Thanh lọc tâm

13/07/2019 8:49
Ngôi nhà của chúng ta sẽ không phải là một nơi hấp dẫn để sống nếu chúng bẩn thỉu và bụi bặm. Tâm của chúng ta thực sự cũng chẳng khác gì với ngôi nhà của chúng ta. Nếu tâm của chúng ta đầy tham lam, sân hận và si mê, hay nói một cách khác là đầy dukkha (khổ, bất toại nguyện) thì nó cũng không phải là nơi thú vị để sống bởi vì chúng ta không thể tìm thấy gì khác ngoài những cảm giác bất mãn và bồn chồn trong đó.

Để làm cho một căn nhà bẩn thỉu trở thành một nơi thú vị và dễ chịu thì chúng ta cần gia cố nó và dọn dẹp để cho nó được sạch sẽ. Tâm của chúng ta tương tự cũng cần phải được thanh lọc, bởi vì khi thanh lọc tâm, có nghĩa là chúng ta làm cho nó giảm bớt tham, sân và si. Kết cuộc là sự mát mẻ và thanh tịnh sẽ sinh khởi trong tâm của chúng ta.

Đức Phật dạy chúng ta thanh lọc tâm bằng cách thực hành các thiện pháp, bố thí, giữ giới, tu tập thiền định để có được sự an tịnh và trau dồi trí tuệ. Tiến trình thực hành này tạo điều kiện giúp cho việc phát triển, thanh lọc tâm của chúng ta và cuối cùng làm cho nó trở nên thuần khiết.

Trong tâm của mọi chúng sanh đều có một ước muốn được hạnh phúc, chẳng có ai muốn gặp những điều bất hạnh. Vì vậy, bất cứ khi nào đau khổ sinh khởi trong tâm, chúng ta phải cố gắng tìm cho ra nguyên nhân của nó và rồi tìm cách buông bỏ nó và làm cho nó kết thúc. Chúng ta không bao giờ nên cất giữ những cảm xúc như vậy trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta quan sát và chăm sóc tâm của chúng ta một cách chánh niệm, chúng ta có thể nhận diện được những cảm xúc hạnh phúc và đau khổ bất cứ khi nào chúng sinh khởi. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy đau khổ hoặc bất toại nguyện, chúng ta phải duy trì chánh niệm trên những cảm xúc này và kiên nhẫn chịu đựng chúng bằng cách giữ sự tự chủ của mình. Sau đó chúng ta phải tìm và áp dụng mọi phương tiện thiện xảo có thể có được hầu giúp chúng ta quán chiếu sự đau khổ (dukkha) này hầu có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực ngay tức khắc khi chúng sinh khởi.

Tuy nhiên, nếu khả năng chánh niệm và trí tuệ của chúng ta quá yếu không thể quán chiếu và loại bỏ dukkha hay những cảm xúc tiêu cực khỏi tâm của chúng ta, trong trường hợp như vậy, chúng ta cần phải thiết lập chánh niệm trên một đối tượng thiền định mà chúng ta đã chọn để tu tập. Thực hành định trong trường hợp này sẽ giúp cho tâm của chúng ta có được sự định tĩnh. Nó giúp cắt đứt mọi suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực đang hiện diện trong tâm. Thí dụ, nếu chúng ta đưa sự chánh niệm, tỉnh giác của chúng ta tập trung trên thiền ngữ “buddho” và cứ tiếp tục niệm nó liên tục buddho, buddho … từ ba cho đến năm phút thì tâm của chúng ta sẽ lắng dịu, trở nên mát mẻ và an tịnh. Tất cả các suy nghĩ và cảm xúc, một khi đã sinh khởi, theo lẽ tự nhiên sẽ hoại diệt.

Kết quả của việc thực hành định là chúng ta có thể thiết lập chánh niệm trong tâm của chúng ta một cách thật vững chắc trong khoảnh khắc hiện tại. Bất cứ khi nào tâm tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, mọi suy nghĩ và cảm xúc sẽ không có mặt trong tâm. Đây chính là thời điểm mà năng lực chánh niệm và trí tuệ của chúng ta có thể đi vào để kiểm soát tâm của chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta chỉ suy nghĩ, nói năng và hành động một cách tốt đẹp, thiện lành. Chánh niệm và trí tuệ phải luôn luôn làm việc để thanh lọc và loại ra khỏi tâm những gì bất thiện, vì vậy giúp cho tâm không còn bị ô nhiễm bởi những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Kết quả là tâm của chúng sẽ trở nên mát mẻ, định tĩnh và an bình.

Năng lực của chánh niệm và trí tuệ vì vậy đóng một vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và chăm sóc tâm của chúng ta. Ước muốn của chúng ta là không bao giờ phải chịu đau khổ hoặc không bao giờ gặp những sự bất toại nguyện, muốn được như vậy có nghĩa rằng chúng ta phải nỗ lực để buông bỏ những cảm xúc bất thiện này bất cứ khi nào chúng sinh khởi. Tương tự, ước muốn được hạnh phúc của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải hết sức nỗ lực để tu tập tâm bằng cách thực hành lời dạy của Đức Phật. Ngài dạy chúng ta thực hành thiện pháp cũng như thực hành bố thí theo khả năng cao nhất mà chúng ta có thể, giữ giới (sīla) và trau dồi định (samādhi) và tuệ (pañña). Đây là con đường Ngài dạy cho chúng ta để giúp chúng ta từng bước thanh lọc tâm và làm cho nó trở nên thuần khiết. Với chánh niệm và trí tuệ thường xuyên canh giữ và chăm sóc cho tâm, chúng ta có thể không vướng vào tấm lưới mà Ma-vương đã sắp đặt để bắt giữ chúng ta.

Chú thích:

Ma-vương là một sự nhân cách hóa các phiền não tham, sân và si. Nói rộng ra, Ma-vương là sự nhân cách hóa sự giam cầm xảo quyệt của các giác quan do chúng đã trói buộc, giam giữ tâm vào trong đó. Ma- vương là một sức mạnh đối kháng cho sự giác ngộ hay cho việc tu tập giới, định và tuệ. Ma-vương ngăn cản chúng sanh thực hành nội quán nhằm hiểu được bản chất thật của thế giới dục lạc vì vậy nó giam cầm chúng sanh trong vòng sinh tử luân hồi, khiến cho chúng sanh không thể tìm thấy con đường chấm dứt khổ.

 

Nguồn: Cleaning the heart

Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí


Các tin tức khác

Back to top