Ba bước hóa giải xung đột trong tình yêu

30/03/2017 12:56
Tình yêu – là một trong những luyến ái thường tình của thế gian. Giữa hai người khi đến với nhau bằng tình yêu chân thật, không chỉ có những giờ phút, ngày tháng ngọt ngào bên nhau mà còn có cả những “dư vị đắng”- những xung đột trong tình yêu.

Tình yêu cần xuất phát từ sự chân thành, vô vị lợi. Những thăng trầm, phong ba trong cuộc sống lứa đôi hoặc vợ chồng càng làm cho tình cảm vợ chồng thêm bền chặt. Quy luật của tình yêu, bên cạnh những ngọt ngào, vui vẻ, hạnh phúc sẽ có lúc xung đột xảy ra.

Để hóa giải được mâu thuẫn với người mình yêu, việc đầu tiên là phải có thái độ sáng suốt và thiện chí mới có thể đưa ra những cách giải quyết tốt nhất, tránh những trường hợp vì bản thân quá nhu, quá lý mà đưa đến hồi kết của một mối tình, đỗ vỡ hôn nhân. Dưới đây là 3 bước để hóa giải xung đột với người mình yêu.

Bước 1. Cùng nhau trao đổi

Khi hai bạn tranh cãi nhau, thay vì mỗi người một góc im lặng, hay một người im lặng, một người huyên thuyên nói, chỉ trích người kia, hay là cả hai cùng tranh phân quyền lý lẽ ai đúng thì chúng ta hãy ngồi lại cùng trao đổi. Việc trao đổi cùng nhau yêu cầu các bạn phải có thái độ hòa hoãn, nhã nhặn, cả hai  phải biết lắng nghe ý kiến của nhau, tránh nói những câu nặng nề, chì chiết, chỉ trách lẫn nhau. Bản thân các bạn hãy nghĩ và đặt mình vào vị trí của người kia.

Khi cùng trao đổi với nhau, tâm bạn phải an định, khi tĩnh tâm cùng nhau suy nghĩ về vấn đề làm chúng ta xung đột sẽ giúp chúng ta có những suy nghĩ sáng suốt và hành động hợp lý. Mọi khúc mắc dù nhỏ hay to cũng đều ở chính tâm lý của bạn đưa đến, tâm an ổn sẽ có thái độ tích cực, tâm bất ổn làm cho xung đột thêm rắc rối, không tìm được lối thoát.

Chỉ trích nhau, chỉ mang đến thêm oán hận, bảo thủ, duy ý chí không chấp nhận lắng nghe người khác nói chỉ khiến cho cuộc trao đổi tìm hướng giải quyết xung đột đến bờ thất bại. Khi giận dữ, chúng ta thường có thái độ đổ lỗi cho người khác. Ngay cả những cử chỉ, ánh mắt, giọng nói, hình thể của bạn khi ngồi nói chuyện với nhau, nên ôn hòa và dịu nhẹ. Chúng ta nên hết sức cởi mở với nhau khi trao đổi tránh úp, mở để người kia phải đoán.

Bước 2. Cùng nhau đào sâu vấn đề

Bước này vô cùng quan trọng nếu bạn muốn giải quyết xung đột, khi đã lắng nghe những gì đối phương nói và biết được ý muốn của đối phương trong cuộc trao đổi bạn đầu, các bạn hãy thử vạch ra những yếu tố không tốt nếu vẫn cứ tiếp diễn tranh cãi mà không có hồi kết.

Ví như khi hai vợ chồng to tiếng không chỉ là bực tức giữa hai người mà còn ảnh hướng rất lớn đến con cái. Những đứa con còn quá non nớt khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau khiến trẻ bị chấn thương tâm lý, để rồi khi trưởng thành, chúng trở nên nghi ngờ mọi mối quan hệ xung quanh ngay cả với người yêu.

Xung đột trong tình cảm luôn là một bài toán đánh đố chúng ta giải, không những giải để có đáp án mà phải là đáp án thỏa mãn nhiều điều kiện. Tình yêu, hôn nhân gia đình luôn có những biến cố, bất trắc xảy ra. Chúng ta phải biết đâu là giá trị thật của tình yêu, cái gì chúng ta nên giữ, cái gì chúng ta nên buông để duy trì hạnh phúc.

Bước 3. Cùng hòa trong sự thỏa mãn

Thật sự tới đây không còn gọi là một bước để hóa giải xung đột nữa mà là thành quả thu được sau khi các bạn trải qua hai bước trên. Tới đây là lúc chúng ta đi đến quyết định xem sự bất hòa của các bạn dẫn đến đâu.

Đã trải qua hai bước trên, thì thực sự các bạn đã hiểu mình cần gì, muốn gì, và hiểu ở đối phương như thế nào, chúng ta đều mong muốn hóa giải được đối nghịch với người mình yêu thương. “Xin lỗi” đối phương là một cách vô cùng tối ưu để các bạn hóa giải xung đột. Xin lỗi không phải là bạn nhận sai hoàn toàn mà là bạn tôn trọng người mình yêu thương, bản thân đang nới lỏng những cái chau mày, nắm chặt tay bực bội, xin lỗi để người bạn yêu thương tôn trọng bạn hơn. Lời xin lỗi là một cách để làm cho mọi việc tốt đẹp hơn.

Trải qua những cuộc lần cãi vã, ta biết nhẫn nại lắng nghe, quan sát và chia sẻ, mới hiểu hơn về người mình yêu thương. Khi thấu hiểu mới càng có được tình yêu thật sự với người mình yêu và muốn gắn bó lâu dài, hôn nhân mới thêm hạnh phúc. Mâu thuẫn cũng từ chính tâm bất ổn gây nên, vì cái tôi không biết kiềm chế dẫn đến  sân hận trách oán nhau, đỗ lỗi cho nhau vô tình  gán khổ cho người yêu thương, cho chính bản thân bạn và khổ hơn nữa là làm tổn thương những người xung quanh.

Những xích mích ấy cũng là cơ hội trong cuộc sống để bạn hiểu rõ mình là ai, người mình yêu như thế nào, chúng ta mới ngộ được bản chất thật của tình yêu và cuộc sống. Xung đột là một bài học để  giác ngộ vô cùng quý giá trong cuộc đời. Phật dạy, tất cả đều có lý do mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không, xung đột cũng là điều không nằm ngoài lẽ này – “Tình yêu là vô điều kiện, cho đi  mà không mong cầu đáp trả”. Đối với người mình yêu sự tương giao tình cảm là trọn vẹn và không vì cái tôi của chính mình.

 

Thu Thủy - VHPG

Các tin tức khác

Back to top