Con đường tu tập

25/08/2013 5:14
Phật dạy thân này do đất, nước, gió, lửa hòa hợp tạo thành; có hợp là có tan, như hôm nay ngồi đây là tạm hợp, mai nó tan phải ra nghĩa địa nằm. Đất là chất vô tri, không hiểu biết gì; nước, gió, lửa cũng vô tri. Tứ đại là vô tri, vậy cái gì là linh tri sáng suốt trong mỗi người chúng ta?

Trong nhà Thiền có câu chuyện về ngài Phá Táo Đọa. Thiền sư Phá Táo Đọa là người Trung Hoa, ngài sống gần núi Tung Sơn. Một hôm, ngài cùng với nhóm đệ tử đi xuống núi, nghe mọi người nói ở dưới chân núi có cái miếu thờ ông Táo rất linh thiêng, ai mà xúc phạm thì bị bẻ cổ, vặn họng v.v... nên người ta giết gà, giết vịt, giết heo đến cúng tế ông để ông phù hộ cho khỏe mạnh làm ăn phát tài. Nghe như vậy, Thiền sư dẫn đệ tử đi vào trong miếu để cảnh tỉnh cho mọi người, cũng đồng thời cảnh tỉnh luôn ông thần Táo. Đến nơi, Thiền sư lấy gậy gõ vào cái bếp nói:

- Đây là ngói gạch hợp thành, linh từ đâu đến Thánh từ đâu lại mà ngươi đòi hỏi cúng tế nhiều sinh mạng như vậy?

Nói xong, ngài gõ thêm vài ba gậy vào cái bếp, bỗng nhiên cái bếp ngã đổ xuống. Mọi người xung quanh thấy giật mình, nhưng ngài thản nhiên rồi đi ra. Đi được vài bước, có một vị thanh niên mặc áo mão màu xanh giống như vị quan chức trang trọng đến lạy trước ngài.

Ngài hỏi:

- Ông là ai vậy?

Vị đó nói:

- Bạch Hòa thượng! Con chính là Thần Táo đây! Vừa rồi con mới được Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh. Con thoát khỏi kiếp táo, được sanh về cõi trời. Cho nên con đến lễ tạ Hòa thượng.

Ngài nói:

- Cái đó là tánh bản hữu của ông thôi.

Sau đó các vị đệ tử thắc mắc hỏi:

- Bạch Hòa thượng! Trước giờ tụi con đâu có nghe Hòa thượng dạy pháp vô sanh, sao hôm nay ông Thần Táo được nghe pháp vô sanh gì mà mau thoát khỏi kiếp Táo như vậy!

Ngài mới nói:

- Ta cũng đâu nói gì khác! Ta chỉ bảo đây là đất, nước, ngói, gạch tạo thành thôi. Linh từ đâu lại? Thánh từ đâu đến?

Ông Thần Táo lâu nay không có chỗ gá nương, nên mới tạm gá vào cái bếp lấy đó làm thân mình, chấp đó là mình nên bắt người ta cúng tế, ai đụng đến cái bếp đó thì bị vặn họng, bẻ cổ. Cũng giống như chúng ta bám vào cái thân này, mấy cục thịt cục xương kết lại thành thân lấy đó cho là mình, ai đụng tới thì sanh chuyện. Hằng ngày, chúng ta đòi hỏi ăn đủ thứ, ăn không ngon là không muốn ăn. Vậy thì mấy cục thịt cục xương, mấy sợi gân v.v... này là mình hay sao? Do đó, Thiền sư Phá Táo Đọa gõ vào mấy cục gạch nói linh Thánh ở chỗ nào? Đá gạch là vô tri, còn linh Thánh là sáng suốt, vậy mà bám vào mấy cái vô tri cho là sáng suốt sao? Ngay lời khai thị đó, Thần Táo liền giác ngộ. Buông cái bám chấp đó thì ông liền giải thoát. Đó là Pháp vô sanh. Chúng ta là cái linh tri sáng suốt, đâu phải mấy cục thịt, cục xương, mấy sợi gân vô tri này. Nếu chúng ta giác ngộ buông được mấy cục thịt này thì liền giải thoát. Nhưng do chúng ta chưa chịu buông nên vẫn còn khổ đau, phiền não đây. Đó là chỗ mê lầm, điên đảo của chúng ta. Chúng ta muốn giải thoát thì phải buông xuống những tình chấp mê đảo, nếu ai nói nặng hay xúc phạm mình thì chúng ta quán đó là họ nói nặng mấy cục xương, mấy cục thịt chứ đâu phải mình. Quán như vậy chúng ta sẽ cởi mở, sự thật là như vậy, chỉ là mấy cục thịt thôi. Nhưng do nhiều đời chúng ta chấp thân tâm hư dối là mình thật nên mới có phiền não, có sân si. Nếu biết rõ đất nước gió lửa là vô tri, buông bỏ tình chấp về thân thì chúng ta không phiền não khi ai đó đụng đến thân này.

Tâm hư dối cũng vậy, nó luôn luôn thay đổi lúc nghĩ thế này lúc nghĩ khác, lúc vui lúc buồn. Khi vui cho là tôi vui, khi buồn cho là tôi buồn. Bởi nhận cái "Tôi" này chính là mình, nên suốt cuộc đời chúng ta luôn lầm lẫn, không biết một ngày có bao nhiêu cái Tôi. Cho nên tu là để phá ngã, phá cái tôi cố hữu từ bao đời bao kiếp. Trong các Kinh A-hàm hoặc Nikaya, Phật thường nhắc nhở: "Quán kỹ! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta. Cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta!", không có chỗ nào để bám. Nếu mỗi ngày chúng ta đều quán kỹ như: "ăn", cho là ta ăn. Nếu như vậy cái gì là "Ta"? Cái miệng là "Ta", cái lưỡi là "Ta", bao tử là "Ta" phải không? Rồi "Ta" buồn, "Ta" vui, "Ta" ghét, "Ta" suy nghĩ. Vậy cái đầu là "Ta" , cái não là "Ta" hay sao? như vậy một ngày có biết bao nhiêu cái "Ta" Trong Kinh Viên Giác, Phật dạy: "Vô minh là gì? Do chấp cái thân bốn đại này là ta, chấp cái tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là Ta, đó gọi là vô minh". Phật định nghĩa nếu chấp cái tâm suy nghĩ phân biệt này là ta, đó gọi là vô minh điên đảo. Những cái sanh diệt hư dối không thật mà chấp là ta thì quả là điên đảo. Điên đảo tức là cái thấy nó lộn ngược. Cái giả lấy làm thật, trong khi cái thật không biết lầm nhận với cái giả, do thấy lộn ngược như vậy nên gọi là điên đảo. Bây giờ chúng ta tu phải chuyển cái nhìn lại, cái thật phải thấy là thật, cái giả phải thấy là giả mới hết điên đảo.

Thiền sư Bàn Khuê ở Nhật Bản, ngài có lời khai thị cho người học rất hay: "Mỗi người ở trong đây cũng như thế! Từ trước đến nay đã từng làm ác, bị cuốn theo bởi nhiều loại bám víu và thèm khát, bị xâm chiếm bởi sân si cho nên chịu luân hồi, chuyển tâm Phật vốn có thành ra A-tu-la và quỷ đói. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích về tâm Phật Bất sinh rồi. Quý vị hiểu rõ thì chính cái tâm tham dục, sân giận bám víu bấy lâu nơi quý vị lập tức chuyển thành tâm Phật Bất Sinh và quý vị sẽ không bao giờ mất tâm ấy, dù trải qua mười ngàn kiếp. Khi quý vị an trú trong tâm Phật ấy thì từ đây quý vị sẽ là những vị Phật sống. Nhưng đừng lầm, nếu quý vị đánh mất cái tâm Phật ấy thì mười ngàn đến cả trăm ngàn kiếp sau quý vị cũng không thành Phật được. Hãy nên nhớ kỹ điều này". Tức là khi chúng ta đánh mất cái tâm Phật Bất Sinh thì dù mười ngàn kiếp sau cũng không thành Phật được. Thành Phật là từ tâm Phật này mà thành. Đây là những lời chân thật thiết tha của người đã giác ngộ nói ra. Bởi chính ngài đã chứng nghiệm lẽ thật đó, nên ngài nói một cách mạnh mẽ xác quyết không nghi ngờ. Chúng ta muốn sống trở lại với chánh nhân sẵn có, thì phải nên buông bỏ những tình chấp mê lầm. "Tu" là ngay cái điên đảo này mà thấy đúng trở lại chứ không gì khác. Tu là chuyển mê thành giác, chính mình mê rồi cũng chính mình giác.

TÓM KẾT

Mỗi người đều có chánh nhân Phật tánh, nhưng nhiều đời quên mất không biết gọi là mê, ngày nay được nghe được nhắc lại là một duyên lớn. Chúng ta biết mình có chánh nhân, tin nhận soi trở lại, đồng thời nỗ lực tu tập những pháp lành để buông bỏ những tập khí mê lầm, thành tựu liễu nhân Phật tánh, tức mở mắt tuệ cho Phật tánh hiện bày. Có được liễu nhân Phật tánh thì sinh diệu dụng Phật tánh bất khả tư nghì không nói hết được.

Vì vậy, liễu nhân là phần còn lại của mỗi người, chúng ta phải tự phát huy ra, không thể ỷ lại hoàn toàn vào ông thầy. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Hiện Bảo Tháp ghi, khi Phật nói kinh Pháp Hoa xong thì ngài tuyên bố vào Niết-bàn: "Ai có thể ở trong cõi Ta-bà này nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nay chính là phải lúc. Như Lai không bao lâu sẽ vào Niết-bàn, Phật muốn đem Kinh Pháp Hoa này phó chúc cho có người". Phật nói Kinh Pháp Hoa là khai thị cho người ngộ nhập tri kiến Phật. Phật nói Kinh Pháp Hoa xong là phần của Phật đã xong nên ngài vào Niết-bàn. Phần còn lại là để cho mỗi người phát huy Kinh Pháp Hoa nơi mình, khai thác tri kiến Phật nơi mình không còn ỷ lại nơi Phật nữa. Cho nên, Phật vào Niết-bàn để phần còn lại cho mỗi người tự phát huy. Đó là ý nghĩa nhắc nhở cho mỗi người không nên ỷ lại bên ngoài, phải tự phát huy cái thật nơi mình để tiếp nối hạt giống Phật ở thế gian này. Cũng chính là đền ơn Phật, không cô phụ nhân duyên Phật ra đời.

Tóm kết ý nghĩa này bằng bài kệ của ngài Phó Đại Sĩ, hóa thân của Bồ-tát Di-lặc ở Trung Hoa, ngài nói:

                        Dạ dạ bão Phật miên,
                        Triêu triêu hoàn cộng khởi.
                        Khởi tọa trấn tương tùy,
                        Ngữ mặc đồng sở chỉ.
                        Tiêm hào bất tương ly,
                        Như hình ảnh tương tợ. 
                        Dục thức Phật khứ xứ,
                        Chỉ giá ngữ thinh thị!

        Dịch:
                        Đêm đêm ôm Phật ngủ,
                        Sáng sáng cùng Phật dậy.
                        Ngồi đứng cùng theo nhau,
                        Nói nín đồng chung ở.
                        Chẳng mảy may tạm rời,
                        Giống hệt bóng với hình.
                        Muốn biết chỗ Phật đi,
                        Chính cái nói năng đó!

Mỗi đêm chúng ta ôm Phật ngủ, sáng dậy cùng Phật dậy, nói nín cùng chung không lúc nào tạm rời. Nhưng chúng ta lại mê lầm, hằng ngày đi với Phật, đứng với Phật, ngủ với Phật, thức với Phật, lại đi tìm Phật. Vì vậy, ở đây đánh thức mọi người luôn sống trở về với lẽ thật nơi chính mình. Muốn biết chỗ Phật đi thì chính ngay cái nói năng đây, Phật là ngay trong đó chứ không đâu khác. Đây là Phật thật, không phải Phật theo hình tướng bên ngoài, Phật đây là chánh nhân. Chánh nhân luôn sẵn có nơi mình, lúc nào cũng không tạm thời. Giờ chỉ còn một điểm là chúng ta khéo nhớ trở lại chánh nhân để phát triển thành diệu dụng, thắng được những phiền não đau khổ nơi mình, như vậy Tam nhân Phật tánh trọn vẹn đầy đủ ý nghĩa. Hiện tại, mỗi người đều có đủ chánh nhân, duyên nhân, phần còn lại là liễu nhân hãy tự phát huy để chứng nghiệm lẽ thật nơi mình. Vậy mong tất cả đều thành tựu đầy đủ Tam nhân Phật tánh. Đó là sống để trở về nguồn gốc chân thật của chính mình, là niềm vui lớn nhất ở trên thế gian này.

Trích bài Tam Nhân Phật Tánh (TT. Thích Thông Phương)

Các tin tức khác

Back to top