Cha mẹ nên nhận thức được tầm quan trọng của việc trau dồi tri thức cần song song với giáo dục đạo đức (xem thêm Cần giáo dục đạo đức cho con ngay từ thuở bé) mới là phương pháp giáo dục đúng đắn nhất. Sau đây, người viết sẽ đưa ra những bài học đạo đức quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh cần dạy con.
1. Dạy trẻ không nói dối
Trong kinh Ambalatthikàràhulovàda (Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la, thuộc Trung bộ kinh II), Đức Phật đã có bài dạy cho con trai Ngài là La hầu la hiểu về tầm quan trọng của lòng trung thực như sau:
“Đời Sa-di quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Đời Sa-di quả thật như bỏ đi nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Đời Sa-di quả thật bị đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Đời Sa-di quả thật trống không và vô vị nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố không có điều tội lỗi, xấu xa nào mà người đó không làm. Do đó, La-hầu-la, con phải cố gắng lập tâm quyết định: Dù trong lúc chơi đùa, con cũng không nói dối”.
Quả vậy, “không nói dối” là một trong những bài học đầu tiên mà cha mẹ nên dạy cho con cái. Bởi lẽ, tác hại của sự không trung thực là làm giảm lòng tin của người khác dành cho mình.
Vì thế, ngay từ khi con nhỏ, các bậc phụ huynh nên dạy trẻ không được phép nói dối. Đôi khi, vì mãi chơi hoặc vô ý, trẻ có thể làm vỡ các đồ vật trong nhà. Nhưng thay vì quạt nạt, đe dọa để con chịu“thừa nhận”, bạn hãy bình tĩnh dạy cho trẻ thấy rằng, việc trẻ làm tuy sai nhưng sẽ không bị quở phạt nếu trẻ mạnh dạn nhận lỗi. Có như vậy thì ngay từ khi còn bé, trẻ mới ý thức được thái độ tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
2. Không trộm cắp
Rất nhiều trẻ khi còn bé thơ đã được cha mẹ dạy cho việc trộm tài sản, tiền bạc của người khác.Thậm chí, nhiều người còn dạy con đi ăn cắp một cách chuyên nghiệp. Trẻ chỉ như một tờ giấy trắng và việc viết lên chúng điều gì là do chúng ta. Nếu ngay từ nhỏ, dạy con những điều xấu thì lớn lên, trẻ làm sao có thể thành một công dân tốt, có ích cho xã hội được?
Giáo dục sai lầm dẫn đến hỏng cả một con người. ( Xem thêm Tầm quan trọng giữa đạo đức và tri thức) Nhận thức được điều này, một trong những bài học đạo đức quan trọng mà các bậc cha mẹ dạy con cái chính là “không ăn cắp”. Bạn cần dạy con hiểu rằng cho dù cây kim, sợi chỉ, hay củ lạc, củ khoai ngoài ruộng nhưng chưa được sự đồng ý của người chủ mà lấy đã gọi là ăn cắp. Và dẫu đó chỉ là thứ nhỏ nhặt nhưng chúng ta đã mang nợ người kia và món nợ ấy cứ nhân lên mãi và kiếp nay hoặc kiếp sau con cũng phải trả.
Mỗi người cần làm gương cho con và cho con hiểu, nếu vi phạm nguyên tắc này thì trẻ sẽ bị phạt rất nặng.
Đồng thời, bạn cũng cần gợi ý cho con cách làm sao để có được thứ mình muốn. Chẳng hạn, con có thể ngỏ ý mượn bạn bè nếu con đang thiếu bút để viết, hoặc nói thật với cha mẹ về ý định muốn mua một món đồ chơi yêu thích. Lúc đó, tùy khả năng tài chính hoặc xem yêu cầu đó có hợp lý không mà bạn đáp ứng cho sở nguyện của con mình.
3. Học cách xin lỗi khi làm sai
Sám hối là cách để con người nhìn nhận lại sai lầm và nguyện sửa chữa, từ bỏ dần dần những việc làm, hành động không đúng của mình. Nhận thức được tầm quan trọng của sám hối như thế nào thì ngay từ khi con còn nhỏ, bạn cũng nên dạy con học cách xin lỗi khi làm sai.
Mỗi một việc trẻ làm để lại hậu quả dù nhẹ hay nặng, có thể làm người lớn hoặc bạn bè của trẻ buồn thì người mẹ phải có trách nhiệm dạy trẻ nói lời xin lỗi. Bên cạnh việc nhận thức sai lầm của mình, trẻ cần học cách sửa đổi bản thân, không tiếp tục làm những việc làm đó nữa.
Đồng thời, các em sẽ tự hình thành thói quen và phản xạ tự nhiên mỗi khi làm điều gì đó không đúng. Việc dạy con biết xin lỗi vô cùng quan trọng vì nó sẽ giúp trẻ có tính khiêm nhường. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên chú ý đến độ tuổi của trẻ mà đưa ra những lời giải thích phù hợp. Đó cũng là cách giúp trẻ từ từ nhận ra tại sao việc xin lỗi là vô cùng cần thiết.
4. Dạy trẻ làm việc
Một trong những bài học đạo đức quan trọng mà các bậc phụ huynh cần dạy cho trẻ là làm việc. Tùy theo độ tuổi, năng lực, sức khỏe mà ngay từ khi còn ấu nhi, trẻ cần được cha mẹ giao cho những công việc vừa sức như: thu dọn quần áo, quét nhà, nấu cơm, đi chợ… Chúng ta cần tránh tư tưởng, mình đã khổ rồi nên phải để con được sung sướng, không cần phải làm gì.
Điều đó đã vô tình tạo nên một đứa trẻ ăn bám, tương lai chúng sẽ không thể nào tự đứng vững trên đôi chân của mình. Thêm nữa, dạy trẻ làm việc còn là cách để trẻ quý trọng công sức lao động của bản thân và người khác. Các bé sẽ hiểu giá trị của đồng tiền cha mẹ kiếm được khó khăn thế nào để không tiêu pha một cách lãng phí.
5. Dạy con tiết kiệm và bố thí, giúp đỡ người khác
Bài học không thể thiếu trong giáo dục con là trẻ cần phải học thói quen tiết kiệm, tránh tiêu pha lãng phí. Cha mẹ nên cho con sử dụng đồng tiền một cách hợp lý. Lập cho con một “tài khoản” nho nhỏ, và dạy con cách chi tiết, tiết kiệm tiền. Đồng thời, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chia sẻ giúp đỡ người khác. Khi con cho đi sự giúp đỡ về mặt tinh thần hoặc vật chất với những người có hoàn cảnh khổ hơn mình là con sẽ nhận được một niềm vui không gì đong đếm được. Hơn thế nữa, gieo nhân thiện, giúp đỡ người khác thì gặt quả thiện, sau này trên đường đời, đứa trẻ sẽ gặp nhiều người tốt giúp đỡ mình.
6. Làm việc gì cũng cần suy xét trước sau
Thời Đức Phật còn tại thế, một trong những bài học mà Ngài dạy La Hầu La là trước khi làm việc gì, trong khi làm việc gì và sau khi làm việc gì, trong ba thời gian tạo tác đó đều cần phải tư duy quán xét để tránh những lầm lỗi, bất thiện nghiệp tạo ra từ thân, khẩu, ý.
Cũng như vậy, này La-hầu-la, trước khi hành động điều gì, con phải quán xét, suy gẫm tận tường. Trước khi nói điều gì con phải quán xét và suy gẫm tận tường. Trước khi nghĩ điều gì, con phải quán xét và suy gẫm tận tường. Này La-hầu-la, bất cứ điều gì con muốn làm bằng thân, phải quán xét, suy gẫm, nếu biết rõ: “Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai (mình và người), thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến phiền não khổ đau”. Một thân nghiệp như vậy, này La-hầu-la, con nhất định chớ có làm. Này La-hầu-la, nếu sau khi quán xét, suy gẫm, con thấy rõ: “Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Thân nghiệp như vậy, này La-hầu-la, con cần phải tiếp tục làm".
Quả vậy, các bậc cha mẹ nên dạy cho con thận trọng xem xét tất cả mọi sự việc trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào để tránh gây tổn thương cho bản thân, người và vật. Ban đầu, đối với trẻ việc này có thể hơi phức tạp nhưng khi lớn lên, con bạn sẽ suy nghĩ về giá trị đạo đức này mà cha mẹ đã dạy mình từ khi còn nhỏ. Việc định hướng trẻ thận trọng xem xét vấn đề trước khi đưa ra quyết định góp phần giúp trẻ hình thành thói quen đánh giá vấn đề chính xác và đúng đắn nhất, tránh tình trạng phải hối hận vì xử lý hấp tấp, vội vàng.
7. Cần khiêm tốn, tránh kiêu ngạo
Nhiều đứa trẻ được sống trong cảnh giàu sang hoặc học hành có đôi phần nhỉnh hơn các bạn khác thì được cha mẹ cổ xúy cho thái độ coi thường bạn bè có hoàn cảnh khó khăn hơn hoặc học tập kém hơn. Đó là cách giáo dục vô cùng sai lầm. Bởi lẽ mọi thứ đến rồi đi, con mình có thể sung túc, xinh đẹp hoặc giỏi giang hơn thì vẫn có những đứa trẻ khác có điều kiện tốt hơn nữa. Đó là chưa kể, sự ngạo mạn, kiêu căng của trẻ sẽ khiến trẻ bị cô lập, bạn bè xa lánh. Hơn thế nữa, một khi gặp thất bại, sự kiêu ngạo có thể khiến trẻ không đủ sức mạnh để đứng dậy, vượt qua thất bại.
Đồng thời thái độ ngạo mạn coi thường người khác còn vô tình làm tổn thương về tinh thần đối với những người bạn của trẻ. Đó là hành động vô cùng xấu. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu việc làm người khác đau buồn không có gì là tốt đẹp. Giải thích cho con thấy một khi mình đối xử với người khác như vậy thì lúc nào đó chính bản thân con cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Cha mẹ nên khơi dậy lòng nhân ái trong con bằng tinh thần sẻ chia, thông cảm. Đánh động lòng trắc ẩn của con với nỗi đau của người khác. Một khi dạy con được giá trị đạo đức này, khi lớn lên, con sẽ biết tôn trọng cuộc sống của chính mình và mọi người xung quanh. Dẫn đến không có những hành động sai lầm, ích kỉ, nông nổi.
Một đứa trẻ hôm nay sẽ là một tế bào của xã hội, góp phần rất lớn trong việc phát triển đất nước.
Nếu những bậc làm cha làm mẹ bên cạnh việc chú ý trau dồi kiến thức cho trẻ còn hoàn thiện nhân cách đạo đức của con mình sẽ góp phần tạo nên một công dân tốt, có ích cho cộng đồng, và một đứa con hiếu thuận trong gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, cha mẹ mới chính là tấm gương sáng nhất cho trẻ.
Việc dạy trẻ không nói dối, không ăn cắp, tiết kiệm, yêu thương giúp đỡ người khác… nếu chỉ bằng lời nói mà hành động của cha mẹ đi ngược với những điều trên thì trẻ cũng không thể nào nghe theo. Vì vậy, giáo dục con đồng nghĩa với cha mẹ cần thực hành trước, phải sống có đạo đức, yêu thương và quan tâm đến người khác, có như vậy trẻ mới làm theo những lời dạy của đấng sinh thành. Đó mới là sự giáo dục đúng đắn nhất.
Nhuận Đoan - Theo VHPG
Các tin tức khác
- Vẻ đẹp thật sự (17/02/2017 1:35)
- Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: "Theo đạo Phật, sống lương thiện và có ích" (16/02/2017 1:18)
- Đừng im lặng (14/02/2017 1:59)
- Lắng nghe để hiểu và nhìn lại để thương (12/02/2017 1:56)
- Nâng đỡ (11/02/2017 2:52)
- 10 lời khuyên của tỉ phú Bill Gates ( 9/02/2017 12:43)
- Giới trẻ và văn hóa lễ chùa đầu năm ( 7/02/2017 2:02)
- Con hỏi cha, chúng ta có tiền không? Cha trả lời con khiến nhiều người thấm thía (19/01/2017 2:53)
- Sức mạnh của một bức thư cảm ơn (15/01/2017 1:01)
- Thầy giáo trí tuệ dùng trò chơi đơn giản để dạy học sinh bài học sâu sắc (14/01/2017 1:21)