Những người em dễ thương của anh ơi! Các em hãy ngồi yên tĩnh lặng, xem mình đã làm cho cha mẹ phải khổ tâm, rơi lệ bao lần rồi? Các em đã lần nào nói hoặc thể hiện cho cha mẹ biết rằng mình thương yêu cha mẹ chưa? Các em đã lần nào tự tay mình nấu cho cha mẹ bát cháo hoặc đi mua viên thuốc khi cha mẹ đau bệnh chưa? Các em hãy nhớ cho “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn trên mắt mẹ nghe em!”. Nếu làm cho cha mẹ phải khổ tâm, rơi lệ, như vậy chúng ta bị tội lớn lắm, tội này to lớn không gì có thể sánh được. Do đó, anh khuyên các em hãy thực hành ngay hiếu hạnh. Nếu em còn nhỏ, còn tuổi ăn tuổi học, chưa làm ra tiền, thực hành hạnh hiếu bằng cách nỗ lực học tập, nghe lời cha mẹ dạy không được chống trái, cãi lại, cha mẹ nói điều gì phải vòng tay nghe, các em cũng có thể thực hành hiếu bằng cách thăm hỏi, rót cho cha mẹ li nước sau khi mỗi bữa ăn… Còn nếu các em đã lớn, đã làm ra tiền, ngoài chi tiêu cho cá nhân ra, nên trích một phần để phụng dưỡng song thân… Tóm lại, dù đã lớn hay còn nhỏ, điều trước nhất phải tự thân chăm sóc, thăm hỏi, phụng dưỡng song thân.
Nói đến đạo lí hiếu thuận, hầu như ai cũng biết, nhưng thực tiễn của hiếu thuận, lại ít người làm được. Đặc biệt hiện tại đang thịnh hành chủ nghĩa lợi ích và hiện thực, vô hình trung hai chữ “hiếu thuận” trở thành đức tốt của rất ít người. Do đó bộ kinh đề xướng chữ hiếu này, quả thật đã làm cảm động lòng người. Khắc sâu ân tình của cha mẹ, làm cho người đọc phải rơi lệ mỗi lần nghĩ đến. Vì thế dám khuyên tất cả những người làm con nên đọc tụng, thọ trì bộ kinh này, đồng thời ra sức lưu truyền rộng rãi, hầu phát dương đạo hiếu khắp nơi nơi.
Theo quan điểm của Phật giáo, nghe lời cha mẹ, nỗ lực học tập, lập thân hành đạo, phụng dưỡng song thân, quạt nồng ấp lạnh, đây chỉ là hiếu của thế gian. Muốn tận hiếu, theo kinh văn phải in kinh ấn tống, đối với bản thân phải ăn chay, làm mọi việc lành, thực tập các nguyên tắc đạo đức. Nếu cha mẹ còn tại thế, phải dùng mọi phương cách khéo léo hướng dẫn cha mẹ vào đạo, quay về nương tựa ba ngôi báu, thọ trì năm nguyên tắc đạo đức, ăn chay, tin sâu nhân quả, niệm Phật cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Còn nếu cha mẹ đã quá vãng, nên nỗ lực tu tập niệm Phật, hồi hướng công đức đó cho song thân được siêu thoát. Được như thế mới đền đáp xong hiếu đạo của phận làm con. Vì thế, cổ nhân nói “khi nào cha mẹ lìa xa ba cõi phận con mới vuông tròn”.
Trước khi dứt lời anh xin nhắn gởi đến tất cả các em của anh các em ơi! Các em hãy thực tập hiếu thuận trước khi quá muộn, đừng để cảnh “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ đã ra đi”.
Cuối lời xin hồi hướng công đức dịch phẩm này đến song thân, cùng pháp giới chúng sinh, nguyện cho hết thảy mọi người cùng được sống trong tình thương yêu hiếu đạo. Xin tri ân cô Phật tử ở HồngKông người biếu cho tôi bản gốc cuốn sách này, cầu chư Phật gia hộ cho cô được sống an lành trong giáo pháp giải thoát của đức Như Lai.
Nam mô A-di-đà Phật!