Biết nghe chuông từ thuở… nằm nôi
Bà nội tôi kể, từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường xuyên vắng nhà, mỗi lúc như vậy tôi làm nư và khóc lóc thảm thiết. Bà nội không biết dỗ thế nào cho tôi nín. Thế là bà lấy cái chuông nhỏ của ông nội tôi gõ vài tiếng, tôi liền nín bặt ngay, cặp mắt chăm chú nhìn cái vật bé xíu nhưng tiếng thì ngân rất to trên tay của bà. Bà hay kể chuyện này mỗi lúc gia đình tôi quây quần với nhau và khuyến khích con cháu tìm hiểu về Phật pháp. Còn ông nội thì kể, từ lúc tôi biết bò ông đã bồng tôi lên chùa, để mặc cho tôi bò khắp chánh điện trong khi ông lau chùi, quét dọn và châm dầu vào những cây đèn đặt trên bệ thờ. Cũng có lẽ qua lời kể này, ký ức của tôi phảng phất về một ngôi chùa đơn sơ và giản dị ở một vùng quê yên bình nơi tôi sinh ra, nhưng lại rất thiêng liêng trong tâm hồn của những người dân thấm nhuần Phật pháp.
Gần chùa mà xa Phật
Đến tuổi thiếu niên - độ tuổi nghịch ngợm phá phách không có ai chịu nổi (như lời của bố mẹ tôi nói), sau giờ học, tôi rong ruổi suốt ngày khắp “hang cùng ngõ hẻm” với cây ná trên tay. Tôi rành rẽ mọi cây trái, mọi quả chín trong vườn nhà người khác hơn đồ đạc trong nhà của mình. Với cây ná chạc hai bằng gỗ ổi dẻo dai, với chùm dây thun xanh đỏ được thắt điệu nghệ, tôi có thể nhắm bắn trúng phóc ngay cả con chim lấp ló sau tán lá và đang vắt vẻo hót líu lo. Con đường đến chùa của tôi chỉ giới hạn trong những lần ông hoặc bà tôi bảo mang buồng chuối hay bó bông lên chùa. Và tất nhiên, cái ná dây thun điệu nghệ được tôi giắt sau lưng quần để hai tay rảnh rỗi ôm đồ và mọi việc chỉ dừng ngay tại trước bậc tam cấp của chùa. Không hiểu vì sao tôi chẳng bao giờ dám bước vào chánh điện. Tuy đôi lúc trèo lên cây bồ-đề trước sân chùa hái chùm quả bồ đề ăn ngọt lịm, tôi thỉnh thoảng liếc mắt qua khe cửa, tôi nhìn thấy “ông” Phật rất to ngồi chính giữa chánh điện, phong thái ung dung, miệng mỉm cười hiền hòa và có vẻ như không hề trách phạt gì ba cái trò nghịch ngợm leo trèo của tôi lúc đó cả.
Duyên lành chợt đến
Lớn thêm chút nữa, một ngày tôi nhìn thấy người cậu họ đầu cạo láng bóng rạng rỡ trong bộ đồ nâu về thăm nhà. Mọi người ai ai cũng vui mừng, kéo nhau tới thăm hỏi. Tôi hỏi mẹ mới biết, người cậu họ của tôi đi tu từ nhỏ, rất ít khi được về thăm nhà. Đợt này, do sư phụ của cậu có việc về gần làng tôi nên luôn tiện cho cậu họ tôi về thăm gia đình. Nhìn phong thái ung dung của người cậu họ - tức vị thầy trong bộ đồ nhật bình an nhàn tự tại, tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ. Tự nhiên tôi nhận thấy mình bị cuốn hút theo bước chân của thầy. Thầy lên chùa thắp hương, gõ mõ đánh chuông, tôi cũng lần mò đi theo và cảm thấy tiếng mõ, tiếng chuông nghe thiêng liêng quá chừng!
Quyết định đi “tu”
Ở được vài ngày, người cậu họ - vị thầy - trở về chùa, mọi người trong gia đình bà con thân tộc quay trở lại với công việc thường ngày của họ. Người đi chợ, người bán rau, người hái quả, người thăm ruộng… chẳng ai nhắc lại chuyện người cậu họ đi tu vừa được về thăm nhà. Họ yên chí rằng, cuộc đời của người cậu họ tôi từ đây về sau, cho đến hết cuộc đời sẽ không còn khổ ải nữa, vì đã được làm con Phật, được thoát khỏi đời đầy bể khổ… Chỉ có mình tôi, bóng dáng và những câu chuyện về người cậu họ đi tu đó luôn ray rứt trong tâm trí…
Một buổi tối, cả nhà quây quần, tôi đánh bạo thưa với bố mẹ, ông bà rằng, tôi muốn đi tu! Muốn được như người cậu họ của tôi! Bố mẹ tôi ngỡ ngàng. Ông bà nội tôi cười vui vẻ. Sau một hồi trầm ngâm, bố tôi bảo: “Con muốn đi tu à? Nếu con thực hiện nghiêm chỉnh điều bố đưa ra, bố mẹ, ông bà sẽ xem xét cho con đi. Đầu tiên con hãy tiêu hủy ngay cái ná - thứ đồ chơi đã lấy đi nhiều sinh mạng của các con vật và kể từ đây con không được cố ý sát sinh bất cứ con vật nào, dù là con kiến. Con có làm được không?”.
Ôi chào, điều kiện bố đưa ra thật khó! Bởi vì, dù muốn hay không, chuyện tôi gắn bó với cây ná như hình với bóng, nó là thú vui duy nhất trong đời tôi lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng từ đó, tôi dần dần từ bỏ việc bắn phá chim chóc hay các con vật trong tầm ngắm của tôi. Thay vào đó, mục tiêu của tôi là chùm ổi, chùm mận đỏ rực trên cành. Nghe bà nội kể, mỗi loài vật đều có mạng sống của nó, ngay cả con kiến bé nhỏ, hàng ngày công việc của nó là tìm thức ăn, vất vả duy trì nguồn sống của mình, tôi đâm ra kiêng dè, cẩn trọng với loài sinh vật bé nhỏ này. Không những thế, tôi còn hay biết đến thú vui thưởng thức tiếng ve sầu, tiếng chim hót véo von trên cành cây bên nhà hàng xóm.
Vẫn “tu” đến tận bây giờ
Từ ngày nhận được yêu cầu của bố để được điều kiện đi tu như người cậu họ, tôi đã bỏ bớt những thói nghịch ngợm phá phách. Vườn cây ăn trái của nhà hàng xóm từ đó cũng yên ổn; chim chóc, cá cảnh, sâu bọ, kiến cánh… nhờ đó cũng được sống yên thân. Tôi cũng có nhiều thời gian dành cho bài vở, học hành. Nay đã trưởng thành, tôi vẫn không quên lời dặn của bố và khắc khoải ước nguyện được trở thành một vị thầy với bộ đồ nâu thanh thoát, an lạc. Cho dù chưa đủ duyên lành để sống đời xuất gia nhưng tôi đã hiểu đạo Phật thấm nhuần trong tôi. Tôi thực hành theo Chánh pháp hàng ngày và dù sống giữa cuộc đời, tôi nghĩ mình vẫn đang “tu”.
Nguyên Trọng (GNO)
Các tin tức khác
- Khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm kì 9 với chủ đề: Tâm Xuân (18/12/2012 3:14)
- Bài học từ loài kiến (14/12/2012 3:02)
- Im lặng để yêu thương (13/12/2012 3:14)
- Thương mình cũng chính thương người mười mươi (12/12/2012 10:44)
- Lễ Khai giảng khóa Giáo lý Hướng dẫn viên Thanh Thiếu niên Phật tử (11/12/2012 6:12)
- Bỏ phố xá ồn ào, giới trẻ lập nhóm thiền tại gia (10/12/2012 4:36)
- Biết chấp nhận nhau là hạnh phúc ( 9/12/2012 3:12)
- Củ cải, trứng, hạt cà phê ( 7/12/2012 9:46)
- Có một ngày Chủ nhật khác! ( 5/12/2012 12:44)
- Lắng nghe để hiểu và nhìn lại để thương ( 4/12/2012 2:20)