Tiếng chuông chùa giữa trùng khơi

21/06/2013 3:39
Từ xa xưa, trên các đảo giữa biển Đông của Việt Nam, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người xưa, ba ngôi chùa đã được tôn tạo, sừng sững giữa biển Đông ở Trường Sa là: Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn.

Hồn quê giữa biển

Những buổi chiều tà trên con tàu đang lênh đênh giữa đại dương bao la lúc nào cũng để lại trong lòng lữ khách một cảm giác lẻ loi, cô độc. Nên trong khoảnh khắc ấy, thật khó tả khi ta được nhìn thấy đất liền và nghe thanh âm vang vọng đâu đó của tiếng chuông chùa. Cái thanh âm quen thuộc, bình an ấy dàn trải sự thanh bình giữa vùng biển đảo.

Thấp thoáng dưới những rặng phong ba trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là những mái chùa làng biển đặc trưng. Chùa trên đảo là nơi tụ tập, nguyện cầu cho quốc thái dân an, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của nhân dân trên các đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ.


Nhiều đoàn công tác, ngư dân đánh bắt xa bờ cũng ghé vào đây lễ chùa

Chúng tôi đến Song Tử Tây vào buổi chiều muộn. Dưới ánh hoàng hôn, mái ngói chùa Song Tử Tây hiện ra thật uy nghi, một hình ảnh quen thuộc nơi đất liền đang hiện ra trước mắt. Không ai nhớ chính xác ngôi chùa này có từ khi nào, người ta chỉ biết rằng ngôi chùa này rất linh thiêng, trải qua nhiều trận bão giông, ngôi chùa vẫn sừng sững trước sóng gió của biển khơi. Nhiều người dân và chiến sĩ trên đảo thường vào chùa để cầu cho quốc thái dân an, trời yên biển lặng.

Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống, có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu, vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc sản của Trường Sa như cây phong ba, cây bàng vuông. Chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và Tượng đài Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông.


Yên bình chùa Song Tử Tây

Hoạ sĩ Nguyễn Đức Thọ, một cựu chiến binh đến với Trường Sa trong chuyến ra biển cùng với chúng tôi, tâm sự: “Thật ra từ chiều qua, khi tàu thả neo đứng trên boong tàu, được nhìn thấy mái chùa tôi đã thật sự ngỡ ngàng và xúc động. Mặc dù chỉ là một hòn đảo nhỏ mà vẫn có một ngôi chùa đứng phía trước đàng hoàng. Hôm nay được lên đảo, vào viếng chùa tôi cảm giác như mình đang ở trong đất liền. Gần 70 năm nay, tôi mới có được một trải nghiệm thú vị như vậy”.

Thầy Thích Thánh Thành, trụ trì chùa Song Tử Tây, vẫn còn nhớ như in những ngày đầu ra làm phật sự tại ngôi chùa đặc biệt này. Mặc dù điều kiện sống trên đảo xa vẫn còn thiếu thốn trăm bề, nhưng thầy cùng thầy Thích Tâm Thiện luôn được sự đùm bọc của bà con và các chiến sĩ trên đảo. Chính những tình cảm ấy là chất keo gắn kết thầy với ngôi chùa có thể xem là xa nhất giữa biển khơi này.


Được nhìn thấy mọi người viên mãn đó cũng chính là hạnh phúc lớn nhất của các sư thầy

Thầy cho biết thêm: “Vào ngày rằm, mồng một, các công dân và chiến sĩ thường ra vãn chùa, thắp hương, vào mùa biển lặng, nhiều đoàn công tác, ngư dân đánh bắt xa bờ cũng ghé vào đây lễ chùa, cầu nguyện. Được nhìn thấy mọi người viên mãn đó cũng chính là hạnh phúc lớn nhất của các sư thầy”.

Đất liền ở đây!

Do là những ngôi chùa được xây cất trên đảo nên kiến trúc tại các chùa rất vững chắc và cũng giống nhau

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa Lớn, khuôn viên khá rộng, vuông vức. Qua sân và vườn chùa là tòa chính điện một gian hai chái, mái cong, có đầu đao.

Phật điện chùa Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý màu trắng nguồn gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar, món quà của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa.


Gian chính điện chùa Trường Sa Lớn với tượng Phật ngọc, món quà từ Liên đoàn Phật giáo Thế giới

Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý. Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng; viết bằng chữ quốc ngữ.

Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các bàn thờ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Những câu đối ở các chùa trên quần đảo Trường Sa: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”; “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”; “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh”… đã thể hiện chủ quyền thiêng liêng của người Việt. Đối với những người có mặt trên đảo, cũng như với cả dân tộc, biển đảo là một phần đất nước linh thiêng từ nghìn xưa, có Trời, Phật, Thánh, Thần bảo hộ, che chở.

Anh Trần Hữu Đức, một đại biểu ra thăm Trường Sa, đã không kìm nén được cảm xúc: “Mình cảm được sự thiêng liêng khi nghe được tiếng chuông chùa, tiếng đọc kinh, khói hương cùng với nét cong cong của mái đình chùa. Mình thật sự cảm phục công sức các thế hệ ông cha từ ngàn xưa đã tạo dựng để có được như ngày hôm nay”.

Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa không chỉ biểu hiện các tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở vùng biển trời của đất nước, mà còn thể hiện tình yêu nồng nàn của nhân dân cả nước với đồng bào và thiên nhiên của vùng đất đầu sóng ngọn gió này, gắn liền với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Bình (Thanh Niên Online)

Các tin tức khác

Back to top