“Chấp nhận để chuyển hóa chứ không phải bỏ cuộc”

30/05/2015 3:29
ĐĐ.Thích Minh Niệm, tác giả cuốn Hiểu về trái tim, sách do NXB Trẻ ấn hành, là cuốn sách bán chạy nhất hiện nay tại Việt Nam. Thầy quê ở Châu Thành (Tiền Giang), xuất gia tại chùa Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân, TP.HCM). Thầy từng thọ giáo Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Sau đó, thầy thọ giáo với Thiền sư Sao Tejaniya ở Mỹ. Cả hai vị Thiền sư ấy đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và đời sống của thầy.

Thưa thầy, hạnh phúc - khổ đau là cặp phạm trù thường đi cùng với nhau. Vậy theo thầy, để có hạnh phúc thì mình phải tách khổ đau ra?

- Khi bạn trúng một phi vụ lớn, tất nhiên, bạn sẽ rất hạnh phúc. Nhưng pha trộn vào đó là những cảm giác hồi hộp, căng thẳng, lo sợ, nghi ngờ, tưởng tượng thái quá… và đó chính là những cảm giác của khổ đau. Khi thỏa mãn nhục dục cũng vậy, cảm giác dễ chịu hay khó chịu luôn dắt tay đi chung với nhau. Hiếm khi bạn đang tận hưởng một loại hạnh phúc nào mà bạn không lo sợ hạnh phúc ấy sẽ tan biến đi. Bạn sợ nó tan biến đi là vì nó đến từ bên ngoài, nó bị điều kiện hóa, nó không hoàn toàn thuộc về bạn.

Một lý do nữa mà bạn thấy hạnh phúc thường đi chung với khổ đau, đó là nhờ có khổ đau mà bạn biết được cái gì là hạnh phúc. Nhờ có trải qua một trận mùa đông lạnh thấu xương bạn mới biết quý cái nắng về, nhờ có cơ duyên phải chịu đói nhiều ngày bạn mới thấy hết cái giá trị của một bữa ăn, nhờ có những ngày tháng chia lìa bạn mới nhận ra trọn vẹn cái hạnh phúc được sống chung với những người thân yêu.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có hạnh phúc mà không cần có sự tham dự của khổ đau. Đó là hạnh phúc đến từ sự tỉnh thức. Nếu bạn có khả năng sống trong tỉnh thức, luôn nhận ra những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có, luôn phát hiện kịp thời thói quen ham muốn và chống đối dư thừa để buông bỏ, thì khổ đau không cách nào có mặt được cùng với cái hạnh phúc ấy. 

Nhưng vì bạn chưa thể tỉnh thức trọn vẹn trong mỗi giây phút, bạn vẫn còn mất kiểm soát, nên bạn sẽ vẫn còn khổ đau. Mà như đã nói, khổ đau phải cần có mặt để nhắc nhở những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có. Và, như đã nói, không có gì là khổ đau cả, chỉ có cái bất như ý đeo bám theo hạnh phúc (những điều như ý) mà thôi.

Vậy, làm thế nào để chấp nhận được những sự thật mà đối với nhiều người nó hoàn toàn không dễ chịu như bệnh tật, thất bại hay cái chết..., thưa thầy?

- Trước khi chấp nhận được những cái lớn hay quá lớn thì phải tập chấp nhận những cái nhỏ trước.

Nhưng trước hết, bạn phải có ý thức chấp nhận trước đã, chấp nhận càng nhiều càng tốt. Đó là một thứ chánh kiến. Bởi vì bạn nhận thức rằng mọi thứ trong cuộc đời này xảy ra theo lẽ tự nhiên, theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh. Thế nên, dù cho bạn có tài năng đến đâu hay chuẩn bị kỹ lưỡng tới mức nào thì những điều bất như ý vẫn xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Làm sao chúng ta bắt mọi thứ phải xảy ra theo ý mình để có được hạnh phúc, trong khi nhận thức của chúng ta còn mắc phải rất nhiều sai lầm hay thay đổi liên tục. Chấp nhận là điều kiện bắt buộc để sinh tồn.

Chấp nhận tức là không chống lại, không loại trừ, dung chứa hết. Chấp nhận những điều bất như ý như là thái độ biết thuận theo quy luật tự nhiên, như khi ta chấp nhận những điều như ý. Chấp nhận để thấu hiểu và chuyển hóa chứ không phải là bỏ cuộc. Chấp nhận để đó rồi từ từ đủ duyên mới tính tiếp. Do đó, phải là người có trái tim rộng lớn lắm mới có thể chấp nhận được nhiều hoàn cảnh khó khăn hay những đối tượng khó chịu.

Khi có ý thức sẵn sàng chấp nhận mọi điều bất như ý xảy ra rồi, bạn phải bắt tay thực hành. Bạn không thể chỉ dặn lòng là có thể làm được. Đầu tiên, bạn phải xây dựng cho mình thói quen chánh niệm, luôn tỉnh giác để nhận ra những phản ứng chống trả trong bạn mỗi khi gặp phải một điều trái ý. Bạn phải cố gắng duy trì quan sát chính phiền não của mình, một cảm giác không dễ chịu chút nào, thay vì bạn có khuynh hướng đi tìm những đối tượng dễ chịu khác để bám víu. Từ từ, bạn sẽ học được cách chấp nhận những cảm giác khó chịu. Bạn sẽ thấy nó không còn quá khó khăn như trước nữa.

Quá trình quay vào bên trong để khám phá, thấu hiểu, và chuyển hóa sẽ giúp cho bạn phát sinh ra nội lực và những cái thấy rất sâu sắc, gần với sự thật. Cũng từ công phu đó, bạn sẽ thấy rõ bản chất của sự thành bại, được mất, hay sống chết để rồi bạn chấp nhận nó một cách không khó khăn như bạn đang ở trình độ này nhìn về nó. Thấy được mà cũng chấp nhận được tức là bạn đang trên tiến trình giác ngộ.

Bây giờ mà kêu bạn chấp nhận những sự thật ấy thì tất nhiên là quá khó, vì bạn vẫn chưa thực sự bắt tay vào con đường khám phá nội tâm, khám phá bản chất cuộc sống. Bạn vẫn còn dạo chơi và mơ mộng.

Như vậy muốn thoát khổ, đạt được hạnh phúc, không phải là mình sẽ chạy thoát khỏi hoàn cảnh sống không dễ chịu, đi tìm những sự dễ chịu hơn từ bên ngoài phải không, thưa thầy?

- Như đã chia sẻ phần trên, khổ đau là do chính phiền não trong tâm, do tham-sân-si, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ đóng vai trò tác nhân, vai trò phụ mà thôi. Vì vậy, thay vì đổi cảnh thì ta hãy đổi tâm, đổi năng lượng tiêu cực thành tích cực, đổi năng lượng bất an thành bình an. Đức Phật cũng đã từng nhắc, “Vạn pháp duy tâm tạo”, những gì chúng ta cảm nhận được trên cuộc đời này đều do chính trình độ tâm thức của chúng ta chứ không phải bản chất cuộc đời là như vậy.

Khi ta bị ràng buộc vào những ham muốn, đòi hỏi hay sự tức giận thì ta sẽ nhìn lên mọi thứ chung quanh không còn chính xác nữa. Ngay cả những kiến thức và kinh nghiệm của ta tuy rất hay, rất đúng, nhưng nếu đem so với thực tại thì cũng không hoàn toàn đúng. Cho nên, cũng khung cảnh ấy, cũng con người ấy, mà khi tâm ta đã thực sự thư giãn, buông xả, bình an, tự tại, ta sẽ không còn thấy nó đáng chán hay đáng bỏ đi. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Thiền sư Trần Nhân Tông), bất động trước mọi biến động, chính là cái đích đến của sự thực tập đạo Phật. 

Bạn sẽ yêu quá cuộc đời này khi bạn đã thực sự trở về với chính mình, làm chủ đời mình. Bạn muốn bỏ đi chỉ vì bạn đồng nhất mình với những cảm xúc khổ đau nhất thời, đồng nhất mình với một hiện tượng tâm lý mà quên mất bản chất chân thật. 

Người trẻ ngày nay có ít khả năng chịu đựng và vượt qua những khó khăn dù đó không phải là những khó khăn quá lớn. Thậm chí họ còn hay than van. Thầy sẽ khuyên họ như thế nào?

- Kinh tế phát triển làm cho người ta sống thoải mái hơn, hưởng thụ nhiều hơn. Nhưng người ta không biết rằng càng hưởng thụ thì sẽ càng yếu đuối. Trong khi bản chất của cuộc sống là luôn có biến động, luôn có những đợt sóng ngầm, rình rập, để sẵn sàng lôi con thuyền của chúng ta ra xa và nhấn chìm. Nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn một nội lực vững vàng thì chúng ta sẽ gục ngã. Do vậy, điều đầu tiên tôi muốn khuyên các bạn trẻ là hãy bớt hưởng thụ. Bớt cái này để thêm cái khác. Cái thêm vào chính là cái giá trị tiên quyết tạo nên sự thành công, vì không có sự thành công vững chắc nào đến từ sự dễ dàng cả.

Kế đến, các bạn phải nên tự tạo cho mình cơ hội sống với những điều kiện khó khăn đến khắc nghiệt để trui rèn nghị lực và ý chí. Phải từ chối bớt cơ hội thăng tiến. Phải quay về chính mình để đào luyện, thậm chí là khổ luyện, nếu các bạn muốn có sự nghiệp lớn. Một chuyến “tu bụi” - đưa mình vào miền hoang dã để thấu hiểu và chuyển hóa những yếu kém lâu đời của bản thân là một sự chọn lựa thiết thực.

Còn đối người trẻ đang sống trong sự bận rộn mà muốn mưu cầu hạnh phúc chân thật thì thầy sẽ khuyên họ nên thực tập như thế nào?

- Khó đấy! Vì muốn đạt được những giá trị sâu sắc và chân thật thì bạn không thể nào không đầu tư hết lòng cho nó được. Bạn không thể vừa đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền hay tranh đua quyền lực mà cũng vừa mong có được hạnh phúc chân thật, lâu bền. Khi bạn có ý niệm về hạnh phúc chân thật thì tức là bạn đã muốn quay vào khám phá và làm chủ nội tâm, thay vì cứ hướng ra bên ngoài như trước đây.

Vậy thì, với người bận rộn vì chưa thể buông bỏ bớt được những ham muốn hay trách nhiệm, thì cần phải có một ý chí vững mạnh để có thể tự sắp đặt chương trình thực tập thiền ngay giữa sự bận rộn. Thiền chính là con đường quay vào khám phá và làm chủ bản thân. Tuy vậy, các bạn ấy phải có ít nhất trải qua một hoặc vài khóa thiền dài 3 đến 7 ngày để từ đó thiết kế lối sinh hoạt của mình sao cho giữ được tinh thần thiền. 

Nên có thêm một nhóm bạn, đoàn thể cùng đi chung đường với mình, để cùng chia sẻ, nhắc nhở và nâng đỡ, nhất là trong giai đoạn ban đầu rất dễ bị thói quen cũ kéo trở lại. Tuy nhiên, các bạn muốn hành thiền, muốn quay vào khám phá nội tâm bao nhiêu phần trăm? Nếu bạn chỉ muốn có vài chục phần trăm thôi, thậm chí dưới 50%, thì không thể nào thực hiện được. Có thực hiện thì cũng sẽ dễ bỏ cuộc. 

Các bạn trẻ thường khi thất bại thì mới chịu nghe, chịu quay về tìm kiếm. Các bạn háo thắng lắm. Cứ tưởng có tài năng hay quyền lực là sẽ có tất cả, kể cả hạnh phúc chân thật. Hãy để các bạn trải nghiệm. Khi nào thấm thía được mùi vị vinh nhục thì tự khắc các bạn sẽ quay về thôi.

 

TRÒ CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ “HIỂU VỀ TRÁI TIM” 
ĐĐ.THÍCH MINH NIỆM
Lưu Đình Long thực hiện

Các tin tức khác

Back to top