TT.Thích Lệ Trang giảng về lễ nhạc Phật giáo Việt Nam
Thượng tọa nhấn mạnh trong lời đầu bài giảng, lễ nhạc là điều rất quan trọng trong đời sống con người. Vì lẽ, đời thiếu lễ, thì đời sẽ hỗn loạn, đời thiếu nhạc thì đời sẽ khô khan. Đạo Phật, ngoài kho tàng triết lý sâu sắc ra còn có âm nhạc, nghi lễ để ca ngợi công đức của chư Phật, Bồ-tát và đồng thời là một cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã và có giá trị giải thoát, dùng âm nhạc để thức tỉnh lòng người.
Phật giáo vào thời sơ khai đã được các vị cao Tăng từ Ấn Độ sang truyền đạo hướng dẫn dân bản xứ biết thắp hương, lễ Phật, đọc lên những kệ tụng quy y theo điệu khúc được gọi là “Phạm bái” - dần dần chuyển sang ngôn ngữ tiếng Việt gọi là “kể hạnh”.
Các vị Tổ về sau đã chuyển hóa thành những làn điệu dân gian đặc trưng của từng vùng, miền và chính thức trở thành nghi thức hành lễ của Phật giáo.
Tiếp đó, Thượng tọa giải thích về khái niệm trong các nghi lễ Phật giáo như: lễ nhạc, lễ tụng, lễ khí, lễ nghi, lễ bái, lễ phục, lễ đường.
Chư Tăng Ni học viên lắng nghe
Nhận thấy sự học hỏi về nghi lễ rất cần thiết cho Tăng Ni trong giai đoạn hiện nay. Nên trong suốt buổi giảng chư Tăng Ni đều rất chăm chú và có nhiều câu hỏi được đặt ra.
PV ghi lại, giới thiệu tới bạn đọc dưới đây:
Kính bạch Thượng tọa, người xuất gia y hậu vàng là chủ yếu, nhưng có một số buổi lễ các vị đắp y màu đỏ, vậy nguồn gốc y đỏ có từ đâu? Tại sao chư Tăng trẻ hiện nay đắp y đỏ quá phổ biến trong buổi lễ? Vậy như thế nào mới đúng pháp?
- TT.THÍCH LỆ TRANG: Y đỏ ảnh hưởng từ thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc Thái), khi đất nước chia cắt - Phật giáo Đàng Trong không giao tiếp với Phật giáo Đàng Ngoài nên khi đó các Tổ từ Trung Hoa sang, truyền bộ môn nghi lễ mà ngay nay chúng ta thấy còn ảnh hưởng bởi miền Trung và miền Nam.
"Một trăm thầy Nhật xuất hiện là như nhau hết, một trăm thầy Tàu xuất hiện như nhau hết, mà mười thầy Việt Nam thì với chín màu khác nhau rồi. Đó là cái chúng ta chưa ráo riết đưa vào quy củ. |
Những y màu đỏ là ca-sa đàn dùng trong những buổi lễ hội. Miền Bắc vẫn có sử dụng nhưng không hẳn chỉ màu đỏ mà có những tử y dùng những màu sắc khác, không phải ở chính sắc mà là hoại sắc, hoặc chiếc áo đó người ta có chèn cái này, cái kia. Tuy có xanh, đỏ, trắng hoặc đen nhưng nó bị phá màu rồi, đó gọi là ca-sa đàn sử dụng trong những buổi lễ.
Ngày nay, trong sinh hoạt, quý thầy trẻ làm pháp sự sử dụng thì có nguồn gốc từ đó, nhưng xin sám hối với quý thầy là chúng ta phải cân nhắc lại, dùng đúng nơi đúng chỗ, chứ đừng để “Con sâu làm rầu nồi canh”.
Hiện nay, có một số Phật tử lập đàn cầu siêu chẩn tế tại tư gia và thỉnh chư Ni đến ngồi đàn? Nếu vậy, chư Ni có nên ngồi đàn chẩn tế bạt độ hay không? Nguồn gốc của lễ này là từ đâu?
- Trước tiên chúng ta phải thấy, Phật tánh bình đẳng không có phân biệt Nam hay Bắc, Tăng hay Ni. Nhưng đó là Phật tánh, tức phải đạt được cái tính thì mới quên đi cái tướng. Theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, bên Ni muốn thọ giới Tỳ-kheo thì bên Ni chỉ được truyền bản pháp, rồi phải đem lên đại Tăng mới được lãnh chánh pháp Yết-ma.
Trở lại nghi lễ, bên Ni từ xưa đến giờ các Tổ không cho phép ngồi chánh tòa (Bắc, Trung và Nam đều vậy). Bên Ni có thể ngồi yểm trợ trong vai trò tả hay hữu thì được nhưng ngồi chánh tòa đó là điều bất tường.
Nếu các vị có đọc Thiền đường của Tổ Tâm Thông ở chùa Trường Thọ thì có nêu ra những điều bất tường, tuổi trẻ mà ngồi gia trì là bất tường; tuổi trẻ mà chứng minh, khai chuông bảng là bất tường; tuổi trẻ mà làm pháp sư là bất tường… Bất tường là sự không tốt đẹp cho tùng lâm. Nên trở lại bên Ni không được ngồi chánh tọa, đó là do sự truyền dạy từ chư Tổ.
Còn về bạt độ, trong miền Nam không có nghi bạt độ, nghi chèo đò. Nếu có chăng là có đàn chẩn, đàn chẩn được truyền thừa từ lâu.
Ở miền Nam trước giờ không lập đàn bạt độ riêng, mà chỉ có trai đàn chẩn tế, trong đó mang tính cứu bạt diệt khổ.
Quang cảnh buổi học
Kính bạch Thượng tọa, khăn đội đầu của Ni giới từ đâu mà có? Hiện nay những Ni trẻ sử dụng phong cách đội khăn rất giống nữ tu Thiên Chúa giáo? Vậy như thế nào là đúng?
- Để hiểu được nguồn gốc, chúng ta phải đi ngược thời gian. Khi mà Giáo hội Tăng-già 3 miền thống nhất lại, thì sau thống nhất Phật giáo 3 miền mới thành lập Ni bộ. Để cập nhật với thời đại, quý Ni trưởng tôn đức thời bấy giờ đã nghiên cứu từ khăn nữ tu, mới chế lại gọi là khăn lá sen để cho chư Ni che đầu.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đã thống nhất Bắc – Nam: từ sinh hoạt, giao lưu, tổ chức có cái nhìn chung. Bây giờ vấn đề khó là chư Ni miền Bắc vẫn đội chiếc khăn nhưng không có dài trùm vai, mà chiếc khăn ngắn thả hai cái đuôi phía sau. Khăn đó, có người nhìn vào nói nó rất đẹp, rất Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cái thấy cá nhân, vấn đề là dù sử dụng khăn nào cũng đừng lạm dụng.
Cho nên, vấn đề này thuộc về luật bên Ni nên tôi không dám đi sâu. Chỉ là, nếu có dịp tổ chức hội thảo liên quan đến vấn đề lễ phục Phật giáo, có liên quan đến chiếc khăn, chiếc áo..., sử dụng như thế nào, ở chỗ nào, màu sắc ra sao… nên ngồi lại với nhau để quyết cho một cái.
Nói, sám hối trước chư tôn đức, trong những dịp chúng ta có mặt như thế này, hoặc lễ Phật đản, chư Tăng Ni mà xuất hiện đúng là tạp sắc bảo liên hoa... người xanh đậm, người xanh lợt, vàng chanh… - đâu phải Phật giáo Việt Nam là lượm thượm vậy đâu. Một trăm thầy Nhật xuất hiện là như nhau hết, một trăm thầy Tàu xuất hiện như nhau hết, mà mười thầy Việt Nam thì với 9 màu khác nhau rồi. Đó là cái chúng ta chưa ráo riết đưa vào quy củ.
Nên tôi ao ước có những Phật tử, có những tâm huyết làm sao tham gia chế những chiếc dép cho Tăng Ni đi, những túi xách, những phục sắc… Đây là vấn đề tinh tế, cần phải thỉnh ý nhiều vị trong các lĩnh vực, hiểu biết nhiều và có thẩm quyền quyết đoán để thẩm định, đi đến thống nhất.
Chư Tăng Ni ghi chép cẩn thận
Bạch Thượng tọa, chúng con được tham dự khóa bồi dưỡng trụ trì và nhất là được nghe Thượng tọa nói về nghi lễ Thiền môn, chúng con nhận thấy nghi lễ rất cần thiết, vậy chúng con muốn học, thì phải học ở đâu?
- Thật ra, ngày nay còn có rất nhiều chùa vẫn duy trì dạy về nghi lễ, riêng miền Nam đặc biệt là ở TP.HCM có đủ nghi lễ cả 3 miền. Chúng ta muốn học, muốn nghiên cứu thì nên duy trì cái tâm đó.
Riêng với bản thân tôi, khi học có ý niệm mong muốn chấn hưng nghi lễ Phật giáo nên rất tâm đắc về việc này. Muốn học nghi lễ phải học tư tưởng trước, học để gìn giữ quy củ của thiền gia thì nên học, còn học để tụng đám thì không nên học.
Theo GNO
Các tin tức khác
- TP.HCM: Khai mạc Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 ( 7/10/2015 3:30)
- Chùm ảnh ngôi cổ tự Wat Arun ở Thái Lan ( 3/10/2015 4:51)
- Phật tử Lý Gia Thành, người giàu nhất châu Á (28/09/2015 5:01)
- Sri Lanka: Tổng thống Maithripala Sirisena viếng thăm chùa Răng Phật (23/09/2015 4:01)
- Myanmar: Chùm ảnh chuẩn bị 10 nghìn vị Tăng diễu hành vị trí hình ảnh đẹp ấn tượng (22/09/2015 3:39)
- Vì sao Lý Liên Kiệt học Phật? (19/09/2015 3:19)
- Những sao Việt trở thành đệ tử chốn Phật môn ( 7/09/2015 4:28)
- Đại sứ Mỹ đội mưa đi chùa báo hiếu cha mẹ (29/08/2015 3:42)
- Chú tiểu Thái Lan bé xíu đáng yêu (25/08/2015 10:54)
- Chùm ảnh: lao tác của các nhà tu hành (25/08/2015 2:56)