Ở đời, siêng năng là một trong những đức tính được xem là nền tảng của mọi thành công. “Cần cù bù khả năng” hay “siêng nhặt chặt bị” là những kinh nghiệm quý báu của tổ tiên chúng ta về chuyên cần, tinh tấn. Ngược lại, lười biếng thì chẳng những không thành công trong mọi việc mà còn là nguyên nhân của những hành vi bất thiện, không ít tội phạm cũng từ biếng nhác mà ra. Trong đường đạo cũng vậy, giải đãi là một trong những chướng ngại quan trọng. Học đạo và hiểu đạo tuy khó mà nhiều người làm được nhưng kiên trì giữ đạo, đấu tranh với tự thân để vượt lên các giới hạn của chính mình thì thật gian nan. Chính Thế Tôn nhờ lập hạnh tinh tấn dũng mãnh nên mới thành tựu giác ngộ.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nếu có người lười biếng, trồng hạnh bất thiện, có sự mất mát đối với công việc. Nếu có người có thể không lười biếng, tinh tấn, người này tối diệu, có sự tăng ích ở các pháp lành.
Vì sao? Bồ-tát Di Lặc trải qua ba mươi kiếp, đáng lẽ làm Phật Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Ta do sức tinh tấn, dũng mãnh, khiến Di Lặc ở sau. Hằng sa Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác thời quá khứ đều do dũng mãnh mà được thành Phật. Do phương tiện này nên biết lười biếng là khổ, làm các hạnh ác, có tổn hại cho việc làm. Nếu hay tinh tấn, tâm dũng mãnh mạnh, các công đức lành có tăng thêm. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nhớ tinh tấn, chớ có lười biếng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 21. Tam bảo, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.343).
Lời khuyên dạy của Thế Tôn “lười biếng là khổ, làm các hạnh ác, có tổn hại” và “nếu hay tinh tấn, tâm dũng mãnh mạnh, các công đức lành có tăng thêm” thật rõ ràng. Tuy vậy trong tu học để duy trì tinh tấn, chiến thắng sự giải đãi là vấn đề không đơn giản. Khi đối diện với những chướng ngại phiền não từ chính mình, thực hành tinh tấn trọn vẹn là một thách thức rất lớn.
Quá trình thể nghiệm giáo pháp giúp hành giả dễ dàng nhận ra tinh tấn, chuyên cần vốn không dễ thực hành. Nên phải lập hạnh, phát thệ bởi nếu không thì khó tránh sự “đầu voi đuôi chuột”, “nhất niên Phật hiện tiền, nhị niên Phật thăng thiên”. Thường thì lúc đầu ai cũng siêng năng, tinh tấn lắm nhưng càng lâu càng mỏi mệt và nguội lạnh dần. Thế Tôn đã từng dùng hình ảnh “cọ cây lấy lửa” để nói lên sự tu hành cần tinh tấn liên tục. Nếu gián đoạn, bị giải đãi và phóng dật chế ngự thì phải nỗ lực công phu lại từ đầu.
Để trợ duyên cho hạnh tinh tấn, nương tựa vào Tăng thân, nhờ đại chúng yểm trợ là một cách hay. Mùa an cư, hay tu học trong các trụ xứ mà chúng Tăng đông đảo, tập trung một chỗ tu học sẽ giúp cho hành giả trau dồi tinh tấn, tu học chuyên cần hơn.
Quảng Tánh