Cha mẹ luôn dành cho con tình thương yêu vô biên, dù phải chịu đựng bao nhiêu gian lao, vất vả, khổ sở, ô uế, hay bị khinh bỉ thế nào đi chăng nữa, cha mẹ vẫn nhẫn nại để lo cho con trong lúc thơ ấu cũng như khi trưởng thành. Tình cảm ấy đã được Đức Phật diễn tả trong Kinh Báo Hiếu rất nhiều. Khi Phật còn tại thế, Ngài thường dạy các hàng đệ tử: “Những ai muốn tiến tu đến đạo quả Bồ-đề phải thực hành hạnh hiếu”. Nhưng thực hành tâm hiếu và hạnh hiếu như thế nào cho đúng chánh pháp, để cho cha mẹ và ta đều được an lạc?
Theo truyền thống của Phật giáo, ngày rằm tháng bảy – ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày lễ trọng đại dành cho những người con hiếu thảo nghĩ đến công ơn sanh thành của cha mẹ, tìm cách báo đáp công ơn cao cả ấy trong muôn một. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ hai bộ kinh: Kinh thứ nhất là Kinh Vu-lan-bồn dịch âm của chữ ULAMBANA, nghĩa là giải đảo huyền (tức là cứu cái khổ như bị treo ngược). Bà Thanh Đề vì không tin nhân quả, lòng tham lam bỏn xẻn, khi sống đã tạo nhiều nghiệp ác, lúc chết phải rơi vào ngạ quỷ, chịu muôn ngàn thống khổ. Ngài Mục Kiền Liên dù thần thông đệ nhất cũng không thể cứu giúp mẹ, mà phải nhờ uy lực của mười phương chúng Tăng mới giải cứu được mẹ Ngài. Vì sau ba tháng an cư, các bậc Thánh Tăng giới đức thanh tịnh, phước huệ trang nghiêm, không còn các thứ phiền não nhiễm ô lung lạc, lấy chí nguyện độ sanh làm cứu cánh. Với lòng từ bi hỷ xả, bình đẳng vị tha, nhờ vậy mới đủ uy lực hoá giải những oan kết của các vong linh đang sa đoạ như bà Mục Liên Thanh Đề.
Bộ kinh thứ hai: Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân. Kinh này mô tả một ngày kia Đức Phật cùng với các đệ tử đi về phía nam thành Vương Xá, Đức Phật thấy một đống xương khô cao ngất như núi. Ngài liền sụp lạy, tôn giả A Nan thấy vậy thắc mắc hỏi, Phật liền dạy:
“Nầy A Nan, trong đống xương ấy có thể là xương ông bà, cha mẹ trong nhiều đời quá khứ của ta vì thế mà đảnh lễ”. Tiếp đến Đức Phật nêu rõ mười ân đức cao dày của người mẹ mà người con hiếu thảo muốn đáp đền, phải làm sáu việc theo chánh pháp.
Chính truyền thống báo hiếu này đã trở thành phổ biến trong các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo và nó đã tạo nên một nền văn hoá tốt đẹp, nâng cao giá trị đạo đức cho mỗi dân tộc. Dân tộc Việt Nam ta đã tiếp thu truyền thống ấy và biến thành sắc thái đặc biệt của dân tộc, thấm nhuần trong mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, từ một cụ già đầu bạc đến một em bé trẻ thơ, từ nhà trí thức đến một người bình dân chất phác, mỗi khi nhắc đến công ơn cha mẹ không ai mà không nhớ đến câu ca dao:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Và:
“Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.
Mỗi khi trái gió trở trời khiến con đau bệnh, một tiếng khóc, một cái giật mình, một tiếng ú ớ của con cũng làm cho mẹ hiền băn khoăn lo lắng:
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy thức đủ năm canh”.
Vì vậy phận làm con mấy ai không tưởng nhớ đến công ơn của hai đấng sanh thành.
“Thương thay chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”.
Lòng thương cha nhớ mẹ càng dạt dào hơn nữa là lúc cha mẹ khuất núi, lìa đời, trong khi người con đang lo việc sinh kế ở phương xa. Chiều chiều khi bóng hoàng hôn rủ xuống, nhìn về cố hương càng ngậm ngùi rơi lệ:
“Chiều chiều ra đứng cửa sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Hay:
Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”.
Vì thế, nếu may mắn được ở gần cha mẹ thì dù nghèo khó cũng thường phải thăm viếng, an ủi mẹ cha mới trọn đạo hiếu từ:
“Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”.
Hoặc hết lòng chăm sóc, nuôi nấng khi cha mẹ yếu già:
“Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”.
Hay:
“Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.
Nếu người con nào thờ ơ đối với mẹ già hoặc nuôi cha mẹ rồi kể công lao thì sẽ bị người đời chê trách:
“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng, tính ngày”.
Bởi vì công ơn cha mẹ đối với con như trời biển, cha mẹ đã tận tuỵ suốt đời, chỉ biết hy sinh cho con cái, nên phận làm con phải hết lòng phụng dưỡng thờ kính mẹ cha. Do đó, dù đời sống xuất gia cao quý nhưng nếu công ơn cha mẹ chưa đền đáp thì việc đi tu vẫn còn trắc trở:
“Vô chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền”.
Vì vậy có một số người cho rằng:
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.
Qua một số ca dao vừa đề cập trên, đã mô tả phần nào công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, phác hoạ những cách thức báo đền công ơn cha mẹ. Nhưng đó chỉ mới trả ơn cha mẹ trên phương diện vật chất, và tưởng nhớ cha mẹ một cách thiển cận, chứ chưa phải là phương thức báo hiếu một cách viên mãn. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Đức Phật đã dạy như thế nào về công ơn của cha mẹ và cách báo hiếu trọn vẹn theo tinh thần Phật giáo.
Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Nhất A Hàm như sau: “Này các Tỳ-kheo có hai người mà các thầy phải hướng dẫn làm điều thiện đi nữa cũng vẫn chưa trả được ân đó là cha và mẹ... Này các tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, được vị cam lồ đến chỗ vô vi, đó là phụng sự cha mẹ, phụng sự cha mẹ được công đức lớn quả báo lớn cũng như cúng dường cho vị Bồ tát chỉ còn một đời nữa là thành Phật, vì vậy các thầy nên ghi nhớ mà hiếu thuận phụng sự cha mẹ”.
Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã diễn tả nỗi cay đắng não nùng mà người mẹ phải chịu đựng trong lúc mang thai cũng như những tâm sự lo âu, lao khổ mọi bề để nuôi con khôn lớn. Thế mà vẫn có những người con làm cho cha mẹ phải đau lòng thất vọng. Mẹ già cha yếu, con chẳng đỡ đần, cãi lại song thân nói năng thô lỗ, hành động gàn dở, chú bác ông bà, cậu dì chẳng nể, anh em mặc kệ, bất trung bất nghĩa, bất hiếu bất lương, phép nước coi thường, mẹ cha chẳng kể. Những người mà kinh này vừa mô tả chẳng qua chỉ là số tối thiểu trong xã hội nhưng không phải là không có để nhắc hạng người này trở về con đường hiếu thuận.
Để hướng dẫn mọi người báo hiếu theo chánh pháp, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, những ai đền ơn cha mẹ chi bằng phụng dưỡng chu cấp của cải vật chất thì không bao giờ trả hết ân cha mẹ, nhưng này các Tỳ kheo, người đã đối với cha mẹ chưa có niềm tin khuyến khích cha mẹ làm việc thiện, đối với cha mẹ xan tham khuyến khích hướng dẫn cha mẹ phát tâm bố thí, đối với cha mẹ theo tà kiến khuyến khích cha mẹ theo chánh kiến. Nếu làm được như vậy thì mới trả ơn cha mẹ một cách xứng đáng. (Tăng Chi Bộ kinh).
Bậc cổ đức từng dạy:
“Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,
Nhân sanh bách hạnh hiếu vi tiên”.
(Trời có bốn mùa xuân là gốc,
Nhân sanh trăm nết hiếu làm đầu.)
Trong Kinh Nhẫn nhục, Đức Phật đã xem hiếu hạnh như một điều thiện tột bậc và bất hiếu như một điều ác cùng cực :
“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu,
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
Vì vậy để khuyến khích những người thiếu phước duyên, sanh ra đời không gặp Phật, Đức Phật dạy:
“Sanh ra đời không có Phật,
Khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.
(Kinh Đại Tập)
Và một lần nữa Đức Phật lại so sánh ân đức của mẹ hiền với những sự vật to lớn của thiên nhiên:
“Quả đất người đời cho là nặng,
Ân đức của mẹ nặng hơn nhiều.
Tu Di người đời cho là cao,
Ân đức mẹ hiền cao hơn nhiều.
Gió lốc người đời cho là mau,
Nhất niệm niệm mẹ hiền mau hơn nhiều”.
Vì ân đức mẹ hiền cao cả như thế nên trong phần kết thúc kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử chúng ta sáu phương thức báo ân cha mẹ:
1. Truyền bá chánh pháp để báo ân cha mẹ.
2. Vì cha mẹ chuyên tâm tụng và học hỏi kinh điển.
3. Vì cha mẹ sám hối tránh giết hại sinh vật.
4. Vì cha mẹ cố gắng thực hiện việc ăn chay.
5. Vì cha mẹ cúng dường Tam bảo những vật nhu yếu.
6. Vì cha mẹ thường bố thí làm các việc phước thiện.
Làm được như vậy mới thật là con có hiếu, cứu được cha mẹ sinh về nước Phật phước đức vô lượng.
Đạo Phật có mặt vì loài người, nên không bao giờ xa rời con người. Và để thể hiện lòng từ bi, giáo hoá mọi loài, cứu vớt sinh linh đau khổ, Đức Phật đã dạy về đạo hiếu và cách thức báo hiếu hết sức tường tận như kinh điển đã dẫn. Chúng ta là những người con Phật, hãy noi gương báo hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên trong mùa Vu Lan thắng hội. Nguyện cầu cho cha mẹ quá cố, cửu huyền thất tổ và những vong linh còn trầm luân chưa giải thoát, nương nhờ Phật lực nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, cao đăng Phật quốc:
“Nhờ phép Phật siêu sanh Tịnh Độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u.
Khắp hoà trí hải quần chu,
Não phiền trút sạch oán thù rửa trong.
… Nhờ phép Phật uy linh dõng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao.
Mười loài là những loài nào,
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
… Phật hữu hình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có chăng chăng.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng,
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.
(Nguyễn Du, Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sanh)
Theo ĐPKS
Các tin tức khác
- Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi (16/08/2013 11:55)
- Tâm nhiều vọng tưởng thì sẽ phát bệnh (16/08/2013 2:49)
- Tuổi trẻ với vấn đề trí tuệ (14/08/2013 11:34)
- Những hình ảnh về tình cha con gây xúc động cư dân mạng (13/08/2013 4:31)
- Báo hiếu cha mẹ theo Phật dạy (13/08/2013 2:46)
- Cảm niệm Vu Lan ( 9/08/2013 5:11)
- Giáo dục nhân cách trong giáo dục Phật giáo ( 9/08/2013 4:49)
- Cong nhưng đừng gãy ( 9/08/2013 12:27)
- Tuổi trẻ với lòng từ bi ( 6/08/2013 3:21)
- Tuổi trẻ với hạnh nhẫn nhục ( 4/08/2013 4:12)