Gió vô thường

10/01/2014 1:12
Mọi người có ai đã tự đặt cho mình câu hỏi, một ngày có hai mươi bốn giờ, mình đã sử dụng lượng thời gian này vào việc gì và thời gian mình sử dụng đã mang lại lợi ích gì cho bản thân, cho cộng đồng mình đang sống

Và có ai đã từng nghĩ, giờ đây tôi còn hiện hữu ở cõi đời này thì chốc nữa tôi còn có được cơ hội  ngồi đây để đọc sách, để trò chuyện cùng mọi người hay chưa? Hàng ngàn câu hỏi được đặt ra tương ứng với hàng trăm câu trả lời. Nhưng dù ta có biện tài hay cách mấy thì tài biện luận đó cũng không thể nào thoát khỏi hai chữ “vô thường”. Vì sao? Vì lúc đang biện luận chẳng hay vô thường đến, một cơn gió độc chẳng hạn thì tài đa văn đâu thể được duy trì và phát huy. Thời gian trôi qua nhanh chóng thì mọi vật cũng vận hành theo quy luật thời gian, ta gọi sự vận hành đó là “vô thường”.

Tổ Quy Sơn đã dạy “Vô thường lão bệnh, bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế, thí như xuân sương, thiểu lộ thúc hốt tức vô ngạn thọ tỉnh đằng khởi năng trường cửu, niệm niệm tấn tốc nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sanh, hà nãi yến nhiên không quá ”. Vô thường mà đến thì già, bệnh không hẹn với một ai, sớm còn tối mất trong một sát na là qua đời khác, giống như sương mùa xuân vào lúc sáng sớm trong chốc lát đã không còn, cây bên bờ, dây trong giếng đâu thể dài lâu, ý nghĩ này nối tiếp ý nghĩa khác, chuyển biến cực kỳ nhanh chóng, trong một sát na chuyển hơi thở là sanh vào đời sau, sao vẫn cứ an nhiên để đời mình trôi qua một cách vô ích. Vậy “vô thường” là gì mà cuộc sống lại lắm khổ đau và hiếm hoi hạnh phúc thế này?

Đức Phật dạy tất cả những gì trong thế gian này có biến đổi, có hư hoại đều được gọi là “vô thường”. “Vô thường” là không thường, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định mà nó chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác mà không một ai có thể biến đổi được quy luật này. Tất cả các sự vật thay đổi đều trải qua bốn gai đoạn thành, trụ ,hoại, không (hay sanh, trụ, dị, diệt).

Trong đời sống thực vật, từ hạt giống nảy mầm thành chồi non, chồi non sinh trưởng trở thành cây con, trạng thái này gọi là “ thành”. Từ cây con sinh trưởng phát triển mạnh thì giai đoạn này gọi là  “trụ”, nhưng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người, những cây này sẽ bị chặt đi để sản xuất, giai đoạn này gọi là “ hoại”, theo thời gian những đồ dùng được đưa vào sản xuất  có lúc sẽ bị mục nát và ta gọi trạng thái này là “ không”. Tất cả sự vật trong vũ trụ này từ bé nhỏ nhất như hạt cát và to lớn nhất như trăng sao đều phải trải qua bốn giai này.

Chính vì có vô thường nên có sự mâu thuẫn giữa người với người, giữa người với môi trường quanh ta  mà kết quả mang lại đều gây ra khổ đau cho kiếp sống. Vì thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường nên hạnh phúc luôn xa rời người mang nhiều đau khổ. Đã biết thân này là giả tạm, do tứ đại hợp thành. Thế mà mọi người cứ chấp vào thân này, cho thân này là của ta rồi để nó đắm vào ngũ dục (tài sắc, danh, thực, thùy). Nhưng đâu ai biết khi hợp thì tứ đại cùng nhau giữ gìn thân, duy trì mạng sống con người còn khi trái nhau  một đại không hòa thì ba đại còn lại cũng không yên.

Vì do nhiều duyên kết hợp lại có tăng có giảm, có buồn có vui nên bệnh cũng từ đây mà sanh ra. Mập quá làm thân này nặng nề. Thủy đại tích tụ làm ta chảy nước mũi, nước miếng. Hỏa đại mà thịnh hành thì làm người nóng nảy. Phong đại hoạt động mạnh làm ta thấy khó thở. Tứ đại không hòa nên dễ sinh bệnh, làm thân bại hoại, mệt mỏi chẳng muốn ăn, tinh thần tổn giảm (mất ngủ)... Nếu các trạng thái  này móc xích vào nhau thì điểm đến cuối cùng là “ cái chết”. Dù biết rằng ai rồi cũng sẽ chết nhưng trong khi thân này chưa hoại diệt thì chúng ta phải biết trân quý thời gian, đừng để thời gian trôi qua mà phí cả cuộc đời.

Thân này khó được, nếu chỗ  thấy biết không chơn chánh thì thân này sẽ bị đọa lạc “ Ta không biết đạo đức mà không gần thiện tri thức thì người ác sẽ làm hư hạnh tốt của ta như con nhện sa vào trong chén sữa ngon, thì sữa ngon này sẽ trở thành thuốc độc”. Thân này khó được như đất dính ở móng tay, như rùa mù gặp bọng cây vậy. Vì “Tuy tuổi thọ trăm năm nhưng dường như chỉ trong một giây phút, chẳng khác nào lượng sóng rút về biển đông, như tia sáng mặt trời, như lửa đánh đá, như đèn trước gió, như cây mục đứng bên bờ lở ”(Bộ Tôn kinh). Đương nhiên, hoa nở rồi cũng sẽ tàn vì cuộc sống vô thường nên ai khen ta thì ta vui sướng, cho đó là người bạn tốt của ta, và ngược lại thì ta ghét họ đến mức không muốn nhìn mặt kể cả khi nghe tên.

Dòng đời vốn thay đổi nên tất cả đều phải đổi thay. Nếu ta nhìn đời bằng cặp mắt màu đen thì những gì ta thấy đều bị biến sắc, hoa ly ly màu trắng mà được nhìn bằng cặp kín đen thì màu trắng kia lập tức sẽ bị chuyển màu. Thân vô thường nên buộc tâm phải vô thường, tâm như người thợ vẽ, vẽ ra muôn thứ ở cõi đời, vẽ ra cái đắng cay,  ngọt bùi, chua chát buộc thân này phải gánh chịu.

Tâm luôn luôn thay đổi, thay đổi trong từng sát na, đang khóc vì đau khổ thấy vậy chứ nếu thuận cảnh có ai chọc mà hợp lẽ thì vui liền. Hôm qua, tinh tấn học bài mà lỡ không hiểu, không thuộc bài thì tâm tinh chuyên liền biến thành tâm buông lung. Tâm ta vô thường vì hoàn cảnh vô thường, tuy hoàn cảnh là vô thường nhưng đôi khi cái vô thường này có thể sẽ mang đến hạnh phúc cho bản thân ta.

Cuộc sống an lạc, sung sướng quá, ăn cơm có người nấu, đồ mặc có người giặc, ăn no chỉ đi học, thế mà vì mê chơi quá nên học cũng không tới đâu. Khi nghe người khác giới thiệu ở chỗ kia sướng hơn nhiều thì mình liền khởi tâm tham, không ngờ sướng như thế này mà lại có nơi sướng hơn, tâm ta thì nghĩ như vậy còn thân thì lại hành. Ta liền nghe theo nhưng đâu ngờ nằm mộng rồi vỡ mộng, nơi đó không có người thì lấy ai mà nấu cơm cho ăn, lấy đâu ra người mà giặc đồ dùm. Nếu nghĩ lại thì đau khổ lắm nhưng thấy vậy chứ không phải vậy. Chính nhờ hoàn cảnh khốn cùng này mà ta lại có cơ hội siêng năng hơn, có cơ hội  nếm vị chua của trái chanh, cay nồng của ớt, nếm được vị ngọt của mật mà tổng hợp những hương vị đó laị mà làm động lực để đi đến đích.

Đường ta đi có nhiều chông gai và thử thách nhưng ta đừng nghĩ tới những điều đó mà hãy tự nghĩ, những chông gai thử thách là cơ hội để ta vươn lên, để ta tự khẳng định sự dẻo dai và sức chịu đựng của bản thân, ta cứ tự nghĩ rằng không có khó khăn nào có thể đánh đổ được sự bền bỉ. 

Vô thường chi phối tất cả, không ai có  biết trước được chuyện ngày mai, một hơi thở ra mà không biết có lấy được trở lại hay không mà sao ta cứ sân si suốt ngày. Không ai có thể kéo vô thường trở lại hoặc đẩy cho vô thường trôi đi nhanh chóng và cũng không ai thoát khỏi vô thường vì nghiệp quả kéo lôi khó mà ta trốn tránh được.Trong kinh pháp cú Đức Phật dạy: “ Chẳng phải trên hư không, chẳng phải giữa biển, chẳng phải trong hang núi và chợ, không phương sở nào mà tránh khỏi cái chết”. Vô thường không chừa xót một ai. Nghĩa địa đâu chỉ có người già mà có cả trẻ con, thanh niên lẫn lão ấu.

Do đó, chúng ta đừng bao giờ để thời gian trôi đi một cách phí phạm. Một hành giả thực hành giáo pháp của Đức Phật đã tự lựa chọn cho mình con đường dấn thân phục vụ thì ta phải có mắt trí tuệ, phải tự mình lánh ác làm lành, phải tự gạn lọc bản thân để nội tâm luôn được trong sạch vì hình ngay thì bóng mới thẳng. Đừng bao giờ để cái ác, cái bất thiện làm bạn với thân với ta. Hành giả tu tập lời phật dạy, đừng bao giờ để chỗ tri kiến ác tồn tại mà làm thân này phải trầm luân.Vì sao? vì thân người một khi mất đi thì muôn kiếp khó mà trở lại.

Pháp Như (CLT)

Các tin tức khác

Back to top