Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng Thuận là ông đồ Nam Tử, ông tên thật là Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) quê ở Hải Dương. Ông đã đưa ra quan điểm “Đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng”. Thấm nhuần tư tưởng đó, năm 1930 một trí thức đã tổ chức đám cưới tại chùa Từ Đàm - Huế cho con gái mình. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông đồ Nam Tử, năm 1937 Hoà thượng Thích Thiện Hoa đã dùng 2 chữ Hằng Thuận (với ý nghĩa nói luôn luôn hoà thuận) để chỉ việc kết hôn trước của phật. Trong chùa, chư tăng không gọi đám cưới là “Lễ cưới hỏi” mà gọi là “Lễ Hằng Thuận”, điều đặc biệt trong buổi lễ phải có một nhà sư chủ trì làm chủ lễ.
Như trên đã nói, trong nghi thức “dâng hương”, nghi thức đầu tiên của buổi lễ tân lang tân nương được dẫn tới trước bàn thờ Tam Bảo đứng chắp tay làm lễ. Khi sư thầy trụ trì (người chủ lễ) nâng hương lên và xuống kệ dâng hương thì cô dâu chú rể quỳ 2 bên để nghe thầy chủ lễ dặn dò về đạo vợ chồng. Những dặn dò quy tắc, khuyên bảo ứng xử này rất gần gũi và được xem là những chuẩn mực về đạo vợ chồng, dâu con. Trong đó, có bổn phận của vợ và chồng đối xử với nhau. Đặc biệt, đối với đôi vợ chồng mới phải thương yêu nhau ra sao, những điều gì chồng không làm gì với vợ và ngược lại (như không nghiện ngập, ngoại tình, bạo lực…), vợ chồng phải sống như thế nào để cuộc sống lứa đôi hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Ngoài ra là những dặn dò về cách cô dâu đối xử với nhà chồng ra sao, làm thế nào để hoàn thành bổn phận dâu con, đối xử với các thành viên gia đình đôi bên ra sao và cách cư xử của chồng đối với gia đình nhà vợ.
Tiếp theo là nghi thức “khai thị”, “phu thê giao bái” và nghi thức “trao nhẫn và nói lời ước nguyện”. Ở phần đầu của nghi thức này, trước khi trao nhẫn cho cô dâu và chú rể, vị chủ lễ đọc một bài pháp ngắn, dặn dò đôi vợ chồng trẻ sống theo các quy tắc của tránh pháp và đạo lý, chuẩn mực ứng xử ở đời. Sau khi chú rể trao nhẫn cho cô dâu thì nghe vị chủ lễ nói về ý nghĩa của chiếc nhẫn, với đại ý khi 2 người trao nhẫn cho nhau thể hiện sự nhường nhịn yêu thương kính trọng nhau giữa 2 người. Cuộc sống vợ chồng nếu thiếu những yếu tố trên sẽ không mấy bền vững.
Sau phần trao nhẫn, chú rể và cô dâu hứa với nhau, với các vị chư tăng, phật tử có mặt và gia đình đôi bên sẽ toàn tâm toàn ý yêu thương chăm sóc nhau. Tiếp theo gia đình 2 bên lần lượt hứa trước Tam Bảo và các vị chư tăng phật tử cùng giúp đôi bạn trẻ xây dựng hạnh phúc, đồng thời tạo mọi điều kiện đôi bạn trẻ hoàn thành vai trò làm vợ chồng cũng như làm tròn trách nhiệm dâu rể với song thân, họ hàng gia đình đôi bên. Về trang phục trong “Lễ Hằng Thuận” cô dâu mặc áo dài, chú rể mặc véctông, các thành phần chủ lễ mặc áo nhà chùa. Về món ăn, toàn bộ được chế biến bằng món chay nhà phật.
Tại Hải Phòng, “Lễ Hằng Thuận” cũng thu hút được số đông các gia đình và đôi bạn trẻ vào chùa tổ chức. Mới đây nhất, tại chùa Cao Linh, đôi tân lang tân nương Phạm Anh Trường và Vũ Thị Hoa đã tổ chức “Lễ Hằng Thuận” với đông đảo quan viên 2 họ và các tăng ni phật tử tham dự. Đại đức Thích Bản Hoan, trụ trì chùa Phúc Linh (An Dương), người kiêm làm MC các hoạt động của phật giáo cho biết: “Xét về mặt văn hoá, “Lễ Hằng Thuận” là một nghi lễ đám cưới được tổ chức trong chùa, nó mang một ý nghĩa nhân văn và đạo đức tâm linh rất lớn đối với các bạn trẻ. Tại một số tỉnh phía Nam, số đông các bạn trẻ đều tìm đến các chùa nhờ các trụ trì tổ chức “Lễ Hằng Thuận” cho mình. Tại Hải Phòng, một số ngôi chùa như: chùa Phổ Chiếu, chùa Đỏ, chùa Hàng, cũng đã tổ chức lễ Hằng Thuận cho đông đảo các bạn trẻ có nhu cầu”.
Có thể nhận thấy, việc tổ chức đám cưới ở chùa đã kết hợp được những nghi thức của nhà phật với nét đẹp của đám cưới truyền thống. Nó là cầu nối giữa đạo và đời, nó hướng cho các bạn trẻ tới một gia đình tâm linh, gìn giữ đạo đức truyền thống của dân tộc, hạnh phúc hài hoà về mọi mặt. Đồng thời nó cũng tạo ra bản sắc riêng trong phong tục cưới hỏi của dân tộc. Tuy Nhiên, “Lễ Hằng Thuận” chỉ có ý nghĩa khi đôi bạn trẻ muốn hướng tới đời sống hôn nhân tốt đẹp.
Nguồn tin: anhp.vn