Làm cha mẹ tốt (và trí tuệ)

13/07/2015 3:42
Rất hữu ích để chúng ta dựa vào bốn Phạm trú – từ, bi, hỷ , xả - khi đối phó với con cái của chúng ta.

Khi chúng ta sinh con, tâm từ luôn luôn là thứ bản năng đầu tiên của chúng ta đối với con cái. Chúng ta yêu thương chúng vì chúng là con của chúng ta. Và một trong những phẩm chất trên hết của người cha, người mẹ tốt là giúp đỡ con cái mà không mong được đáp trả. Chúng ta không mong đợi con cái làm bất cứ điều gì để đền đáp lại, chúng ta chỉ cho đi. Điều này là hợp lẽ - chúng ta luôn luôn nên có lòng tử tế và mong muốn những điều tốt lành cho con cái của mình. Và rồi khi con cái chúng ta rơi vào những tình huống đau khổ, tâm bi của chúng ta sẽ tự nhiên sinh khởi. Chúng ta không muốn chúng đau khổ mà muốn cho nỗi đau khổ của chúng chấm dứt. Ngược lại, khi con cái chúng ta thành công hoặc có được hạnh phúc trong đời, chúng ta có thể chia sẻ bằng cách cảm thấy hạnh phúc với chúng và hy vọng rằng những gì con cái chúng ta đạt được sẽ tiếp diễn. Và cuối cùng, nếu trong một tình huống nào đó, con cái chúng ta có những vấn đề vượt trên khả năng giúp đỡ của chúng ta, thì cách thức ứng xử thích hợp nhất trong trường hợp này chính là sử dụng đến tâm xả. Chúng ta phải hiểu rằng mọi người đều phải gánh chịu nghiệp của mình và con cái của chúng ta cũng đem theo với chúng nghiệp được tích lũy trong bao đời kiếp – thói quen, đặc điểm, tính cách – vào đời.

Nếu con cái của chúng ta gặp những vấn đề mà chúng ta không thể làm gì được để giúp đỡ hoặc an ủi chúng, chúng ta phải bước lùi lại. Đây là tâm xả, với tâm xả chúng ta có sự quân bình và nhẫn nại. Chúng ta hiểu nghiệp và chấp nhận vào lúc này đây chúng ta chẳng có thể làm được gì nhiều để thay đổi sự việc. “Ồ, vào thời điểm này tình hình nó như vậy đây. Nó đã nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi.” Vẫn có tình yêu dành cho con cái, nhưng chúng ta không cố gắng ép buộc chúng phải thay đổi. Hoàn cảnh sẽ tự chính nó thay đổi.

Nếu con cái của chúng ta không tự giải quyết lấy các vấn đề thì chúng ta có thể chỉ bảo và giúp chúng. Nhưng chúng ta phải nhớ, đặc biệt là trong trường hợp tình huống kéo dài, rằng sự vật không vững bền, rằng con người thay đổi. Đôi khi con cái của chúng ta thực sự tốt. Chúng có những phẩm chất tốt vì chính vì điều này mà chúng được nhiều người yêu mến. Và rồi chúng lớn lên, lập gia đình và ra riêng. Chúng có gia đình riêng của chúng, trách nhiệm của chính chúng. Vậy đấy! Chúng chẳng còn thời gian dành cho chúng ta bởi vì chúng đã có các bổn phận và nghĩa vụ của chính mình.

Một số đứa trẻ khác có thể có một sự khởi đầu như là không “tốt” lắm. Không thành công lắm, không có trách nhiệm lắm. Nhưng cuối cùng, chúng có thể lại là người chăm sóc cho chúng ta và giúp cho chúng ta nhiều nhất khi chúng ta lớn tuổi. Tôi đã từng chứng kiến những trường hợp như vậy rất nhiều lần. Và suy nghĩ rằng, đứa trẻ “tốt” sẽ ở lại và chăm sóc chúng ta và đứa trẻ “hư” sẽ bỏ đi và chẳng giúp gì cho chúng ta cả là không có gì chắc chắn. Con cái của chúng ta có thể thay đổi 100% theo tiến trình diễn biến của cuộc sống, và chúng ta cần phải nhớ như vậy. Nghiệp có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. Chẳng có trường hợp nào là sự vật sẽ cố định, không bao giờ thay đổi. Khi chúng ta nhớ đến những sự thật này, nó giúp chúng ta buông bỏ hơn một chút nữa. Con cái của chúng ta có thể có các phẩm chất tốt mà đơn giản là chúng chưa nở rộ. Nếu chúng ta có thể kiên nhẫn và suy nghĩ theo cách này, chúng ta sẽ không đau khổ hoặc lo lắng thái quá. Chúng ta có thể buông bỏ và chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Theo: Simple Teachings on Higher Truths

Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí

Các tin tức khác

Back to top