Đôi lần, đứng hộ niệm bên giường bệnh của những bệnh nhân nằm hôn mê, bất động nhiều ngày, chứng kiến những ánh mắt xót thương, chăm chú, chờ đợi một dấu hiệu nhỏ nhoi của sự sống nơi người bệnh, tôi bỗng nhận thức rõ hơn về phép lạ và giàu có. Thậm chí, chỉ cần thấy bệnh nhân nhúc nhích một ngón tay, chớp nhẹ một viền mắt thôi, đối với thân nhân đang vây quanh, cũng là phép lạ nhiệm mầu mà họ hồi hộp mong đợi.
Điều đó nói lên cái chi?
Đó là những giá trị cụ thể tuyệt vời, lại thường không được cảm nhận đúng mức. Hầu hết những ai còn khỏe mạnh đều đang có phép lạ vô song mà thường không nhận biết.
Đúng thế. Vì chẳng phải chỉ nhúc nhích ngón tay, chớp nhẹ viền mắt, mà khi còn sức khỏe, muốn đi hướng đông thì sẽ tới đông, muốn đi hướng tây thì sẽ tới tây, muốn ăn món ngon nào thì tới tiệm nấu món đó, muốn gặp bằng hữu phương trời nào, thì gọi nhau, cùng thu xếp là hội ngộ …v…v…Đối với những người đang quằn quại đau đớn, hay đang nằm bất động chờ thần chết kia, chẳng phải là những phép lạ phi thường chúng ta hiện có, lại coi rẻ, coi thường ư?! Chờ khi tử thần tới mới biết là phép lạ, e có trễ quá không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói, điều làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại , là con người. Khi con người còn trẻ trung, khỏe mạnh, họ thường dồn hết thì giờ và sức khỏe để kiếm tiền. Đến khi già yếu, bệnh hoạn, họ lại gom góp hết của cải tiền bạc để mong có sức khỏe! Con người thường quá lo lắng tương lai mà quên mất hiện tại, cho nên họ luôn vật vờ giữa mộng và thực. Họ sống như không bao giờ bệnh, không bao giờ chết, cho tới khi thấp thoáng thấy cái chết mới biết là mình chưa từng sống!
Ai bình tâm đôi chút cũng có thể biết ngay, là tiền bạc không mua được sức khỏe, không níu kéo được sự sống. Quyền uy ngất trời, châu báu đầy kho, khi cần, cũng không đổi được một hơi thở! Vậy mà, khi còn có sức khỏe, ít ai nhận thức là mình đang rất giầu có. Người Xentơ có một câu ngạn ngữ rất hay “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm!”
Chúng ta có vụng về để trôi bao hạnh phúc của phép lạ và sự giầu có thường hiện hữu ngay trong tay mình không?
Bước được một bước an lạc, thảnh thơi, thở được một hơi thở điều hòa, chánh niệm, nghe được tiếng chim hót buổi sáng, thấy được chiếc lá rơi buổi chiều, chẳng là phép lạ và giầu có ngay phút này ư? Vậy mà chúng ta không trân quý, để chỉ cần biết đủ, mà dành phần nào thời gian, không gian cho đời sống tâm linh.
Cây cỏ không chỉ có nắng gió là tăng trưởng tốt đẹp, mà còn cần sự chăm sóc của người làm vườn thì hoa kia mới kết nụ, cành kia mới đâm chồi. Nếu thân tứ đại chỉ được nuôi dưỡng bằng ăn, ngủ, thì khác chi bóng ma di động. Khi ta còn thời gian, còn sức khỏe, ấy là khi ta đang có những yếu tố quý giá để phương tiện bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Chỉ nhìn một góc cạnh trong việc tu trì và học đạo thôi, nếu tự thành thật với bản thân một chút, ta cũng thấy ngay là ta quá giải đãi.
Thử mở dăm trang kinh, chẳng hạn, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ. Khi Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời cầu khẩn của đại chúng mà chuyển pháp luân, giảng về 12 nhân duyên thì ngay tại pháp hội đó đã có sáu trăm muôn ức người, nhờ nghe pháp mà tâm được giải thoát, thiền định được sâu dày.
Cũng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sau khi Đức Phật nói phẩm Phổ Môn, trong chúng có bốn muôn tám nghìn chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; Hay sau khi Đức Phật nói phẩm Đà La Ni, có sáu muôn tám nghìn người chứng được Vô Sinh Pháp Nhẫn; Rồi khi Đức Phật vừa nói dứt phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự, trong pháp hội có tám muôn bốn nghìn người, xa trần lụy, rời cấu nhiễm, chứng được Pháp Nhãn Tịnh.
Ngay như thính chúng khác môn phái, tới nghe Phật thuyết bằng sự nghiêm túc, cũng đạt ngay lợi lạc. Kinh Tương Ưng Bộ, ghi lại bài pháp tại làng Sirajpur, Đức Thế Tôn đã tùy thuận giảng pháp cho một ngàn vị tu sỹ tu theo môn phái thờ Thần Lửa. Ngài đã dùng chính hình ảnh lửa để dạy về sự thiêu dụi khốc liệt của tam độc tham, sân, si. Những tu sỹ thờ Thần Lửa được soi sáng rằng, ba độc hại này mới chính là những ngọn lửa mãnh liệt đốt cháy ta mau chóng, nếu ta không điều phục được sáu căn mà xả ly cảm thọ.
Sau khi Đức Thế Tôn giảng Kinh Lửa Cháy, toàn thể thính chúng đã thoát khỏi các lậu hoặc, đắc quả A La Hán.
Suốt mọi kinh điển lưu lại, hầu như sau mỗi bài pháp Đức Thế Tôn thuyết giảng, đại chúng đều tùy căn cơ mà được độ thoát, dù là Bồ Tát, Thanh Văn, Ưu bà tắc hay Ưu bà di.
Ngày nay, chúng ta có sẵn quá nhiều phương tiện. Đạo tràng không hiếm, giảng sư không thiếu, lại còn nơi này thỉnh mời Thầy ở nơi kia tới, để gieo duyên cho Phật tử. Nào đã hết đâu, với kỹ thuật hiện nay, sách báo và băng đĩa ghi lại lời trùng tuyên giáo pháp tràn ngập khắp các chốn thiền môn!
Nếu chỉ nhìn hoạt cảnh bên ngoài, thì nào phải thời mạt pháp, mà dường như Phật pháp đang hưng thịnh. Chùa nào cũng đông Phật tử, băng đĩa in ra bao nhiêu cũng được thỉnh hết, gây quỹ làm chùa to tượng lớn cỡ nào cũng được cúng dường đủ ….
Nhưng thực tế, mấy ai vực dậy được Tánh Phật của mình để là đóa sen vô ngại vươn lên trong ao bùn? mấy ai phá được ngã chấp và ngã sở để là một hành giả thong dong tự tại? nói chi tới nghe pháp mà chứng đắc như người xưa!
Vậy, chẳng phải do vì chúng ta giải đãi ư?
Người xưa tìm đến nơi Phật thuyết là đến bằng tâm chí thành, khẩn thiết. Đến vì tâm linh đói khát. Đến vì tin tưởng Đức Phật có đủ dược liệu trị khổ đau. Đến như kẻ đứng bên bờ sinh tử, phải đến để tồn tại.
Còn chúng ta, đến chùa có nhiều phần chỉ đến vì thói quen không? Đến để gặp thầy, gặp bạn. Đến để hòa mình vào những sinh hoạt định kỳ, đã quen thuộc. Nên không đến thì nhớ!
Người xưa, ngồi nghe pháp, chắc không chỉ nghe bằng nhĩ căn, mà có lẽ bằng toàn trí, toàn thân, nên mới không bỏ sót một lời nào từ kim khẩu Đức Thế Tôn. Phải như vậy thì sau mỗi bài pháp mới có hàng ngàn người chứng đắc.
Còn chúng ta, ngồi nghe pháp trong đạo tràng mà phone reo là vội vã trả lời; phone không reo thì tâm trí cũng mơ màng ngoại cảnh. Chẳng thế, sau bài pháp, nếu tình cờ ai hỏi “ Thầy vừa giảng những gì?” chắc câu trả lời sẽ bâng quơ “Thầy giảng … hay lắm!” “Hay chỗ nào?” “Ơ …. Không nhớ rõ, nhưng hay lắm!”
Nếu không nhớ được là thầy giảng điều gì, hay chỗ nào, thì bài pháp đó vẫn chỉ là của thầy, có giúp ta gì đâu???
Hiện diện ngay tại đạo tràng, được nghe giảng trực tiếp, còn để uổng phí thế, nói chi tới nghe băng đĩa!
Mở băng trên xe, nghe được bao nhiêu? Nếu là đi một mình, vừa phải chú tâm lái xe, vừa lan man những tính toán xa gần, liệu có nắm được chủ đề bài giảng không, nói chi tới những chi tiết trong đó.
Nếu trên xe mà có từ hai người trở lên thì nhiều phần, mở băng Thầy nào giảng thì …. Thầy đó nghe, vì làm sao mà chúng con không chuyện trò đủ mọi đề tài trên trời dưới đất cho được!
Cố gắng bàn thêm chút nữa xem có khá hơn không, đó là nghe băng ở nhà. Không gian này chắc khó có thể khoanh chân thính pháp. Thôi thì, việc nhà bề bộn quá, thầy cứ giảng, ta vừa làm, vừa nghe, tiết kiệm thì giờ. Thầy giảng Bát Nhã Tâm Kinh “ … không trong, không ngoài, không nhơ, không sạch …..” ta vừa quét nhà rửa chén, vừa cằn nhằn “Sao chúng bừa bãi, dơ dáy quá! Ngày nào cũng dọn, ngày nào cũng bầy, mệt không thở được!”
Nghe như thế, thì bao giờ Bát Nhã mới trở thành Tâm Kinh?
Cho nên, dù pháp có mở suốt ngày trong nhà, pháp vẫn của Phật, lời vẫn của Thầy! Băng đĩa vẫn gom về, vẫn mở rỉ rả ngày đêm mà dường như không dính dáng chi tới ta! Thính pháp như thế, chẳng những không thọ nhận được gì, mà còn là bất kính!
Cứ thế, bao nhiêu kiếp nữa con mới gặp cha? (nếu chúng ta tự nhận là Phật tử)
Vậy, thưa quý đạo hữu, khi phép lạ và sự giầu có đang ngay trong tầm tay, hãy tận dụng phương tiện quý giá này. Sự tìm cầu giác ngộ phải khởi từ niềm khát khao mãnh liệt, cực kỳ mạnh mẽ và nghiêm túc. Tự lực là quyết tâm tìm cầu giải thoát giác ngộ; tha lực là thân cận thiện tri thức, bạn đồng tu mà cùng nhau lên đường.
Có đi mới tới. Có nguyện mới thành.
Nếu không, chúng ta vẫn chỉ sống bằng “cuộc đời đang chết”.
Chắc chắn thế!
Làm sao khác được!
Tác giả bài viết: Hạnh Chi
Nguồn tin: quangduc.com