Chùm ảnh đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ Pháp thoại ngày đầu tiên tại Osaka

11/05/2016 11:30
Osaka, Nhật Bản, ngày 10/05/2016, ngày đầu tiên trong bốn ngày Giảng Phật pháp, đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ Pháp thoại với đề tài: “Bồ tát Tịch Thiên & con đường Trung đạo”, qua tác phẩm “Nhập Bồ tát hạnh”, buổi giảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Osaka.

 

Hình 1: Trên Kim Cương Bảo tọa, đức Đạt Lai Lạt Ma Tuyên dương Diệu pháp Như Lai, Osaka, Nhật Bản. 10/05/2016
Đề tài Giảng giải gồm 10 Chương, dành riêng cho sự phát triển Bồ Đề tâm (tâm Giác ngộ), thông qua việc thực hành Lục độ Ba la mật.

Bồ tát Tịch Thiên (691-743), vị Đại sư kiêm thi hào Ấn Độ thuộc phái Trung quán sống vào khoảng thế kỷ thứ 7-8 Công nguyên. Ngài từng là Viện trưởng Đại học Nālandā, Ấn Độ.

Buổi Chia sẻ Pháp thoại với sự tham dự gần 3 nghìn người, được thông dịch qua các ngôn ngữ Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nga và Anh ngữ.
Hình 2: Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào khán thính giả trong Pháp đường, Osaka, Nhật Bản. 10/05/2016
Trước khi vào đề tài Pháp thoại, đức Đạt Lai Lạt Ma chào khán thính giả, Ngài vỗ tay mong muốn khán thính giả quan tâm đến việc học hỏi giáo lý Phật giáo. Ngài giải thích rằng việc Nghiên cứu phân tích Kinh văn giáo lý quan trọng hơn sự tín ngưỡng cầu nguyện mà không hiểu bản chất của kinh văn giáo lý. 

“Đức Phật dạy rằng, niềm tin chân chính là niềm tin có trí tuệ cân nhắc, soi sáng. Vì thế, đức Phật khuyên chúng ta đừng nghe những gì người khác nói dù đó là truyền thuyết có từ nhiều đời. Nghe điều gì ta cũng phải nên suy nghĩ, tìm tòi, xem sự việc đó có thiết thực, lợi ích hay không. Khi ta muốn tin điều gì mà không có trí tuệ suy xét, không chứng minh được nguồn gốc của nó, thì dễ rơi vào mê tín, dị đoan. Đức Phật cũng dạy chúng ta đừng vội tin những gì được nhiều người tin theo. Nếu họ là nhà trí thức có đời sống đạo đức, nhân cách cao thượng, được nhiều người quý mến, kính trọng, thì ta cũng phải suy xét cho kỹ càng giá trị, lợi ích của họ. Niềm tin của chúng ta căn cứ trên những tiêu chuẩn như vậy mới là niềm tin chân chính.

Như chúng ta đã biết, niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành được trải nghiệm qua đời sống hiện thực, nếu không chúng ta sẽ phạm phải sai lầm đáng tiếc vì niềm tin mù quáng. Từ đó ta cũng sẽ bị người lợi dụng niềm tin để làm các việc xấu ác. Khi niềm tin của chúng ta bị lợi dụng, chúng ta trở thành người cuồng tín, si mê, dại dột, nên mặc tình giết người vì nghĩ rằng sẽ được lên thiên đường hưởng phước báo tối cao. Phước đâu chẳng thấy, chỉ thấy mang tội giết người và bị tù tội hoặc tử hình, tạo ra bao mối nguy hiểm cho xã hội”.    

Ngài cũng nói về trách nhiệm toàn cầu, và ý nghĩa của sự hợp nhất mà chúng ta nên tu tập để biến thế kỷ 21 thành một thế kỷ của Đối thoại và Hòa bình.
 Hình 3: Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng nhìn một robot trên đường đi ăn trưa vào ngày đầu tiên của  buổi chia sẻ Pháp thoại, Osaka, Nhật Bản. 10/05/2016
Ngài bày tỏ sự lạc quan rằng thế hệ trẻ đang trên đường đúng đắn đối với sự thay đổi: “Thế kỷ trước đã chi quá nhiều cho cuộc chiến tranh tàn khốc, máu đổ đầu rơi, nhà tan cửa nát tang thương. 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực để chuyển hóa thế kỷ này sang thế kỷ của Đối thoại.

Gần đây tại Dharamshala, Ấn Độ, tôi từng gặp nhiều bạn trẻ bao gồm châu Phi và người Ả Rập từ các Quốc gia Hồi giáo, như là một phần của tổ chức sự kiện bởi Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP)”. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục nói về ba cam kết trong đời của Ngài. Thứ nhất, về mặt một con người, cam kết đầu tiên của tôi là quảng bá các giá trị nhân bản như từ bi, tha thứ, khoan dung, sự hoan hỷ và sống tự chế. Tất cả con người đều như nhau. Chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Ngay cả những người không tin vào tôn giáo cũng công nhận sự quan trọng của các giá trị nhân bản trong việc làm cho đời sống của họ hạnh phúc hơn. Tôi vẫn giữ tâm nguyện nói về tầm quan trọng của các giá trị nhân bản này và chia sẻ chúng với bất kỳ ai tôi gặp. 
Hình 6: Toàn cảnh Pháp đường, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Osaka, nơi đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ Pháp thoại. 10/05/2016
Thứ nhì, về mặt một người tu tập giáo pháp, quyết tâm thứ nhì của tôi là quảng bá sự hòa hợp tôn giáo và cảm thông giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau. Bất kể các dị biệt triết lý, tất cả các tôn giáo lớn thế giới đều có tiềm lực để làm cho con người tốt đẹp hơn. Do vậy, điều quan trọng cho tất cả các truyền thống tôn giáo là tôn trọng lẫn nhau và công nhận giá trị của các truyền thống đáng tôn kính của nhau. 

Thứ ba, tôi là một người Tây Tạng và mang danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma. Người Tây Tạng đặt niềm tin vào tôi. Do vậy, cam kết thứ ba của tôi là vấn đề Tây Tạng. Tôi có trách nhiệm làm người phát ngôn tự do cho dân Tây Tạng trong cuộc chiến đòi công lý của họ. 

Cam kết thứ ba này sẽ kết thúc khi nào có một giải pháp hai bên cùng có lợi đạt được giữa người Tây Tạng và Trung Quốc. Tuy nhiên, hai cam kết đầu của tôi thì tôi vẫn sẽ giữ gìn cho tới hơi thở cuối cùng.
Hình 4: Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ Pháp thoại vào buổi chiều ngày đầu tiên, Osaka, Nhật Bản. 10/05/2016
Sau đó, Ngài bắt đầu, Pháp thoại với đề tài: “Bồ tát Tịch Thiên & con đường Trung đạo”, qua tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh và liên tục giảng giải hoàn thành ba Chương trước khi kết thúc buổi Pháp thoại. Trong giảng dạy, đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ những giai thoại cá nhân và những câu chuyện kể để dẫn chứng. Ngài cũng đề cập đến những khái niệm như các hiện tượng, sự trống vắng, con đường Trung đạo.

Kết thúc buổi Pháp thoại bằng Tứ Hoằng thệ nguyện và sẽ tiếp tục chia sẻ Pháp thoại vào buổi sáng hôm sau.

Thích Vân Phong (Nguồn: VP Chính phủ Tây Tạng lưu vong - Ảnh: Tenzin Choejor

Các tin tức khác

Back to top