Vì sao trong cái khổ có cái thương

6/11/2013 3:05
Có một lần đức Phật gặp một người đàn ông còn trẻ nhưng có vẻ mệt mỏi và buồn bã.

Ông kể với Phật là con trai duy nhất của ông vừa mới  qua đời nên ông buồn khổ lắm. Ngày nào ông cũng ra ngoài bãi tha ma mà than khóc, Con ơi, bây giờ con ở đâu? Ông trở nên tiều tụy vì thương nhớ con mình. Phật nói, Này ông, trên đời này hễ có thương là có khổ. Người đàn ông liền phản đối, Thầy nói vậy sao được, thương thì làm sao khổ được, thương chỉ đem lại hạnh phúc và niềm vui mà thôi. Người đàn ông tỏ ra bất bình rồi bỏ đi. Đi một lát thấy có nhóm người đang ngồi đánh bài nên ông ngồi xuống kể cho họ nghe. Nhóm người tỏ vẻ thông cảm, Đúng là ông thầy tu đó nói không có lí gì hết, thương làm sao mà sầu khổ được, nó chỉ có hạnh phúc và niềm vui thôi.

Câu chuyện nhanh chóng lan khắp kinh thành và ai nấy đều bàn tán sôi nổi, cuối cùng cũng đến tai vua Pasenadi. Hôm đó, trong bữa cơm chiều, vua nói với hoàng hậu, Vị sa môn mà ai cũng gọi là Phật chắc không giỏi lắm đâu. Hoàng hậu hỏi, Sao vậy đức vua, có ai đã chê vị sa môn đó sao? Đức vua kể lại câu chuyện mà ngài đã nghe được cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu Mallika phản hồi, Nếu như đức Phật đã nói như vậy thì chắc chắn đó là sự thật. Đức vua tỏ vẻ phật ý nên nói, Nàng suy xét thử xem, đừng như một đứa học trò, hễ ông thầy nói gì thì cứ phải nghe theo. Hoàng hậu chỉ im lặng nhưng bà cũng muốn học hỏi thêm nên ngày hôm sau bà nhờ một người bạn tên Nalijangha tới thăm Phật và nhờ Phật chỉ dạy.

Nalijangha đến thăm Phật và được Phật dạy như sau, Tại thành Savatthi có một cô thiếu nữ vừa mất mẹ, cô khổ quá đến bấn loạn cả thân tâm, ngày nào cũng đi ngoài đường gặp ai cũng hỏi, Ông có gặp mẹ tôi đâu không, bác có thấy mẹ tôi đâu không? Cũng tại thành Savatthi, có hai người nam nữ yêu nhau nhưng do gia đình không chấp thuận nên họ quyết định tự tử vì họ cho rằng chỉ có cái chết mới giúp họ ở bên nhau mãi mãi. Tôi chỉ mới kể hai câu chuyện thôi mà đã thấy trong cái thương có cái khổ rồi.

Nalijangha kể lại những gì Phật nói cho hoàng hậu Mallika nghe. Hoàng hậu chờ dịp thuận tiện hỏi vua, Bệ hạ có nghĩ là công chúa Vajiri là người bệ hạ thương yêu hết mực hay không? Đức vua đáp, Đúng như thế, ta rất đỗi thương yêu con gái của ta, không gì sánh bằng tình thương này cả. Hoàng hậu tiếp, Vậy nếu có chuyện chẳng lành xảy ra với công chúa thì bệ hạ có sầu khổ hay không? Đức vua giật mình, Trời đất ơi, trong cái thương có những mầm mống của lo lắng, sầu khổ, thất vọng, buồn bã hay sao. Tự nhiên gương mặt vua biến đổi thần sắc, ngài không còn tỏ vẻ bình thản như khi nãy. Lời nói của Phật khiến vua ngẫn ngơ, trong phút chốc ngài nhận ra sự phũ phàng của tình cảm. Vua nói, hôm nào thuận tiện, nàng dẫn ta diện kiến đức Phật. Hoàng hậu mỉm cười, bà nghĩ đức vua đã hiểu ra chuyện.

Câu chuyện trên đây nói đến chuyện đức Phật dạy về việc trong thương có khổ, nhưng theo chiều ngược lại cũng có thể hiểu trong khổ có thương. Khi bị nhức răng, người khổ lắm vì nó hoành hành không ngủ được, ăn uống cũng khó khăn nên người quyết chí phải bảo vệ răng miệng và biết thương cái răng của mình. Cũng vậy, tôi làm trong ngành nhân sự nên biết nhiều bạn trẻ hay kén chọn công việc, có tính đứng núi này trông núi nọ, đòi hỏi mức lương và điều kiện làm việc nhiều khi không phù hợp với năng lực. Nền kinh tế suy thoái, nhiều người thất nghiệp mới thấy trong khó khăn, có một công việc là đáng trân trọng, nên hãy cố gắng làm mà giữ việc.

Lại nữa, với tình cảm gia đình, ba mẹ, vợ chồng, con cái, nhiều khi người cứ tưởng người thương sẽ sống đời nên thờ ơ hoặc không quan tâm chăm sóc chu đáo. Đột nhiên ba mẹ ra đi, vợ chồng ra đi, con cái ra đi, người khóc tức tưởi và nuối tiếc sao lúc người đó còn sống, người đã không có mặt trọn vẹn hay chăm sóc trọn vẹn. Và người ngồi tiếc nuối quá khứ, mặc cho hiện tại bị ruồng bỏ. Trong khổ đau vì người thân ra đi, người chợt nhận ra trong giây phút này người vẫn còn những người thương khác nữa nên người quyết chí thay đổi, người sẽ không như trước, người sẽ có mặt cho người thương và chăm sóc người thương chu đáo hơn. Đây gọi là trong khổ mà nhận ra thương hay trong khổ có thương. Cho nên nhiều khi người dại dột lắm, người bỏ mặc người thương để chạy theo những yếu tố hay hoàn cảnh khiến cho việc xa rời người thương càng lớn.

 

Theo ĐLT

Các tin tức khác

Back to top