Thiền sư Nhất Hạnh gởi thư chúc mừng

1/11/2012 3:09
Nhân dịp Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard trao Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải cho Tổng thống U Thein Sein và bà Daw Aung San Suu Kyi, Thiền sư Nhất Hạnh đã gởi thư chúc mừng đến hai vị này. Sau đây là nội dung của bức thư:

Kính gửi ngài Tổng thống U Thein Sein,

Kính gửi bà Daw Aung San Suu Kyi,

Gần đây, những diễn tiến về tinh thần cởi mở và hòa giải xảy ra ở Myanmar đã mang hy vọng đến cho hàng triệu người trên thế giới. Chúng tôi biết ơn dân tộc và đất nước của quý vị đã chứng minh cho thế giới thấy rằng cởi mở và hòa giải là việc có thể thực hiện được bằng hành động đẹp đẽ của mình. Là người Phật tử, tôi tin rằng đây là những thành quả của nền văn hóa Phật giáo thấm nhuần sự hiểu biết và lòng từ bi. Chúng tôi vô cùng hân hoan khi biết quý vị là hai người đầu tiên nhận giải thưởng của Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông, vì Trần Nhân Tông cũng là một Phật tử và hơn nữa là một nhà lãnh đạo chính trị lớn trong thế kỷ XIII ở Việt Nam, người đã thể hiện những lý tưởng Phật giáo về lòng từ bi và sự can đảm.

Cùng với việc thực tập khả năng lắng nghe và nói lời ái ngữ, Trần Nhân Tông đã luôn lắng nghe người dân từ tất cả các tầng lớp xã hội ở đất nước của ngài. Trần Nhân Tông đã tổ chức trưng cầu dân ý và tập hợp toàn dân tộc để đánh bại hàng trăm nghìn quân của Hốt Tất Liệt, những người tiếp nối đội quân Nguyên của Thành Cát Tư Hãn.

Sau sự rút lui của quân xâm lược, vua Trần Nhân Tông đã phát hiện ra nhiều tài liệu bí mật tiết lộ sự hợp tác giữa một số cộng sự của ngài và quân đội Hốt Tất Liệt, nhưng ngài đã ra lệnh đốt các tài liệu dưới sự chứng kiến của tất cả mọi người. Ngài nói: “Đất nước ta cần sự hòa giải và hàn gắn chứ không cần sự trừng phạt”. Khi đất nước đã ổn định, vua Trần Nhân Tông trao ngôi vị cho con trai của ngài là Trần Anh Tông và trở thành một tu sĩ, tu hành trên núi Yên Tử. Ngài đi trên khắp đất nước với đôi chân trần, giảng dạy người dân nên tu tập giữ gìn năm giới và từ bỏ việc mê tín dị đoan. Ngài cũng đi đến các nước láng giềng để thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa hai quốc gia.

Tôi tin rằng, những nhà lãnh đạo chính trị có khả năng giữ vững lòng từ bi và hiểu biết lớn. Họ sẽ thành công như Trần Nhân Tông và nhị vị đã từng thể hiện phong cách lãnh đạo như thế trong thế giới của chúng ta hôm nay.

Minh Nguyên chuyển ngữ  (Theo http://en.trannhantongprize.org)

Các tin tức khác

Back to top