Báo hiếu sao cho đúng?

22/04/2017 1:33
Đạo Phật nói đến chữ Hiếu thì đạo Phật đã chủ trương hạnh Hiếu làm đầu trong các hạnh. Phật dạy: “Hiếu tâm tức thị Phật Tâm, Hiếu hạnh vô phi Phật Hạnh” có nghĩa tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Bổn phận làm con trả hiếu cho cha mẹ thì không cách gì trả cho hết.
Diễn đạt về công ơn cha mẹ trong kinh Đại Báo Ân Đức Phật dạy dù lấy núi Tu Di làm bút, dùng nước biển Đại dương làm mực, lấy hư không làm giấy, viết lên ơn đức của cha mẹ, bút Tu Di mòn, mực Đại dương cạn, không gian phủ kín lời lẽ về cha mẹ nhưng ơn đức ấy vẫn chưa hết. Còn trong kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân đức Phật đã dạy mà ai ai cũng đọc tụng vào dịp tháng Bảy đều nhận thức về ân cha nghĩa mẹ. Bởi thế Phật dạy: “Không có công đức nào cho tột bằng có hiếu, cũng không tội lỗi nào nặng nề bằng bất hiếu”.

Nhưng thông thường trả ơn cho cha mẹ mà trong minh tâm bửu giám có dạy 05 điều cần yếu:

1. Cư tắc chí kỳ kỉnh

Cha mẹ còn hiện tiền con cháu còn sống chung thì phải hết lòng cung kính, xuất tất cáo phản tất diện, đi thưa về trình, vâng lời cha mẹ. Cha mẹ còn Du tất hữu phương đi đâu phải cho cha mẹ biết phương hướng, và có giờ giấc đừng để cha mẹ trông chờ.

Nhưng đa số đối với cha mẹ ít khi thể hiện sự cung kính mà ngược lại thể hiện sự cung kính tôn trọng người ngoài, làm vui lòng người ngoài, yêu thương người dưng kẻ lạ coi trọng hơn. Ví dụ như bạn bè thân hữu, sui gia, hoặc người có chút địa vị trong xã hội. Những người ấy có mang nặng đẻ đau cho ta đâu, thế mà gặp nhau tay bắt mặt mừng lộ hiện sự tôn trọng cung kính gần như tuyệt đối. Thế nên Cổ đức quở trách:

“Bất ái kỳ thân nhi ái tha nhơn giả dị chi bội đức 
Bất kỉnh kỳ thân nhi kỉnh tha nhơn giả dị chi bội lễ”
 

Có nghĩa là: 
Cha mẹ không thương để thương người dưng kẻ lạ đó là kẻ mất đức. 
Cha mẹ không cung kính đi cung kính người ngoài ấy là người vô lễ.

Đến như vợ chồng, bạn hữu chỉ là gá nghĩa tạm trên cõi đời này, hoặc bạn hữu chẳng qua xã giao lời ngon tiếng ngọt, chứ họ đâu có cưu mang cực khổ với mình đâu! Thế mà thương đắm, thương đuối, hy sinh cho nhau, có thể chết vì nhau, có phải là kẻ bội đức hay không?

2. Dưỡng tắc chí kỳ lạc
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nuôi dưỡng cha mẹ phải thể hiện sự vui tươi, không nên quạo quọ, cáo có trước mặt cha mẹ, có món ngon vật lạ phải kiến nhường cha mẹ dùng trước, mình mới ăn sau. Thông thường đạo làm con có tính ỷ lại, mời cha mẹ ăn cơm dùng từ khó nghe, đôi khi cha mẹ chưa kịp lên ngồi thì ta đã ăn trước rồi. Ngược lại, đối với mọi người thì niềm nở đón mời, lau đủa, chùi chén, múc cơm dâng tận tay, gắp thức ăn để vào chén v.v… ra vẻ trân trọng. Phải xét lại điều này, họ có trân trọng đút cho ta từ miếng cơm, vắt cho ta từng giọt sữa hay không, họ có nâng niu khi ta biếng ăn, họ có quạt từ con ruồi, con muỗi lúc ta ăn hay không. Mà cử chỉ này chỉ có cha mẹ ta mới làm được thôi. Tại sao cha mẹ chúng ta không nâng niu trân trọng, mà người dưng ta phải hành động săn đón thái quá như vậy. Chúng ta cảm thấy rất có lỗi lắm ư? Vậy, lúc nuôi nấng phụng dưỡng cha mẹ ta phải ân cần chăm sóc hết sức vui tươi, món ăn không cần sang trọng, nét vui khiến cha mẹ cảm thấy ngon hơn trân tu mỹ vị.

3. Bịnh tắc chí kỳ ưu

Khi cha mẹ có lâm bệnh. Bổn phận làm con phải tận tình, tận lực lo thuốc than cứu chữa, dù có bán cả sự sản để chạy chữa, ta cũng sẵn sàng hy sinh. Vì vật chất của cải trên đời, ta còn có thể sắm lại. Một khi cha mẹ mất rồi dù tiền muôn bạc vạn, khó mua lại được cha mẹ. Ta phải nhớ lúc ta còn nhỏ cho đến ngày lớn khôn, mỗi khi ta bệnh cha mẹ xiết bao lo toan, có thể ở đợ, làm thuê lấy tiền để chạy chữa thuốc thang cho con, trong nhà có món chi cũng cầm cố để thuốc thang cho con, ngày đêm nơm nớp nhìn từng cơn đau quằn quại của con mà cha mẹ không nguôi rầu lo. Chỉ mong cho con khỏi bệnh, dầu cha mẹ cạo đầu, ăn chay, hay cầu giảm tuổi thọ để cho con được sống cha mẹ vẫn sẵn sàng, đừng nói chi đến của cải vật chất.

Hôm nay, cha mẹ bệnh tại sao ta không tận tình chăm sóc, mà lại tiếc của, tiếc công, tiếc thời gian mua bán làm lụng. Còn có hạng người cha mẹ đau yếu bỏ liều chẳng chút nao lòng, lại đi hiến máu nhân đạo, quyên góp cho bệnh viện, xuất của, xuất công, nấu cơm từ thiện, sắm xe, tắc ráng để cấp cứu ngoại nhân. Xét vậy, hạng người đó có đáng kính trọng không, hay phải nực cười?

Việc làm từ thiện chúng ta đáng kính trọng. Nhưng phải hiểu một điều:

Dục trị kỳ Quốc, Tiên tề kỳ gia
Dục tề kỳ gia, Tiên tu kỳ thân.

Trước khi trị nước, phải trị được việc nhà, muốn trị được việc nhà, ta phải tự trị lấy ta cái đã.

Không nên lấy vải thưa che mắt Thánh, lòe người, chứng tỏ ta có tâm từ thiện bằng quả núi. Cha mẹ đau nằm nhà không có một viên thuốc, không có một giọt sữa, đáng trách thay!
 
4. Táng tắc chí kỳ ai

Cha mẹ có qua đời phải hết lòng thương nhớ. Không nên bày trò vui chơi, ca hát, nhậu nhẹt, liên hoan v.v… Người xưa khi cư tang cho cha mẹ, họ thường ứng dụng ba năm (ý nghĩa 3 năm nhủ bộ). Râu ra không cạo, tóc ra không hớt, móng ra không cắt, không ngủ trên chăn êm nệm ấm, đình chỉ việc hôn nhân, đi chân không hoặc bằng dép cỏ, con trai trưởng hoặc út phải che cái chòi ngủ ngoài mộ (gọi là nhà mồ) v.v…Tại sao người xưa trả hiếu phải tuân thủ những điều quá khó khăn như vậy, vì theo quan niệm cho rằng: râu, tóc, móng… là khí bẩm của cha mẹ ban cho, nay cha mẹ vừa mất, mình vội cắt bỏ thì quá vong tình, còn thân xác của cha mẹ vừa chôn trong lòng đất lạnh chưa rã tan, đạo làm con lòng dạ nào nằm trên chăn êm nệm ấm để hưởng thụ giấc ngủ ấm êm. Cho đến việc hôn nhân có vui vẻ gì mà kết hôn bày tiệc hưởng thú vui dục lạc. Cha mẹ qua đời bổn phận làm con 03 năm đi bằng dép cỏ, ý nghĩa là kết cỏ ngậm vành báo ân cho cha mẹ còn chưa đủ làm sao có thể mang dép kiểu, giày da. Ngoài mộ con cái phải kề cận khói hương cho ấm áp mộ phần, tưởng như mẹ cha ấp ủ ta những đêm đông giá rét sợ con lạnh lẽo không an giấc… tất cả đều mang ý nghĩa báo hiếu một cách cho tốt, bởi lẽ khi thọ tang cho cha mẹ phải tuân thủ như những điều nói trên rất là khó khăn. Vì vậy, người đời thường gọi "tang khó".

Khó đây là khó làm các việc nêu trên, chứ không phải khó khăn trong việc làm ăn, mà có số người ngây ngô bảo rằng: “Sự nghiệp làm ăn của tôi đang tiến triển, làm ơn xã tang gấp gấp dùm, để vướng bận những điều khó khăn chắc tiêu tùng. Nói như vậy, hiểu như vậy là một sai lầm đáng trách. Đạo làm con, cư tang trả hiếu cho cha mẹ làm gì sự nghiệp theo từ “tang khó” mà sụp đổ. Vì Thánh hiền đã dạy: “Hoàng Thiên bất phụ hiếu tâm nhơn” nghĩa là: Ông trời không phụ bạc lòng người con chí hiếu. Thử hỏi, khi ta chí hiếu sự nghiệp làm sao sụp đổ? Có số quan niệm cho rằng: Tướng tang ăn nhầm gì, miễn trong tâm để tang là đủ rồi… Xin hỏi lại người xưa nói: “Trung ư tâm xuất hình tại ngoại” trong tâm ra sao nó sẽ hiện lộ ra ngoài như vậy. Xin bình tâm mà soi xét lại đi.

5. Tế tắc chí kỳ nghiêm

Cúng tế trong lúc cư tang cũng như ngày đơm tháng quải, con cháu phải hết mực trang nghiêm:

5.1. Con cháu phải chung cùng nhau lại, kẻ có tương, người có rau phải đồng lòng lo cúng kiến, không nên hạnh hẹ anh này, chị kia, em nọ thể hiện sự đoàn kết thân thương vong linh cha mẹ chắc chắn sẽ hoan hỷ mà chứng tri tất lòng hòa thuận. Đây là nghĩa nghiêm thứ nhất.

5.2. Trong lúc cúng kiếng phải tâm thành vọng tưởng hình ảnh của cha mẹ, lắng lòng hồi tưởng lại những lời cha mẹ lúc sinh tiền đã dạy khuyên những điều gì. Phải thành tâm sám hối những điều sai trái đối với anh chị em, nếu ai có lỗi, người ấy phải ăn năng sửa sai và nói lớn trước áng linh đài, đại để: “Kính thưa cha mẹ hôm nay trước vong linh của cha mẹ, con xin khắc phục lỗi lầm của con đối với anh, chị… cãi vã với nhau vào ngày… tháng… xin cha mẹ chứng minh cho con, từ nay về sau, anh chị em con nguyện đoàn kết thương yêu với nhau, xin cha mẹ hãy an lòng nơi cõi Tịnh…” rồi anh chị em cắm hương đồng lạy… Đây là nghĩa nghiêm thứ hai.

Tóm lại:

Đối với đạo hiếu về thế gian có năm điều nêu trên. Nếu giữ đúng đắn 5 điều trên là một lối trả ơn cho cha mẹ, khá xứng đáng về mặt hiếu đạo lắm. Tuy nhiên, muốn báo ơn cho cha mẹ một cách rốt ráo theo trong kinh Phật dạy: Ngoài sự cung kính, vâng lời, lo lắng, phụng dưỡng ra; Còn phải khuyên nhủ cha mẹ quy y Tam bảo, ăn chay, niệm Phật, giảm bớt mọi phiền não, luyến ái của cải vật chất, con cái…của thế gian. Bằng mọi phương chước khuyến hóa cha mẹ, hướng cho cha mẹ nhất tâm cầu vãng sinh Phật Quốc. Một khi cha mẹ nhứt tâm niệm Phật, cầu tiến vãng sinh linh hồn siêu thoát, chấm dứt được luân hồi sinh tử. Đó mới là thực sự trả ơn cho cha mẹ quan trọng nhất. Muốn cha mẹ được vững tâm để vững tiến trên đường giải thoát bổn phận làm con luôn luôn tạo sự an lạc cho cha mẹ, không nên gây khổ tâm cho cha mẹ, và không để cho cha mẹ quan tâm đến cuộc sống của chúng ta mà thần trí bị chi phối. Nhất là ta luôn giữ đúng năm điều cần yếu nói trên. Được vậy chính là phương pháp trả hiếu tột cùng, đúng trong giáo pháp phật dạy.
 
Thích Nhật Quang
(Chùa Long Phước, Lấp Vò, Đồng Tháp)
Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top