Độc đáo nghi lễ tắm Phật trà xanh Nhật Bản

12/04/2013 1:56
Khác với nhiều quốc gia theo đạo Phật, người Nhật tổ chức lễ Phật đản vào tháng 4 dương lịch.
Cũng giống như các quốc gia châu Á, đạo Phật là một trong những tôn giáo được coi trọng tại Nhật Bản đã qua nhiều thế kỷ. Người Nhật Bản cũng tổ chức đại lễ Phật Đản, tuy nhiên không phải vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hay ngày rằm tháng 4 âm lịch mà lại là ngày 8.4 dương lịch. 


 
Lễ Phật Đản Nhật Bản được gọi là Hana Matsuri, nghĩa là ngày lễ hoa. Sở dĩ có cái tên này vì ngày Phật Đản trùng vào lúc hoa anh đào cũng như nhiều loài hoa xuân khác nở rộ khắp nơi. 
 
 
 
 
Thông thường, đại lễ Phật Đản thường được tổ chức tại các ngôi chùa lớn như Gokokuji hay Kannon… Các Phật tử nữ mặc trang phục kimono đủ sắc, trẻ con cũng trong những trang phục rất rực rỡ đứng trước điện Phật. 
 
 
Trong sân chùa, du khách dễ dàng thấy đập vào mắt bức tượng voi trắng lớn từ giấy bồi. Tương truyền, thân mẫu của đức Phật trước khi thụ thai thái tử Siddhartha, tiền thân của đức Phật, đã mơ thấy voi trắng sáu ngà đâm vào hông phải. 
 
 
Bên cạnh tượng voi trắng là một tháp nhỏ được kết đầy những loại hoa tươi tắn, gọi là Hana-Mido. Phía bên trong tháp là tượng Phật nhỏ. Bức tượng miêu tả trạng thái đức Phật khi ra đời, bước đi bảy bước, mỗi bước lại có một đóa sen ôm lấy chân. Đức Phật chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất và tuyên bố rằng: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất chỉ có ta là cao quý hơn cả). 
 
 
 
Bức tượng này thường bằng đồng đen, đặt trong một bát nước chứa đầy trà ngọt và một chiếc gáo gỗ. Trong suốt ngày lễ Phật đản, Phật từ sẽ múc trà ngọt bằng gáo và tắm cho tượng Phật. 
 
 
Tương truyền, khi đức Phật vừa sinh ra, đã có các long thần trên trời phun nước tắm rửa cho ngài. 
 
 
Loại trà này làm từ lá cây tử dương hoa, trồng ở miền núi. Trước đó, người Nhật còn dùng cả nước hoa để tắm tượng Phật. Nước trà ngọt sau khi tắm phật xong được mang về nhà để cầu nguyện cho gia đình sự an lành. 
 
 
 
Lễ hội có màn diễu hành khá đặc sặc với sự tham gia của các vị sư trong chùa, các Phật tử, và bắt mắt nhất vẫn là các em nhỏ trong trang phục kimono, tay cầm hoa tươi. Các em hát những bài ca Phật giáo và lễ hội kết thúc trong tiếng trống vang rền. 
 
 

Supertramp (Xzone/Tri Thức Thời Đại)

Các tin tức khác

Back to top