Mỗi người trong chúng ta đều đang cố gắng đi tìm cho mình một ngôi nhà đích thực. Chúng ta biết rằng ngôi nhà đó đang ở trong ta và với năng lượng chánh niệm, ta có thể trở về mái ấm đích thực của mình ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tăng thân cũng là nhà chúng ta.
Ở Việt Nam, người chồng gọi vợ mình là “nhà tôi” và người vợ cũng gọi chồng mình là “nhà” của cô ấy. “Nhà tôi” có nghĩa là căn nhà của tôi. Khi có người hỏi: “Vợ anh đâu rồi?” người kia sẽ trả lời: “Nhà tôi đang ra bưu điện.” Cũng đã có một vị khách hỏi người vợ: “Ai trang trí nhà bạn mà đẹp quá vậy?” Cô vợ trả lời: “Nhà tôi sửa soạn cái nhà tôi”, điều đó cũng có nghĩa là “chồng tôi đã làm cho ngôi nhà của chúng tôi trở nên đẹp như vậy đó”. Hay khi người chồng gọi vợ: “Nhà mình ơi!” (nhà của tôi), cô vợ sẽ đáp là: “Em đây! Nhà mình ơi.”
Khi quý vị có một mối liên hệ như vậy, nghĩa là người kia là ngôi nhà của quý vị, thì quý vị cũng hãy là một ngôi nhà đích thực cho người đó. Tuy nhiên, trước nhất, quý vị phải là ngôi nhà đích thực cho chính mình thì mới có thể là ngôi nhà cho người thương của quý vị. Và chánh niệm là sự thực tập để có thể là một ngôi nhà đích thực cho chính ta và cho những người ta thương.
Ở Làng Mai, mỗi khi nghe chuông, chúng ta ngừng lại mọi suy nghĩ, nói năng hoặc hành động. Chúng ta để sự chú tâm vào hơi thở vào ra và đọc thầm: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.” Ngôi nhà đích thực của ta đang ở trong ta. Ngôi nhà đích thực của chúng ta là bây giờ và ở đây. Vì vậy sự thực tập quay về nhà là điều mà chúng ta làm suốt mỗi ngày, bởi vì trong chúng ta, ai cũng chỉ thấy thoải mái khi được ở trong nhà của mình. Ngôi nhà của chúng ta đang có đó và chúng ta có thể quay về nhà trong mỗi phút mỗi giây. Ngôi nhà của chúng ta phải là một nơi an toàn, thân thương và ấm cúng. Do đó, chính chúng ta phải là người xây dựng nên ngôi nhà của mình bằng những yếu tố đó.
Tuần trước, tôi có ngồi uống trà với một cặp vợ chồng người Anh. Họ đã sống hai tuần ở Làng Mai với quý thầy ở xóm Thượng. Người vợ nói: “Thật lạ. Đây là lần đầu tiên con sống ở một nơi có cả trăm người đàn ông và không có phụ nữ. Vậy mà con cảm thấy rất an toàn ở xóm Thượng. Con chưa bao giờ cảm thấy an toàn như vậy.” Ở xóm Thượng, cô ta là người phụ nữ duy nhất, nhưng cô thấy rất an toàn. Và nơi nào mà cô ta cảm thấy an toàn thì nơi đó là nhà cô ta, bởi vì ngôi nhà phải là nơi mà khi sống trong đó ta cảm thấy an toàn. Vậy, quý vị có phải là một nơi an toàn cho những người thương của quý vị không? Quý vị có đủ vững chãi, mạnh mẽ để bảo vệ cho người thương của mình không?
Người chồng nói: “Hai tuần vừa qua có lẽ là hai tuần tuyệt nhất trong đời con.” Đó chính là nhờ công trình xây dựng tăng thân. Khi quý vị xây dựng một tăng thân thì quý vị cũng đang xây dựng một mái ấm cho chính mình. Ở nơi đó, quý vị cảm thấy như nhà của mình, dễ chịu và an toàn. Nếu quý vị không thấy an toàn trong tự thân thì quý vị không phải là ngôi nhà cho chính mình và không thể là một ngôi nhà cho người thương của quý vị. Đó là lý do tại sao quay trở về với chính mình để tạo nên một nơi an toàn cho mình và cho những người mình thương lại quan trọng đến như vậy.
Sư ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Đôi khi (31/01/2013 10:13)
- Tiến và dừng (30/01/2013 2:12)
- Sức mạnh của lòng quyết tâm (28/01/2013 3:44)
- “Hương Sen Đại Bi” với Thanh Thiếu Niên Phật Tử (26/01/2013 8:55)
- Yêu thương đâu chỉ bằng lời (25/01/2013 11:48)
- An toàn và cao quý cho bạn (24/01/2013 6:13)
- Triết lý Kyocera của Tỷ phú - Phật tử người Nhật (21/01/2013 9:25)
- Phật trên đường phố (20/01/2013 5:30)
- Tương lai của bạn bắt đầu từ ngày hôm nay (17/01/2013 1:28)
- Chùm ảnh khóa tu Gieo hạt từ tâm kỳ 10 (16/01/2013 2:41)