Toàn cảnh ngôi tháp
Theo truyền thuyết địa phương, vua Ashoka đã phái chư Tăng truyền bá Phật giáo đến khu vực Vientiane vào năm 218 trước Tây lịch. Hai vị Tăng tên là Sona và Outala cùng với năm người khác đã mang xá-lợi của Ðức Phật, được cho là một mẩu xương chậu, đến Vientiane và xá-lợi này được cất giữ trên ngọn đồi Phou Luang. Sau đó, vào năm 236 trước TL, vị cai trị Vientiane lúc bấy giờ là Chanthabouly Phasitthisack (hay còn gọi là Boulichanh) cho xây một ngôi tháp để tôn trí xá-lợi này. Và địa danh này sau đó được gọi tên là Pha Chedi Lokajulamani.
Những nhà khảo cổ không tìm thấy dấu vết của ngôi tháp này nhưng những khai quật đã phát hiện được những tàn tích của một ngôi chùa do những những người Khmer xây dựng vào thế kỷ XII. Việc trùng tu tháp Pha That Luang được thực hiện lần đầu vào năm 1566, sáu năm sau khi vua Setthathirat của vương quốc Lane Xang dời kinh đô từ Luang Prabang đến Vientiane. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng ngôi tháp này được xây dựng trên nền một ngôi đền Ấn giáo cũ mà nó được xây dựng vào thế kỷ III TL.
Vua Setthathirat được cho là một người bảo trợ Phật giáo nhiệt thành và luôn mong muốn trở thành một người giác ngộ như Ðức Phật. Vị vua này cho xây dựng xung quanh ngôi tháp chính 30 ngôi tháp nhỏ hơn với kích cỡ bằng nhau mà nó được gọi là những Palami stupa, có nghĩa là sự hoàn thiện điều tốt.
Ở tại bệ móng của mỗi ngôi tháp nhỏ, có một tấm bảng vàng khắc những lời dạy ở trong Tứ diệu đế, tức là những lời dạy về bốn sự thật của cõi đời. Những tấm bảng này cũng lưu trữ những thông tin về ngày tháng về việc trùng tu ngôi tháp. Ở trên các tấm bảng này cũng ghi rằng: “Ngôi tháp này lưu giữ xá-lợi của Ðức Phật và được vua Setthathirat xây dựng. Cầu mong nó kéo dài hơn 5.000 năm”.
Vào năm 1641, Gerrit van Wuysoff, một phái viên người Ðan Mạch thuộc tổ chức Dutch East India Company đã viếng thăm Vientiane và rất ấn tượng với ngôi tháp này. Tuy nhiên, sự vinh quang của Pha That Luang không kéo dài được lâu. Những cuộc chiến liên miên giữa người Lào, Miến và Siam đã khiến cho ngôi tháp bị thiệt hại nặng nề. Và mỗi lần chiến tranh xảy ra, ngôi tháp luôn trở thành đối tượng của đánh phá và cướp bóc. Vào năm 1828, một đạo quân người Siam đã xâm chiếm kinh đô và làm cho Pha That Luang hư hại nặng.
Sau đó những kẻ săn kho báu lại phá hủy nó. Mãi đến năm 1900, việc trùng tù lại ngôi tháp mới được thực hiện, do những người Pháp tiến hành, tuy nhiên nỗ lực này đã không thành công. Nhưng một kế hoạch trùng tu khác cũng của người Pháp lại được thực hiện vào những năm thập kỷ 30 thế kỷ trước, và việc trùng tu lần này đã đưa Pha That Luang trở lại thời kỳ vinh quang như trước đây của nó.
Ngôi tháp nhìn từ ngoài vào
Ngày nay Pha That Luang là một biểu tượng của thủ đô Vientiane, là một địa danh có nhiều người đến tham quan và chiêm bái. Có thể chia Pha That Luang thành hai khu vực tham quan: khu vực bên ngoài và khu vực ngôi đại tháp. Khu vực bên ngoài bao gồm những khu vườn, chùa, đài kỷ niệm, tượng, và ngôi điện Wat Neua That Luang. Ngôi điện Wat Neua That Luang nhìn bên ngoài trông rất ấn tượng, nhưng bên trong không có gì nổi bật. Nổi bật nhất là những ngôi chùa nhỏ xung quanh Pha That Luang. Ðiểm đáng tham quan và chiêm bái là khu vực bên trong, tức là khu nội Pha That Luang. Ở đây trưng bày nhiều tranh tượng, cũng như những vật thể khai quật được ở địa danh này.
Pha That Luang cũng là địa điểm thường được chọn để tổ chức các lễ hội hay lễ kỷ niệm; trong đó lễ hội Boun That Luang, được tổ chức vào kỳ trăng tròn tháng 12 âm lịch (lịch trăng Campuchia, thường rơi vào tháng 11), và kéo dài trong ba ngày, là lễ hội lớn nhất. Lễ hội này nguyên thủy được tổ chức để vua Saysetthathirath quy tập dân chúng vương quốc Lane Xang, qua đó kiểm tra lòng trung thành của họ đối với mình. Lễ hội cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính của họ đối với thần linh và vua Fa Ngum, vị được cho là có công lớn trong việc phổ truyền Phật giáo ở Lào.
Lễ hội này bắt đầu với cuộc rước tại chùa Si Meuang và kết thúc với cuộc rước quanh tháp. Hàng ngàn nhà sư và hàng chục ngàn khách hành hương đến từ khắp nước Lào và cả đến từ Thái Lan và Campuchia cũng tham gia lễ hội. Vào những ngày này, hàng ngàn người tập trung về đây để tổ chức lễ hội và cúng dường cho các nhà sư.
Những Phật tử cầm nhang đi xung quanh tháp Pha That Luang ba vòng để tỏ lòng tôn kính. Vào ngày này, người ta dựng hàng trăm quầy hàng để bán thực phẩm, áo quần và những mặt hàng thủ công khác nhau. Những hoạt động khác bao gồm bắn pháo hoa, biểu diễn âm nhạc, thắp hoa đăng, trò chơi cho trẻ em, diễu hành với trang phục truyền thống…
Nhiều phái đoàn Tăng Ni, Phật tử tới chiêm bái tại ngôi tháp
Nguyễn Ðăng - PGVN
Các tin tức khác
- Chùm ảnh: Tăng sĩ trẻ Thái Lan khất thực kết duyên xây chùa (24/06/2015 11:32)
- Cờ ngũ sắc Phật giáo lần đầu tiên treo ở trong White House của Hoa Kỳ (21/06/2015 6:01)
- Những sự thật thú vị về Thái Lan (19/06/2015 9:55)
- Afghanistan: Tái hiện hình ảnh tượng Phật khổng lồ bằng ánh sáng 3D (17/06/2015 1:17)
- Tỉ phú Ấn Độ bỏ hết tài sản đi tu (10/06/2015 3:12)
- Bộ sưu tập ngọc Phật độc nhất vô nhị của Lý Liên Kiệt ( 9/06/2015 2:04)
- Người dân châu Á mừng lễ Phật Đản ( 4/06/2015 3:40)
- Ngôi chùa dát 90 tấn vàng và hàng nghìn viên kim cương ở Myanmar ( 2/06/2015 1:46)
- Chùm ảnh lễ tắm Phật tại chùa Huê Nghiêm Q.2 (30/05/2015 4:06)
- Đài Loan: Gần 200,000 người đồng Khánh mừng Phật đản (29/05/2015 2:40)