Trải lòng về điều này, thầy Thích Tâm Tiến từng nói, đối với thầy, tu không có nghĩa là xa lánh cuộc đời. “Đây là con đường mà tôi chọn đi để tìm nguồn an lạc và mang niềm an lành đó đến với mọi người”.
Khi tôi đi học, nhiều người hỏi tôi sao đi tu rồi còn phải đi học. Tôi là một người “xuất gia” tức là ra khỏi nhà. Thế giới này là một cái nhà lớn. Nhưng cái nhà mà tôi muốn ra khỏi là nhà khổ đau chứ không phải cả thế giới này. Ai cũng có những nỗi khổ riêng và khi nghĩ được như thế thì tôi muốn trở lại ngôi nhà này để giúp đỡ mọi người.
Thầy Thích Tâm Tiến sinh năm 1991 - được hai trường đại học hàng đầu thế giới là ĐH Harvard và ĐH Yale cấp học bổng toàn phần Thạc sĩ về tôn giáo (Master of Divinity).
Thầy Thích Tâm Tiến từng học sơ cấp và trung cấp Phật học ở Việt Nam, sau đó học cử nhân ở Thái Lan. Hiện tại, sư thầy đang theo học bậc Thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở ĐH Naropa (Mỹ).
Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng giúp đỡ người khác nếu như bản thân không biết gì. Vì vậy tôi mới đi học, học để biết cách giúp như thế nào cho nó hiệu quả.
Giới trẻ là tầng lớp mà tôi hướng tới nhiều nhất. Bản thân tôi cũng là một người trẻ cho nên tôi hiểu được phần nào sự mất phương hướng và khát vọng cống hiến trong giới trẻ. Điều đó thúc dục tôi phải học thật giỏi, tu thật tốt để hướng dẫn các bạn trẻ cùng tìm con đường cho mình.
Sự nghiệp của người tu là trí tuệ. Luôn luôn hướng đến sự học và sự tu để từ chuyển kiến thức thành trí tuệ. Trí tuệ là khả năng chuyển hoá những khó khăn, thử thách và khổ đau trong đời sống. Trí tuệ là khả năng mang năng lượng tích cực đến cho bản thân và cho cộng đồng. Cho nên sự nghiệp của người tu như chúng tôi có vẻ khác rất nhiều so với sự nghiệp mà người đời theo đuổi.
Nhưng trên hết, tôi không có bất kì nhận xét gì về việc người ở đời đi tìm kiếm công danh sự nghiệp. Miễn là họ làm việc đúng lương tâm đạo đức của mình. Tôi chỉ có một lời khuyên nhỏ đó là mỗi người nên tự hỏi “Mục đích của cuộc đời mình là gì?” Có phải kiếm thật nhiều tiền, có phải đi kiếm công danh, có phải xây căn nhà thật lớn?
Và hỏi thêm “Để làm gì?” Để hạnh phúc, để bình an, để sung sướng? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có từng câu trả lời riêng, nhưng tất cả những thứ vật chất và tiện nghi chỉ là phương tiện cho ta có một cuộc sống tốt, còn nếu muốn có một cuộc sống an lành và hạnh phúc thực sự thì lại là một vấn đề khác.
Tôi không dám nói các bạn trẻ “nên” suy nghĩ theo một cách nào cả. Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta cần phải xác định rõ ràng việc tìm kiếm những “điều kiện” như công danh, sự nghiệp, tiền bạc có chắc mang lại hạnh phúc thực sự?
Có thể khi có được nhiều của cải chúng ta sẽ không lo lắng về sự thiếu thốn, nhưng có chắc rằng sống giàu sang thì luôn hạnh phúc! Trong tình yêu cũng thế thôi! Nếu yêu nhau chỉ vì vật chất và những thứ “nhãn mác” bên ngoài của một người nào đó thì tình yêu đó khó mà tồn tại lâu dài.
Tôi nghĩ giới trẻ là những người cần một đời sống tâm linh nhất. Đời sống vật chất chỉ mang lại sự thoả mãn nhất thời, còn đời sống tâm linh chính là nền tảng quan trọng cho cuộc sống cân bằng và vững vàng.
Đơn giản một việc đó là khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta sẽ làm lắng dịu lại những lo toan, phiền não. Chúng ta sẽ nhận ra được điều gì là quan trọng, đâu là ranh giới của đạo đức,… Chính những điều này sẽ giúp chúng ta có những quyết định sáng suốt trong những việc mình làm. Cho nên, ngoài khả năng sáng tạo, dám nghĩ dám làm của giới trẻ, tôi tin rằng nếu có thêm một đời sống tâm linh thì giới trẻ còn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống của bản thân và trong sự cống hiến cho xã hội.
"Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ thì mình chỉ nói rằng đừng bao giờ cho rằng mình thành công, đó chỉ là tạm thời, sau này mình làm được gì, mình có trở thành người có ích hay không và mình có sống an lành hay không mới là thành công".
- Harvard là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, với thầy, tại sao thầy chọn Harvard?
- Đối với tu sĩ thì tấm bằng không quan trọng. Tuy nhiên, để học được kiến thức từ những giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực mình theo học thì Harvard là một trong những nơi có đội ngũ giáo sư như vậy. Mình muốn được tiếp cận với nền giáo dục đó, học hỏi thật nhiều để sau này ứng dụng vào việc hỗ trợ và giảng dạy cho mọi người.
- Hành trình thầy có được kết quả hiện tại không hề dễ dàng, thầy có thể chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện này không?
- Quá trình làm hồ sơ để nộp cũng khá vất vả. Điều kiện căn bản nhất mà các trường ở Mỹ yêu cầu cho sinh viên quốc tế là Tiếng Anh. Mình thi IELTS lần đầu vào năm 2016 nhưng kết quả chưa được như mình mong muốn. Mình thi tiếp lần 2 vào năm 2018 và cũng chưa thực sự vừa lòng nhưng xem như đủ chuẩn để nộp (điểm overall của mình là 7.5). Để thi như vậy thì mình dành ra một kì nghỉ 20 ngày để chuyên ôn luyên. Trong vào 20 ngày đó mình không làm gì ngoài việc học và làm bài thi IELTS.
Điều quan trọng nữa đó là khi mình muốn nộp trường nào thì mình phải tìm hiểu kĩ các thông tin mà họ yêu cầu, càng chuẩn bị sớm chừng nào càng tốt. Đừng đợi đến lúc sắp hết hạn rồi mới vào website của trường xem thì mới biết rằng mình thiếu cái này, cái nọ. Đối với hồ sơ của mình thì mình không dám nói mình mạnh, mà là “lạ”.
Điều khác biệt quan trọng nhất đó là mình là tu sĩ, đã từng học ở Thái Lan và đang học Thạc sĩ ở Mỹ. Bài viết về cá nhân là điều mà mình trình bày cho trường biết mình khác biệt như thế nào. Bài viết này là cầu nối giúp họ hiểu mình hơn. Đó là điều khác biệt giữa những ứng viên nộp vào.
- Trước khi giành học bổng ở Harvard thầy đã có khoảng thời gian học tập ở môi trường nước ngoài, thầy thấy điểm khác biệt lớn nhất so với môi trường học ở Việt Nam thế nào?
Mình thích cách dạy và học ở đây. Giáo viên ít giảng lắm, họ cho bài về đọc và sinh viên vào lớp thảo luận với nhau là chính. Điều này làm cho sinh viên chủ động hơn, hơn nữa không phải mình đều đồng ý với tất cả những gì trong sách viết. Giáo sư hướng dẫn cho mình cách suy nghĩ khách quan và thẳng thắn hơn trong việc “đối thoại” với tác giả qua sách của họ.
Hơn nữa, trong thời gian học ở đây mình nhận ra một điều rằng việc học của mình là do mình muốn biết, muốn tìm hiểu nên mình chọn những môn mình thích, vì vậy việc học rất thú vị. Ở đây sinh viên và giáo sư rất bình đẳng, mình cứ tự do phát biểu ý kiến của mình, không có việc bị áp đặt tư tưởng nên việc học rất hiệu quả.
- Nhiều bạn trẻ dễ lạc lối vào ảo tưởng khi bước đầu đạt được thành công, nhưng khi bước vào môi trường sống và học tập ở nước ngoài xa quê hương mới vỡ lẽ, thầy có từng như vậy không? Và thầy có lời khuyên nào cho các bạn trẻ hay không?
Mình chưa bao giờ nghĩ mình thành công gì cả. Việc xa quê là một điều mình khá quen thuộc. Vì khi đi tu thì mình rời gia đình vào chùa ở, khi đi học ở Thái Lan thì mình rời Việt Nam. Khi học Thạc sĩ ở đây thì mình càng đi xa hơn nữa. Ban đầu cũng hơi buồn nhưng dần dần việc học chiếm hết thời gian và mình quen dần với môi trường sống nên cũng đỡ phần nào.
Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ thì mình chỉ nói rằng đừng bao giờ cho rằng mình thành công, đó chỉ là tạm thời, sau này mình làm được gì, mình có trở thành người có ích hay không và mình có sống an lành hay không mới là thành công.
Có một câu hát trong bài Bình yên cho em mà thầy sáng tác: Bạn chẳng là ai trong cuộc đời đầy trái ngang… đây có phải là lời động viên của thầy cho chính mình không? Tìm về bình yên để vượt qua mọi sóng gió?
Chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ trong cuộc đời. Nói như vậy để mình đừng xem cái khổ đau của mình là tất cả. Đừng vì một chút gì đó chưa bằng lòng trong cuộc sống mà xem là chấm dứt. Tất cả đều là tương đối mà thôi.
Đôi khi mình gặp khó khăn mình cũng suy nghĩ như vậy, khổ đau của mình là tuỳ vào cách nhìn của mình. Nếu mình bước ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp đó thì cuộc đời còn vô vàn thứ để mình hạnh phúc. Đừng bao giờ bị một chút khó khăn vùi dập cuộc đời của bản thân.
- So với những du học sinh khác, việc một tu sĩ đi học có gặp phải khó khăn gì trong mối quan hệ bạn bè, thầy cô ở nước ngoài không thưa thầy?
Nếu nói đến chuyện đi du học thì không có khác gì nhiều. Vì khi đi du học thì ai cũng phải học, tuỳ theo từng ngành mỗi người chọn thì họ sẽ có các môn khác nhau. Chứ nói đến việc du học thì ai cũng phải học, học rất nhiều. Còn đối với việc tu bản thân mình luôn có thời khoá rõ ràng.
Ngày nào mình cũng dành thời gian ngồi thiền. Ngồi thiền không phải là một hình thức tôn giáo mà đó là cách mình an tĩnh tâm của mình lại sau một ngày học căng thẳng, ngồi thiền cũng có thể giúp chúng ta xả stress rất hiệu quả. Mình nghĩ rằng nếu các bạn học sinh biết dành thời gian để ngồi thiền thì việc học của các bạn sẽ rất hiệu quả.
- Một ngày của thầy ở Mỹ như thế nào?
- Buổi sáng mình dậy sớm để ngồi thiền và viết ra những gì mình cần phải làm trong ngày. Sau đó mình pha trà uống và ngồi nhìn ra những hàng cây trước phòng để cảm nhận cái đẹp của cuộc sống. Sau đó là cả ngày ở trường học, hoặc ra thư viện làm bài. Việc học chiếm hầu hết thời gian của mình nên mình cũng không có thời gian đi đâu. Tới lúc mà thư việc đóng cửa thì mình về nhà, ăn gì đó xong, rồi mình nghiên cứu kinh điển và ngồi thiền rồi đi ngủ.
- Harvard có phải là mục tiêu lớn nhất của thầy ở thời điểm hiện tại không? Và xa hơn thế là gì?
- Mình nghĩ Harvard là một đích đến tạm thời thôi. Vì con đường mình đi còn dài lắm. Mình có 1 hy vọng là sau này được về Việt Nam để giảng dạy tại các trường đại học, mình rất thích giảng cho các bạn trẻ và hướng dẫn các bạn ấy tìm con đường đi cho cuộc đời.
- Thầy giảng pháp cho các phật tử ở chùa Hoằng Pháp bắt đầu từ khi nào và đã được bao lâu rồi?
- Mình bắt đầu giảng từ năm 2012. Đó là lần đầu tiên mình giảng cho khoá tu mùa hè.
- Theo dõi các bài giảng của thầy được share lại trên Youtube thực sự là thấy các bạn trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Không giống như nhiều người tưởng tượng về giảng pháp chắc buồn ngủ, chán lắm. Nhưng ở đây lại hoàn toàn ngược lại. Thầy có bí quyết gì không?
- Khi giảng mình cố gắng tạo tiếng cười cho các bạn ấy. Muốn các bạn trẻ đến chùa thì mình phải tạo môi trường cho các bạn ấy thích, chứ các bạn ấy cũng dễ chán lắm. Mình cũng hay sử dụng và “cập nhật” ngôn ngữ của người trẻ để truyền đạt Phật pháp vào đó cho các bạn. Ví dụ một bài giảng 60 phút mà mình truyền đạt được một vài điều căn bản từ lời Phật dạy và các bạn ấy nhớ để thực tập trong đời sống thì cũng xem như đã là thành công.
Có người “chê” mình là sao thầy nói chuyện mà sử dụng ngôn ngữ “facebook” và “hơi lố”, mình chấp nhận vậy.
Mình nghĩ rằng quan trọng là các bạn hiểu một ít gì đó lời Phật dạy và quan trọng nhất là các bạn ấy muốn đến chùa, chứ đến tham dự một khoá tu rồi “say good bye forever” thì hơi tiếc.
Mỗi người có mỗi cách truyền đạt khác nhau và cách mà mình theo đuổi đó là giảng cho người trẻ.
Mà nói thật nha, giảng cho các bạn trẻ và chơi với người trẻ làm mình trẻ ra hẳn ra!
- Thầy ‘cập nhật' rất nhanh các xu hướng mà các bạn trẻ đang thích, đây có phải là cách thầy gần gũi hơn với các phật tử để hiệu quả hơn trong giảng pháp không?
- Đúng rồi ạ! Nếu mình không hiểu các bạn đang ở trong hoàn cảnh nào thì cũng khó mà giúp được lắm. Cha mẹ cũng nên cập nhật như vậy để có sự truyền thông với con cái. Mình không cấm được các bạn ấy đâu. Mình hãy hiểu những gì các bạn ấy đang trải qua và cùng nói chuyện với những điều đó. Khi có sự truyền thông rồi thì sẽ dễ dàng hiểu và giúp đỡ nhau hơn.
- Có câu chuyện nào thầy nhớ mãi và ấn tượng trong các khóa tu mùa hè mà mình tham gia hay không?
- Có một lần khi đi giảng ở khoá tu mùa hè ngoài Hà Nội, có một cô bé khoảng hơn 10 tuổi. Ban đầu bé không chịu tu, cứ đòi về. Sau khi được mình động viên và an ủi và cho kẹo nên bé chịu ở lại.
Đến ngày cuối khoá, khi các bạn ra về thì bé lại không chịu về, muốn ở tu thêm. Bé chạy lại mình và nói “Thầy ơi cho con ôm thầy cái được không?” Mình nói “Không được ôm thầy đâu!” Nói xong bé khóc và mình phải dỗ mãi mới chịu “về”.
- Thầy đã bao giờ gặp phải những tình huống khó xử với những bạn trẻ này chưa?
- Do các bạn chưa quen với cách xưng hô với các thầy nên cứ tưởng là cứ xưng “thầy” và “em” như ở trường. Có lần vừa giảng xong, mình cho các bạn đặt câu hỏi, có một bạn đứng lên, bạn ấy cầm mic nói “Thưa thầy, em muốn hỏi…” lúc đó mình không nhịn được cười, và ngại, các bạn ở dưới cũng cười ồ lên.
- Nhiều bạn trẻ nhận xét thầy có sự điềm tĩnh, chắc chắn và cách nói đi vào lòng người, điều này là bẩm sinh hay cần sự luyện tập? Các bạn trẻ làm thế nào để điều chỉnh được cảm xúc, suy nghĩ thiếu chín chắn của mình?
- Mình nghĩ là do cả hai. Lớn lên trong một gia đình có nề nếp và tu tập trong một môi trường nghiêm trang tạo cho mình được tính cách đó. Cách tốt nhất để có sự điềm tĩnh và lời nói có “chất lượng” đó là các bạn nên ngồi thiền nhiều. Khi ngồi thiền thì tâm mình được bình an, mọi lo toan được lắng xuống và mình thấy được cuộc sống rõ hơn.
Mình thường ngồi thiền mỗi đêm để trước hết là lắng tâm và sau đó là suy nghĩ về một ngày vừa qua, sau đó nếu thực sự có khó khăn gì thì mình cũng phải đối mặt và chia nhỏ nó ra để làm. Nhưng nói thì nghe vậy chứ phải ngồi mới thực sự biết mình nên làm như thế nào.
- Thầy có thể chia sẻ về tuổi thơ của mình được không? Cơ duyên nào đưa thầy đi theo con đường tu tập này?
- Mình từng tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ nhỏ và cũng nhờ đó mà được học Phật pháp. Với lại gia đình mình cũng có truyền thống là mỗi tháng 2 lần vào ngày Rằm và Mùng một đều tập trung lại tụng kinh tại nhà nên điều đó cũng giúp mình biết đến lời Phật dạy.
Năm 15 tuổi mình vào chùa Hoằng Pháp để xin xuất gia. Mình biết đến chùa cũng nhờ có những bác ở gần nhà đi Khoá tu Phật Thất mang đĩa giảng về tặng. Ngưỡng mộ sự hoằng pháp của quý Thầy ở chùa nên mình xin được vào đó tu.
- Gia đình phản ứng thế nào trước quyết định của thầy ạ?
- Gia đình mình có truyền thống theo đạo Phật từ nhiều đời nên việc đi tu không gặp trở ngại gì cả. Ban đầu, ba mẹ có phần buồn vì mình là con út trong nhà mà đi tu thì “uổng” quá. Nhưng mọi người đều rất ủng hộ. Mình cảm thấy thật may mắn khi được ba mẹ ủng hộ hết mình về con đường mình chọn.
- Nhiều bạn trẻ khi muốn đi theo trái tim, đam mê mách bảo thường bị phụ huynh phản đối, thậm chí là gay gắt, vậy thầy có lời khuyên nào cho các bạn ấy không?
- Mình nghĩ câu hỏi này nên để các vị phụ huynh trả lời và mình cũng muốn hỏi thêm: Tại sao lại phản đối, cấm cản con cái mình đi theo con đường mà con cái chọn. Mình thường khuyên với các bạn ấy rằng dám ước mơ, dám theo đuổi, theo đuổi đến cùng. Chứ đừng kiểu lúc này lúc khác. Mình làm sao chứng tỏ được cho bản thân mình rằng mình sẽ và phải làm được thì lúc đó cũng không có sự cấm cản nào có thể ngăn mình được.
Đồng ý là các vị phụ huynh sẽ nói rằng họ cấm vì họ muốn “tốt” cho con cái. Nhưng thế nào là “tốt” khi con cái không được sống theo con đường mà nó chọn. Đây là nói về những ước mơ được làm nghề mình thích, học trường mình thích. Còn những bạn chỉ ăn chơi và sống không trách nhiệm thì chúng ta không nói tới.
- Có phút giây nào nhớ gia đình quá, hay chán nản quá mà thầy muốn buông bỏ tất cả không?
- Nhớ thì có nhưng buông bỏ thì chưa bao giờ ạ. Mình lấy đó làm động lực để mình cố gắng hơn thêm thôi.
- Trong vlog ‘Các bạn đã sai rồi' thầy cũng chia sẻ về việc khó khăn, thử thách không trừ một ai cả và chúng ta phải tìm cách vượt qua nó. Có phải việc sáng tác nhạc cũng là cách để thầy vượt qua những áp lực không?
- Sáng tác nhạc cũng là một sở thích nhỏ của mình. Khi học hành căng thẳng quá thì mình tạm nghỉ ngơi và ngồi cầm đàn đánh lung tung rồi cuối cùng ra bản nhạc. Nhưng không phải chỉ đơn thuần là nhạc cho vui mà do mình nhớ có nhiều bạn nhắn tin nhờ tư vấn về các vấn đề khổ đau trong cuộc sống nên mình sáng tác để thông qua đó động viên các bạn ấy luôn.
- Khi lựa chọn đường đi này, có phải chúng ta sẽ từ bỏ mọi tham, sân, si,… trên cuộc đời này không. Hay nên hiểu theo cách nào cho chính xác nhất?
- Con đường này là con đường tu phải không ạ? Mình không nói là từ bỏ hết tham sân si mà là mỗi ngày mình cố gắng chuyển hoá nó và mỗi ngày mình bớt đi một ít là đã thành công lắm rồi. Hôm qua bạn giận người kia vì họ không hỏi thăm mình, hôm nay bạn mỉm cười với người kia vì mình biết chắc là ai xuất hiện trong cuộc đời của mình đều có giá trị của nó. Vậy là bạn đã thành công.
Chúc các bạn đọc giả nhiều niềm vui trong cuộc sống.
- A Di Đà Phật. Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện và chúc thầy luôn mạnh khỏe!
Các tin tức khác
- Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân (17/03/2019 8:58)
- Suy Tư về Tuổi Trẻ (16/03/2019 2:05)
- Phật tử bật khóc tại talkshow “Vì sao tôi theo đạo Phật” (16/11/2018 2:28)
- Yêu mà không biết cách yêu sẽ làm tổn thương người mà chúng ta yêu (13/11/2018 3:09)
- Thích than thở ( 8/11/2018 3:09)
- Con mắt của Mẹ (27/10/2018 12:57)
- Vợ chồng sống với nhau thế nào cho ấm êm, hạnh phúc (16/10/2018 3:11)
- Cho con cơ hội để trưởng thành ( 9/10/2018 11:18)
- Phật dạy cách THÊM BỚT để đạo vợ chồng luôn hạnh phúc ( 9/10/2018 3:24)
- Hãy sống như Nick Vujicic ( 5/10/2018 11:07)