Vì đại dịch Covid-19, nhiều người dân Ấn Độ đã phải chịu cảnh thất nghiệp, đặc biệt là dân nhập cư. Hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp của đất nước này làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo…Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Vì thế, hàng trăm nghìn người đánh liều bỏ phố về quê. Trong số họ, nhiều người tranh giành nhau lên các chuyến xe buýt trở về nhà còn những người không bắt được xe thậm chí quyết đi bộ hàng trăm kilomet.
Tuy nhiên câu chuyện của bố con Mohan Paswan lại có chút khác biệt. Mohan làm nghề lái xe lam, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể hành nghề. Không thể kiếm tiền ở thành phố, anh quyết định sẽ về quê một thời gian.
Các phương tiện giao thông bị hạn chế hoạt động trong đại dịch nên bố con anh không thể bắt xe về quê. Họ chỉ còn cách đi xe đạp, nhưng trước đó ông bố từng bị tai nạn nên không thể đạp xe. Chính vì vậy, cô con gái Jyoti Kumari, 15 tuổi đã quyết định đạp xe đưa bố về nhà.
‘Cháu không có sự lựa chọn nào khác. Bố con cháu sẽ chết đói nếu không đạp xe về quê’.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã hiểu được hoàn cảnh hiện tại của bản thân, Jyoti đã xin phép bố trình bày kế hoạch chở bố về quê nhà bằng xe đạp. Ban đầu, anh Mohan không đồng ý bởi quãng đường trở về nhà là 1200km chứ không phải 4-5km. Sau đó, nhờ sự kiên trì thuyết phục và niềm tin có thể làm được của con, anh Mohan cuối cùng đã đồng ý.
Jyoti cho biết cô bé đã đạp xe rất nhiều khi còn ở làng: "Cứ khi nào bố về là cháu lại đèo ông đi khắp làng. Bố đối xử với cháu như một đứa con trai nên cháu nghĩ đây là điều một đứa con trai sẽ làm".
Cô bé Jyoti quyết định mua một chiếc xe đạp và đạp xe suốt 10 ngày trong khi ông bố ngồi sau xe. Đạp xe dưới thời tiết nắng nóng, 2 bố con cô bé sống nhờ thức ăn và nước uống được người ta cho. Chỉ có 1 lần duy nhất Jyoti được nghỉ chân là lần đi nhờ chiếc xe tải.
Jyoti hiện đang học lớp 8. Cô bé phải chuyển từ quê lên thành phố hồi đầu năm nay để chăm sóc cho bố. Hôm 24/5, cô bé cho biết vẫn còn đang kiệt sức sau chuyến đi.
‘Đó là một chuyến đi vất vả’ – cô bé chia sẻ. ‘Trời nóng nhưng 2 bố con cháu không còn sự lựa chọn. Cháu chỉ có một mục đích duy nhất trong đầu là về tới nhà’.
Câu chuyện của cô bé Jyoti đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm không chỉ đối với người dân Ấn Độ mà có lẽ đối với bất kỳ người con nào khi đọc được cũng ngẫm nghĩ về trách nhiệm, sự hiếu thảo đối cha mẹ.
Cũng từ câu chuyện trên đã giúp chúng ta gợi nhớ đến những lời Phật dạy về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ:
“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ.
Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
– Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”. (Kinh Tăng Nhất A Hàm)
Hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người, là phúc báo mà Phật giáo khuyên nên làm nhất trên đời.