Quay về nương tựa nơi Tam Bảo

13/11/2019 3:05
Trong đạo Bụt, đối tượng của sự quy y là Bụt, Pháp và Tăng. Chúng ta thường nghĩ là mình đã hiểu nhưng thật ra có lẽ ta chưa hiểu rõ thế nào là quy y Tam Bảo. Nếu thực sự quy y Tam Bảo thì ta sẽ có hạnh phúc ngay lập tức, ta không còn do dự hay nghi ngờ nữa và ta có rất nhiều năng lượng. Chúng ta phải hiểu rõ thế nào là Bụt, Pháp, Tăng thì ta mới có chỗ nương tựa đàng hoàng.

Sáng nay đại chúng đã tụng bài “Chắp tay búp sen“. Đây là một bài nương tựa Tam Bảo dành cho trẻ em. Tôi đã phải để cả năm mới viết xong bài này, tại vì viết một bài tụng cho trẻ em rất là khó, ngôn ngữ dùng phải đơn giản để các em có thể hiểu được. Khi làm xong tôi rất mừng. Trong bài có định nghĩa thế nào là Bụt, Pháp và Tăng.

Nếu so sánh với Tam Bảo của Phật giáo thì ta thấy Chúa Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo khó hiểu hơn, trừu tượng hơn. Bụt, Pháp và Tăng là những cái gì rất cụ thể. Trong bài tụng viết cho thiếu nhi, Bụt được định nghĩa là một vị thầy chuyên dạy hai thứ là Hiểu và Thương. Chúng ta tự hỏi mình đã biết thương, biết hiểu chưa? Nếu biết hiểu và biết thương thì ta là một người có hạnh phúc. Nếu ta không có hạnh phúc, ta không thấy thoải mái trong đời sống hằng ngày là tại vì ta chưa biết hiểu, ta chưa biết thương. Bụt trước hết là một vị thầy dạy hiểu và thương và vị thầy này có rất nhiều phụ tá. Hiểu được cũng khó mà thương được cũng khó.

Hiểu và thương được mình trước khi hiểu và thương được người khác

Trước hết, ta phải hiểu được mình là ai. Ta phải hiểu được những yếu kém, những khổ đau, những bế tắc của mình. Ta cũng phải hiểu được luôn những yếu tố tích cực mà ta chưa bao giờ thấy trong ta. Muốn hiểu được, ta cần phải có rất nhiều công phu. Ta tưởng ta hiểu được mình rồi nhưng thực ra ta chưa hiểu được mình nhiều, hơn nữa đôi khi ta còn hiểu lầm. Ta chưa biết mình là ai. Ta chưa hiểu được nỗi khổ niềm đau, ta chưa thấy được giá trị của mình. Những điều Bụt dạy giúp cho ta hiểu được chính mình. Hiểu được thì ta sẽ chấp nhận được mình. Trong chúng ta có những người không chấp nhận được cha mẹ, dòng họ và không chấp nhận được chính bản thân mình tại vì họ không có khả năng hiểu.

Bụt dạy những phương pháp quán chiếu để chúng ta có thể hiểu được chính mình, để chúng ta có thể chấp nhận và thương được chính bản thân mình. Hiểu được mình, chấp nhận và thương được mình thì mới có thể nghĩ tới chuyện hiểu người khác, chấp nhận và thương người khác. Nếu không thì càng thương ta càng làm cho người kia khổ. Đáng lý ra thì tình thương phải mang lại hạnh phúc, nhưng trong phần lớn các trường hợp thì càng thương ta lại càng làm cho người kia khổ và ta cũng khổ theo. Đó không phải là tình thương. Vì vậy ta cần một vị thầy dạy ta thương. Bụt là một vị thầy rất thực tế. Ngài dạy trước tiên ta phải hiểu, chấp nhận và thương được mình. Sau đó ta mới có thể hiểu, chấp nhận và thương được người khác.

Là một người xuất gia, ta có chí hướng muốn giúp đời. Nhưng nếu trong tâm ta còn nhiều khổ đau, bức xúc, bất mãn, cô đơn thì ta sẽ không có hạnh phúc. Ta không hiểu được mình, ta không chuyển hóa, không thương được ta thì làm sao sau này ta có thể giúp được cho người khác? Vì vậy trong những ngày tháng tu tập, ta phải làm thế nào để hiểu, chấp nhận và thương được chính mình.

Chúng ta thường than rằng: “Không ai hiểu tôi, không ai thương tôi!“ Trong khi đó thì ta không hiểu ta và ta cũng không thương được ta. Ta không hiểu, ta không thương được ta thì làm sao ta làm cho người khác hạnh phúc? Người xuất gia cũng như người tại gia, nếu ta không có hạnh phúc thì ta cũng không có khả năng giúp được cho ai.

HT. Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top