộc đáng để chúng ta học hỏi (23/09/2013 10:25)
- Viện Đại Học Harvard công nhận sự nghiệp trí tuệ, từ bi và hoà bình của Thiền Sư Nhất Hạnh (16/09/2013 10:11)
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh thăm World Bank (14/09/2013 1:15)
- Trẻ em Đức học Phật giáo ở trường (12/09/2013 4:30)
- HVPG tại TP HCM tổ chức lễ tổng khai giảng ( 7/09/2013 1:03)