Có thực sự cần thiết không?
Cuộc sống luôn bận rộn và hối hả, nên ít khi ta nhìn lại và tự hỏi những thứ vật chất mà ta đang mong cầu có thực sự cần thiết hay không? Ta đang thiếu thức ăn hay thèm muốn những món ăn hấp dẫn hơn? Ta đang thiếu đồ mặc hay đua đòi trang phục mới lạ hơn? Ta đang thiếu phương tiện di chuyển hay ao ước chiếc xe khác hiện đại hơn? Ta đang thiếu chỗ ở hay mơ tưởng một cơ ngơi sang trọng hơn? Ta chưa có công việc ổn định hay đang phấn đấu đạt mức thu nhập cao hơn để tiêu xài “mạnh tay” hơn?
Tiện nghi tinh thần cũng vậy, những thứ mà ta đang đặt ra có phải là nhu cầu bắt buộc không thể thiếu trong đời sống chăng? Nếu không có vóc dáng cao ráo hay khuôn mặt xinh xắn thì mọi người sẽ thiếu quý trọng ta chăng? Nếu không lấy được chứng chỉ đó, không lên được chức vị đó, không đạt được thành tích đó, thì ta không có giá trị chăng?
Nếu không được người ấy hết mực chiều chuộng thì ta không thể yêu thương và hạnh phúc chăng? Nếu không cưới được người ấy thì ta không còn gì để sống chăng? Nhìn kỹ lại đi. Ta đang mong cầu sự tiện nghi hơn, tức hưởng thụ nhiều hơn, chứ đâu phải ta đang thiếu thốn những điều kiện căn bản để sinh sống, phải không?
Ta luôn tin rằng những thứ mà ta muốn có chắc chắn phải “hơn” những thứ mà ta đang có. Thoải mái hơn, êm ái hơn, ngọt ngào hơn, hấp dẫn hơn, bay bổng hơn… đúng là những cảm giác có thật khi những mong cầu của ta đã trở thành sự thật. Thế nhưng, điều kỳ lạ mà ta lại ít quan tâm, đó là tại sao những cảm giác ấy tan biến quá nhanh, nhanh đến độ ta chẳng kịp nhận ra nó đã rời khỏi ta tự lúc nào. Trong ta chỉ còn lại ký ức nhỏ nhoi, chút dư âm nhạt nhòa, nhưng lại hình thành những nỗi tiếc nuối day dẳng.
Rồi ta cảm thấy bất an, thấy thiếu thốn, thấy cần phải cố gắng nắm bắt thêm những mục tiêu quan trọng khác nữa. Làm như ta đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng, rất tài ba, cho một cuộc sống tốt đẹp đến mức hoàn hảo sắp diễn ra vậy. Nhưng sự thật là ta chưa từng thưởng thức cuộc sống ấy bao giờ cả, mặc dù nó đã diễn ra từ trước khi ta chuẩn bị cho nó nữa kìa. Ta tiêu tốn quá nhiều thời gian và năng lượng, nhưng rốt cuộc ta chỉ mới cố gắng sống chứ chưa thực sự sống. Sống một đời sống khó khăn đến như vậy sao?
Khi đặt ra những mong cầu, dĩ nhiên, ta luôn thấy những thứ ấy rất cần thiết, hoặc bây giờ chưa cần thì biết đâu ngày mai sẽ cần. Chỉ đoán vậy thôi, chứ làm sao ta dám chắc với những thứ sắp tích góp có thể đảm bảo cho ta một cuộc sống an ổn và hạnh phúc hơn? Thực tại rành rành ra đó. Ta cũng đang sở hữu rất nhiều thứ mà ta đã từng ước mơ và dám đánh đổi bằng mọi giá để đạt được, nhưng sao ta vẫn chưa thấy hài lòng, thỏa mãn? Sao ta vẫn tin vào kiểu sống mong cầu, chờ đợi, hy vọng… ở tương lai?
Lắm lúc mệt mỏi, ta lui về một góc nhỏ và mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống phải có cái gì đó tốt đẹp hơn, sâu sắc hơn. Nhưng rồi những suy nghĩ ấy cũng mau chóng tan biến như một làn khói mỏng, ta lại trở về thực trạng cũ: mong cầu, tranh đấu, mệt mỏi, bất an.
Làm sao ta có thể dừng lại khi xung quanh ai ai cũng đang tranh thủ tích góp? Làm sao ta dám tin rằng nếu không tiếp tục tranh đấu để có thêm tiện nghi thì cuộc sống ta vẫn an ổn hay tốt đẹp hơn? Chẳng phải ngay từ trên ghế nhà trường ta đã được dạy rằng, “hạnh phúc là tranh đấu” đó sao? Xã hội vốn như vậy thì ta có thể làm khác hơn được sao?
Thêm hay bớt?
Suy gẫm sâu sắc một chút về cuộc sống, ta sẽ nhận ra một nguyên lý khá đơn giản: trong cái thêm luôn mang theo cái bớt và trong cái bớt luôn hàm chứa cái thêm. Nói cách khác, thêm cũng chính là bớt và bớt cũng chính là thêm. Vấn đề là thêm cái gì và bớt cái gì? Cái thêm vào có giá trị bằng cái bớt ra không? Thử tính lại bài toán đời mình xem?
Cái mất mát dễ nhận ra nhất trong cuộc tranh đấu cho cái gọi là mưu sinh, đó là ta đã tự biến mình trở thành kẻ-không-có-thời-gian. Lúc nào ta cũng bận rộn, đầu tắt mặt tối. Thời gian cho bản thân còn không có, nói gì đến những người thân xung quanh.
Kẻ-không-có-thời-gian cũng chính là kẻ-không-có-không-gian. Dành hết thời gian cho công việc là ta đã tự thu hẹp không gian sống của mình. Suốt ngày ta chỉ còn quanh quẩn trong phòng làm việc, trong chiếc máy tính, hay trong chiếc điện thoại bé xíu.
Kẻ-không-có-thời-gian-và-không-gian cũng chính là kẻ-không-có-tự-do. Càng bận rộn ta càng giới hạn những mối quan hệ mà ta thấy không cần thiết; càng thành đạt ta càng lo sợ và tránh xa những bạn bè mà ta nghĩ có thể sẽ lợi dụng mình; càng có quyền lực với mọi người ta càng bị tước đi quyền sống chân thật với chính mình.
Cái giá đắt nhất phải trả cho cuộc chạy đua kinh tế, chính là sự sa sút trầm trọng của phẩm chất tâm hồn. Sau mỗi mục tiêu đạt được, ta dễ căng thẳng và lo lắng hơn, dễ bực tức và nghi ngờ hơn, thiếu trung thực và nhiều chiêu thức hơn, thiếu cảm thông và nhiều đòi hỏi hơn. Đó là chưa kể đến những cú tuột dốc không phanh khi thua cuộc, khi thất bại, khi những ước mơ tan tành theo mây khói. Nỗi khổ của kẻ chiến bại còn nặng nề hơn nỗi khổ của kẻ nghèo đói gấp trăm ngàn lần. Bởi đó là nỗi khổ của một cái tôi.
Hưởng thụ tình cảm cũng vậy. Ta cũng vội vàng và thực dụng, cũng phải liều lĩnh đánh đổi những giá trị quý báu khác mới có thể “giật” về tay mình.
Yêu, đề tài được ca tụng nhiều nhất và cũng làm khổ con người nhiều nhất. Mà có lẽ, bây giờ yêu khổ hơn xưa nhiều. Chắc tại vì tình yêu bây giờ mang ý nghĩa khác. Yêu có thể chỉ để khỏa lắp nỗi cô đơn, muốn tìm một chỗ dựa dẫm, muốn được nếm trải những cảm xúc bay bổng, vậy thôi, nên không ít kẻ cam tâm tình nguyện làm nô lệ tình yêu.
Sai lầm căn bản của tình yêu là không biết rằng cho cũng chính là nhận, nên càng cho càng đòi hỏi được đáp trả nhiều hơn và càng nhận lại càng thấy thiếu thốn hơn. Mong cầu trong tình yêu là vô tận. Chấp nhận yêu là phải chấp nhận khổ, không nhiều thì ít. Yêu mà không khổ thì bị cho là thiếu chân thành – tức thiếu si mê – không phải là yêu nữa.
Mong cầu được công nhận, khen tặng, nể phục, tin tưởng, kính trọng… cũng mang tới những ràng buộc và khổ đau tương tự. Bản chất của chúng tuy không sâu nặng như tình yêu, nhưng cũng khiến ta mất nhiều thời gian, không gian, tự do, và không ngừng bị khuấy động phiền não. Cái khó là ta không thể nhận ra mặt trái của những nhu cầu ấy, vì chúng được đặc quyền có mặt nghiễm nhiên trong giá trị của một con người. Con người không có những nhu cầu ấy thì không có gì hứng thú để sống và phấn đấu vươn lên.
Những nhu cầu ấy, thực ra, chưa bao giờ lắp đầy nỗi cô đơn của con người. Nó chỉ mang tới những cảm giác sung sướng nhất thời, nhưng để lại những cơn nghiện rất đáng sợ. Đã không ít lần ta muốn trốn chạy vì nhận ra rằng, cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn nếu không có nó; còn lệ thuộc vào những thứ bên ngoài là còn bị điều khiển, còn khổ đau. Nhưng, trớ trêu thay, làm sao thoát khỏi sự mong cầu khi ta vẫn còn là con người?
Làm sao để chấm dứt mọi mong cầu?
Nếu chỉ cần có những nhu cầu thiết yếu thôi thì bài toàn về cuộc đời có lẽ đã có giải đáp từ lâu rồi. Nhưng khổ nổi, khó ai biết được, khó ai chỉ bảo cho ai được, cái gì mới là thiết yếu, như thế nào mới là vừa đủ, đừng quá nhiều, đừng tham. Ranh giới giữa mong cầu và tham cầu trở nên nhập nhằng và đánh đố con người không rõ tự bao giờ?!
Mong muốn hôm nay là ngày đẹp trời – không quá nắng cũng không quá ảm đạm, ra đường không bị kẹt xe và lỡ vượt quá tốc độ mà không bị cảnh sát phát hiện, đến bưu điện không phải xếp hàng chờ đợi và giải quyết mọi chuyện chỉ trong chốc lát, tiệm hang hiệu kia vẫn chưa đóng cửa và đôi giày muốn mua vẫn còn đó, chưa ai chiếm chỗ ngồi quen thuộc trong quán cà phê ấy và sẽ tìm được vài phút giây bay bổng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không. Dư thừa. Còn cả khối điều tạo nên một ngày tốt đẹp.
Mong muốn những đóng góp của mình được cấp trên quan tâm và ghi nhận, công việc làm ăn ngày càng tiến triển và không bị ai ganh ghét hay chèn ép, mau chóng tích góp được số tiền lớn và chắc chắn sẽ đi du lịch nước ngoài trong năm nay, phải giảm cân vài ký nữa hay phải tìm được cách gì đó tăng chiều cao thêm chút nữa mới thấy tự tin, người ấy phải thay đổi tính lầm lì ít nói ngay thì mình mới sống chung được, đám cưới của mình phải tổ chức thật linh đình và đãi khách trong nhà hàng thật sang trọng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không hẳn. Có thì tốt, không có cũng không sao cả.
Mong muốn sức khỏe thật tốt và không bao giờ bị bệnh tật, con cái đứa nào cũng ngoan hiền và ít nhất phải tốt nghiệp đại học, vợ chồng lúc nào cũng quan tâm nhau và không có bất cứ xung đột gì xảy ra, không ai được bội tín và gây tổn thương cho nhau, có thể hiểu hết trái tim của người thân yêu để cảm thông và giúp đỡ, trở thành một người chuẩn mực để làm gương cho kẻ khác, tâm hồn luôn được bình yên và thanh thản… Đó có phải là những nhu cầu cần thiết không? Phải, nhưng không phải hễ cái gì cần thiết là nhất thiết phải có, không có là không được hay không thể sống và hạnh phúc.
Là con người, dĩ nhiên, ai mà không mong cầu. Vì dù muốn dù không thì bản năng tự nhiên cũng thúc đẩy ta tìm tới những điều kiện an toàn và thuận lợi để sinh tồn và phát triển. Thế nhưng, ta đã mắc phải những sai lầm rất lớn trong việc mong cầu, và vô tình để nó trở thành nguyên nhân chính yếu dẫn tới mọi rắc rối và khổ đau trong đời.
Sai lầm cội rễ của mọi sai lầm, đó là ta đã tạo ra sự khác biệt đến đối lập một cách tuyệt đối giữa những ý niệm vốn tương đối như: đẹp-xấu, hay-dở, cao-thấp, sang-hèn, còn-mất… Từ đó, ta đã tạo ra cái gọi là “văn minh nhân loại” mang tính phân cực mãnh liệt, đó là luôn muốn nắm bắt những gì ưa thích và loại trừ những gì không ưa thích.
Do lầm tưởng rằng cảm giác sung sướng từ sự hưởng thụ vật chất và tinh thần (bao gồm tình cảm, danh dự và quyền lực) chính là nhu cầu cao cả nhất – tức hạnh phúc chân thật – nên thay vì chỉ tìm kiếm những điều kiện căn bản và thiết yếu thôi, thì ta lại không ngừng tích góp những thứ ấy mà bất chấp mọi phương cách.
Chính vì thói quen đeo bám những cảm xúc mới lạ và hấp dẫn, nên khi đặt ra mong cầu ta liền đồng nhất cả đời sống của mình với nó, quên hết những phẩm chất cao quý trong tâm hồn và những điều mầu nhiệm đang hiện hữu xung quanh. Đến khi những cảm xúc ấy tan biến đi, ta rơi vào lạc lõng và cô đơn mà vẫn không rõ nguyên do.
Dù biết rằng bản chất của cuộc đời là bất như ý, tức là nó vận hành theo một số nguyên tắc tự nhiên nào đó chứ không chiều theo ý muốn của bất cứ ai, thế nhưng ta lại hy vọng may mắn sẽ luôn mỉm cười với mình. Nên khi mong cầu bất thành thì ta không sẵn sàng chấp nhận, than oán, rồi tự biến mình thành nạn nhân của khổ đau.
Sai lầm không đáng mắc phải nhưng lại thường mắc phải, đó là ta không biết chắc điều mong cầu có thực sự cần thiết hay không. Cũng có khi ta đã thấy rõ giá trị thiết thực của nó, nhưng khi sở hữu được rồi thì ta lại nhận ra đó chỉ là thói quen tích góp, tâm tưởng tượng và lo lắng thái quá, hoặc cảm xúc yêu thích hay tranh đua nhất thời.
Và đến một lúc nào đó, ta lại tỉnh ngộ về giá trị không lâu bền của sự hưởng thụ bên ngoài, nên có khuynh hướng quay về nương tựa chính mình. Nhưng sai lầm vẫn cứ tiếp tục xảy ra và khổ đau vẫn chưa chấm dứt, vì ta lại đặt ra và đeo bám vào những mong cầu lớn lao khác về giá trị tâm hồn như: bình yên, thảnh thơi, nhẫn nhục, từ bi… Nghĩa là tâm mong cầu cho cái tôi vẫn nguyên vẹn, chỉ có đối tượng mong cầu là thay đổi.
Vậy đến bao giờ ta mới thôi mong cầu và chấm dứt hết mọi khổ đau?
Thực ra, mong cầu ít hay nhiều, nhỏ hay lớn, vẫn chưa phải là yếu tố quyết định nên khổ đau. Mong cầu ít và nhỏ, dù chỉ là những nhu cầu căn bản và thiết yếu, nhưng nếu không phù hợp với khả năng và hoàn cảnh hiện tại, cùng với thái độ nôn nóng và quyết có cho bằng được, thì nó vẫn làm ta khổ như thường. Mong cầu nhiều và lớn, nhưng chỉ để tập trung đi tới và hoàn thiện, cộng với tinh thần sẵn sàng buông bỏ bất cứ lúc nào nếu nó trở thành áp lực và điều khiển ta, thì không có lý do gì khiến ta phải khổ vì nó. Huống chi, ta còn phải phấn đấu để vươn tới chân-thiện-mỹ và còn thể hiện tình thương và trách nhiệm với gia đình và xã hội, thì mong cầu là điều phải có, phải xảy ra.
Do đó, nguyên nhân dẫn tới mọi khổ đau chính là thái độ mong cầu, chứ không phải là nội dung mong cầu. Nói cách khác, phương thức để sống mà không khổ đau đó là cần có thái độ mong cầu đúng đắn, chứ không phải chấm dứt hết mọi mong cầu.
Thái độ mong cầu đúng đắn chỉ đến từ nhận thức đúng đắn (về thân phận và cuộc đời) và lối sống tỉnh thức. Thái độ mong cầu đúng đắn không bao giờ được sinh ra từ tâm tham lam – chỉ muốn gia tăng thêm sự hưởng thụ thỏa mãn cho cái tôi ích kỷ.
Dù sao cũng nên nhớ rằng, trà dù đựng trong cái tách lớn hay nhỏ, tròn hay vuông, màu đỏ hay màu đen, làm bằng thủy tinh hay bằng đất, thì chất lượng cũng như nhau. Phẩm chất đời sống chính là trà, còn tiện nghi vật chất và tinh thần chỉ là những cái tách đựng trà. Thế nhưng, hằng bao thế kỷ qua, người ta cứ mải mê chế biến ra đủ kiểu tách trà với hy vọng sẽ làm cho trà ngon hơn. Thật điên rồ! Nếu không biết cách thưởng thức trà, thì dù có đủ loại tách thượng đẳng cũng không thể nếm được hương vị thật của trà.
Cho nên, người khôn ngoan chỉ chọn cho mình những cái tách nào thích hợp nhất, vừa có thể uống trà vừa không bị dính mắt vào. Và, người hiểu biết chỉ giữ lại những cái tách nào cần thiết nhất, vừa có thể thanh thản thưởng thức trà vừa có thể san sẻ cho những kẻ khát cháy ở khắp mọi nơi đang không có cái tách nào để sử dụng.
Chén trà trên tay đó
Chịu khát đến bao giờ
Cuộc đời là bể khổ
Hay tham muốn vô bờ?
Trích Hiểu Về Trái Tim - Thích Minh Niệm
Các tin tức khác
- Những câu hỏi ... ( 8/12/2014 5:45)
- Tu trong lúc đi học ( 7/12/2014 12:19)
- Làm sao cho con tự nguyện đi chùa một cách vui vẻ? ( 6/12/2014 12:44)
- Công chúa bong bóng ( 1/12/2014 10:01)
- Cảm ơn cha đã cho con biết chúng ta nghèo như thế nào (24/11/2014 3:58)
- Câu chuyện nhẫn nhục (17/11/2014 12:46)
- Ảo ảnh (10/11/2014 5:50)
- Ứng xử với nghịch cảnh ( 8/11/2014 12:02)
- Bài trắc nghiệm nhỏ ( 5/11/2014 11:13)
- Câu chuyện về lòng biết ơn ( 4/11/2014 11:34)