Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 2, phẩm Đăng Kiến, nói: “Tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ quá khứ, có một cái hồ lớn, nhân mùa nắng hạn, cá mắc cạn, dân trong thành thi nhau bắt cá để ăn, trong đó có con cá lớn đang chờ chết. Từ xa có một chú bé độ 13 tuổi, ăn chay trường đứng xem người bắt cá, chú bé nghịch lấy cây gõ lên đầu cá lớn, nhưng không chết…
Thành Ca Tỳ La Vệ ở hiện kiếp, Bồ tát Sĩ Đạt Ta sinh ra trong cung vua Tịnh Phạn, đi tu và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngày nọ có vị Hoàng thái tử Lưu Ly, nước Kiều Tát La, mới 8 tuổi, con của vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhân, thuộc bà con bên ngoại của đức Thích Ca đến thăm nước Ca Tỳ La Vệ. Vì tuổi nhỏ chưa biết tôn kính đức Phật, nên có nhảy lên kim cang tòa của đức Phật ngồi. Lính cận vệ của nhà vua bảo: “Xin hoàng thái tử không nên leo lên tòa ngồi của Phật vì đức Phật là bậc tôn kính, xin ngài hãy leo xuống…” Hoàng thái tử Lưu Ly tức giận tại sao mọi người không cho ngài ngồi trên đó, ngài nghĩ ta cũng xứng đáng ngồi trên đó chứ!
Đến khi khôn lớn, Hoàng thái tử Lưu Ly, soán ngôi vua cha lên ngôi báu gọi là vua Lưu Ly. Nhà vua nhớ lại lúc nhỏ đến quê ngọai Ca Tỳ La Vệ bị làm nhục, nên cất binh đánh nước Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn. Vua Lưu Ly cho bắt hết dân trong thành thuộc dòng họ Thích đem giết, bỏ vào một hố lớn, có người vẫn còn sống nằm dưới hố rên rỉ! Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn nhìn thấy dòng họ Thích của đức Phật bị nạn như thế, xin đi cứu hộ, can ngăn vua Lưu Ly dừng tay giết dòng họ Thích của đức Phật. Nhưng khi đi đến nơi mọi người đã chết, không cứu được.
Đức Phật dạy: “Đó là quả báo của Ta và dòng họ Thích, ngươi bảo các người dòng họ Thích không nên đánh lại nước Kiều Tát La của vua Lưu Ly!” Đức Phật dạy: “Tiền thân Vua Lưu Ly là “cá lớn lúc đang mắc cạn, bị ta gõ lên đầu 3 lần”, lính của vua Lưu Ly là số “cá bị mắc cạn”, dân trong thành bắt cá ăn lúc bấy giờ, nay là dân dòng họ Thích, chú bé 13 tuổi nay là Ta: Thích Ca Mâu Ni, do Ta có gõ lên đầu “cá lớn” ngày trước, nên lúc vua Lưu Ly đánh giết dòng họ Thích, Ta bị nhức đầu…”
Trong bản kinh tạng Trung Bộ, bản dịch Hòa thượng Thích Minh Châu, Phật dạy: “Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp... Ta nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây... Như vậy Ta sẽ nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết”.
Đức Phật thị hiện trong cuộc đời, tại đất Ấn Độ cổ là để giải thoát những khổ đau quằn quại của chúng sinh, xóa tan những giai cấp bóc lột lẫn nhau, hận thù chém giết lẫn nhau của con người… Đây là nguyên nhân chủ yếu Phật độ đời, thị hiện vào đời, chấp nhận cuộc sống có tử sinh, sinh tử theo quy luật nhân quả thời gian.
Câu chuyện nhân quả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc nhở chúng ta rằng, khi người khác có lỗi với chúng ta, chúng ta ngàn vạn lần đừng đi trả thù đối phương. Khi chúng ta trả thù đối phương thì cũng giống như chúng ta cầm trên tay con dao hai lưỡi, đả thương người đồng thời cũng làm mình bị thương. Mọi sự trên đời này đều là: “duyên đến duyên đi”, cho nên chúng ta cần phải cởi mở hơn, thấy rõ mọi người chung quanh đều là thân bằng quyến thuộc của mình từ nhiều đời trước, để không mang theo lòng thù hận trong tâm mình.
Những phương pháp hóa giải thù hận theo lời Phật dạy:
1. Sám hối
Chẳng cần phải oán trách ai, ta hãy tự quán chiếu bản thân mình. Việc tự nhận lỗi với lòng khi làm điều gì sai là một cách để hóa giải xung đột, hận thù giữa người với người. Nếu tự biết mình sai mà thừa nhận, sám hối thì người kia đâu có tức giận làm gì. Đó mới là cách hữu hiệu để hóa giải những ác nghiệp nhiều đời và không tạo thêm nghiệp xấu mới.
2. Tha thứ
Lòng từ bi biết tha thứ sẽ đem niềm vui đến cho người thì không có oán hờn, không hại nhau. Cuộc đời này đã quá khổ chúng ta đừng làm khổ thêm mà phải biết chia sẻ những nỗi khổ cho nhau. Nhận thức rõ hận thù sẽ làm con người tràn ngập khổ đau, dẫn dắt chúng ta ngày càng xa rời cuộc sống an lạc. Vì vậy, hóa giải hận thù là đi ngược chiều sinh tử, trở về nguồn cội bình an.
3. Buông xả
Chúng ta cũng chỉ là con người, chưa thể là bậc thánh nhân để có thể ngay lập tức hóa giải hận thù nhưng nên biết buông xả cho nhẹ nhàng, đó là cách sống an vui. Việc này cũng giống như việc muốn đi đường xa thì không thể mang quá nhiều đồ đạc cồng kềnh hay tự buộc đá vào chân.
Sự tức giận trong tâm ta, đôi khi bản thân tự bào chữa rằng làm vậy vì lẽ công bằng, để mọi người phải nhìn nhận mình sai chỗ nào mà sửa đổi hoặc cho rằng không còn lựa chọn nào khác.
Nếu khi nhắm mắt mà tâm không buông xả, mang theo món nợ ân oán của kiếp này để rồi kiếp sau gặp lại, oán oán lại chất chồng. Còn giữ tâm sân hận trong lòng, chẳng khác nào như tự thiêu đốt chính mình và người thân.
Các tin tức khác
- Khéo phòng hộ ( 6/09/2019 6:36)
- Nghệ thuật sống thật với chính mình ( 5/09/2019 8:06)
- Hãy để thân và tâm của bạn được kết nối với thiên nhiên ( 4/09/2019 8:21)
- Dây trói bền chắc nhất ( 4/09/2019 6:22)
- Giữ thái độ nào trước những lời khen chê? ( 4/09/2019 6:18)
- Thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu ( 3/09/2019 9:18)
- Giữ Chánh niệm, trụ Chánh định ( 3/09/2019 6:26)
- Nghĩ ít hơn, cảm nhận nhiều hơn ( 2/09/2019 6:16)
- Hạnh phúc đích thực là gì? ( 2/09/2019 5:50)
- Cúc dại ( 1/09/2019 8:14)