Đức Phật từng khẳng định: “Nhất thiết duy tâm tạo” - tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận thế giới xung quanh như thế ấy. Đẹp - xấu, cao - thấp, sang - hèn, thuận nghịch… vốn không phải bản chất của thực tại. Tất cả đều do tham - sân - si của con người dệt lên.
Khi được thỏa mãn những mong muốn của mình, ta nghĩ cuộc đời rất tươi đẹp. Còn khi mọi thứ diễn ra trái nghịch với những nguyện vọng của mình, ta cho rằng cuộc đời thật đáng chán.
Trong khi đó, vạn sự vạn vật trên thế gian này và cả vũ trụ bao la đều vận hành theo nguyên tắc rất tự nhiên: Nhân quả và duyên sinh. Nó không chiều chuộng ai, cũng không có ý ghét bỏ ai. Chỉ tại ta quá tham lam. Khi nó thuận với ta thì ta mừng rỡ mà không hề ngạc nhiên và từ khước; còn khi nó nghịch với ta thì ta lại hốt hoảng và chống đối.
Cho nên, khi nào ta chuyển hóa được những năng lượng mong cầu và chống đối không cần thiết ấy, trả lại bản chất tĩnh lặng mầu nhiệm của tâm hồn, ta sẽ thấy thế giới xung quanh mình thật bình yên - rất dễ thương và rất đáng giữ gìn.
Từ tuệ giác sâu sắc, đức Phật cũng từng nhấn mạnh: “Tâm bình thế giới bình”. Dù thế giới xung quanh ta còn nhiều xáo động, nếu tâm ta bình yên, sẽ không bị nó làm cho xáo động theo.
Trái lại, năng lượng bình yên trong ta sẽ lên đường xâu kết với những năng lượng bình yên khác đang bàng bạc khắp nơi trên thế giới. Đến khi hội đủ điều kiện, nó sẽ trở thành hiệu ứng vĩ đại - thế giới bình yên.
Thật ra, vạn vật trên khắp hành tinh vốn rất bình yên, chỉ có con người mới không bình yên và đã làm đảo lộn mọi thứ. Nhưng bản chất con người cũng rất bình yên, chỉ vì họ đã để cho những năng lượng tham cầu và chống đối lấn át đi vẻ tự nhiên hiền hòa mà trời đất đã ban tặng.
Cho nên, không ai có thể làm cho mọi người trên thế giới này bình yên được cả, đó là vấn đề của mỗi người. Tuy nhiên, năng lượng bình yên trong mỗi người có tính tương tác rất lớn. Nó sẽ giúp cho điều kiện đi tới sự bình yên trong mọi người dễ dàng xảy ra. Vì vậy, năng lượng bình yên của mỗi người luôn rất cần thiết cho gia đình, xã hội, thế giới, và cả vũ trụ nữa.
Quả thật, chỉ khi nào tâm hồn ta không còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, chấp nhận và tùy thuận mọi hoàn cảnh, thì ta mới nếm được chất liệu bình yên và hạnh phúc chân thật.
Trong giai đoạn ban đầu, nếu thấy khó giữ tâm trước những hoàn cảnh quá trái nghịch, ta hãy tạm thời tìm cho mình một không gian đủ an ổn để tịnh dưỡng tâm hồn.
Khi tâm hồn đã thật sự bình yên, những phiền não đã lắng đọng và chuyển hóa thì ta cứ mạnh dạn tiếp xúc trở lại với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng.
Cho nên, nếu biết tâm bình yên chắc chắn cảnh sẽ bình yên thì ta chỉ nên giữ gìn tâm mình mà không cần phải đuổi theo cảnh. Bởi cảnh bình yên mà tâm ta chưa bình yên, ta cũng chẳng thấy nó bình yên.
Tùy thuận theo hoàn cảnh
Không buộc theo ý mình
Giữ tâm không giữ cảnh
Tâm bình cảnh cũng bình.
Trích sách Hiểu về trái tim - Sư Minh Niệm
Các tin tức khác
- Như thế nào gọi là niệm Phật Tam muội? ( 5/09/2020 6:12)
- Tư tưởng của đạo Phật giải phóng khổ đau cho con người ( 4/09/2020 7:56)
- Dùng toàn bộ tiền phúng điếu đám tang mẹ làm từ thiện ( 4/09/2020 7:52)
- Một số quan niệm sai lầm của Phật tử về đạo Phật ( 3/09/2020 8:22)
- Thờ tượng Phật lợi lạc như thế nào, cách chọn tượng Phật để thờ ( 3/09/2020 8:12)
- Thực tập hạnh phúc ( 2/09/2020 8:28)
- Mùa Vu lan đền đáp bốn trọng ơn ( 2/09/2020 7:55)
- Tám nguyên nhân dẫn tới ác nghiệp phải chịu quả báo lớn nhất ( 1/09/2020 6:19)
- Vu lan & triết lý Nhân quả ( 1/09/2020 6:14)
- TP.HCM: Cảnh giác với dịch bệnh trong mùa Vu lan (31/08/2020 7:50)