Người được Phật dự báo trước cái chết

2/01/2021 6:12
Sự chết vẫn diễn ra từng phút, từng giờ và từng ngày trên nhân gian, nhưng có một điều rất lạ là không ai nghĩ rằng mình sẽ chết, cái chết vĩnh viễn là điều xảy ra cho kẻ khác chứ không liên can gì tới mình, đó là ảo tưởng về sinh mệnh, thọ mệnh của kiếp nhân sinh.


''Mùa mưa ta ở đây,

đông, hạ cũng ở đây,

người ngu tâm tưởng vậy,

không tự giác hiểm nguy.''

(Pháp Cú, 286)

Đó là lời của Đức Phật dạy cho ông Đại Phú (Mahadhana), một vị thương gia, khi Ngài ngụ tại Tịnh xá Kỳ Viên.

Một ngày nọ, vị thương gia này dùng 500 chiếc xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Ba-ra-na-si đi đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá-vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: "Ngày mai ta sẽ qua sông", rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông.

Trong đêm hôm đó, một trận bão kéo đến với mưa tầm tã cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo ra lũ lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại.

Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng: "Ta đã trải qua một quãng đường dài, nếu ta quay về thì sẽ bị trễ nải. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa xuân và mùa hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng này..."

Khi Đức Phật đi trì bình trong thành, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Đại đức A-Nan hỏi Đức Phật vì sao Ngài cười. Đức Phật đáp:

"Này A-Nan, con có biết ông Đại Phú đó không"?

"Dạ có, bạch Đức Thế Tôn."!

"Vì không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, nên ông thương gia ấy vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của mình".

"Thật vậy sao, bạch Đức Thế Tôn"?

"Đúng thế, này A-Nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt."

Nói xong, Đức Thế Tôn liền thốt lên bài kệ:

"Hãy tinh tấn thi hành

việc cần làm hôm nay.

Có ai biết chắc chắn

cái chết đến lúc nào?

Có ai chống lại được

mệnh lệnh của thần chết?

An lạc thay cho người

ngày và đêm tinh tấn

sống tỉnh giác từng ngày" !

"Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông thương gia ấy biết," ngài A-Nan thưa với Phật.

"A-Nan, con cứ việc đi," Đức Phật đáp.

Đại đức A Nan đi khất thực đến nơi ông Đại Phú đang trú ngụ cùng với đoàn xe buôn của ông. Ông Đại Phú kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Đại đức A Nan nói với vị thương gia:

"Ông định cư ngụ ở đây trong bao lâu nữa"?

"Bạch Đại đức, con đã trải qua một quãng đường dài, nếu con quay về thì sẽ bị chậm trễ. Cho nên con sẽ ở lại đây trọn một năm, cho đến khi nào bán hết số vải thì con mới ra đi"

"Này cư sĩ ! Mặc dù mạng sống đã gần hết nhưng ít ai biết được ! Ông nên nỗ lực tinh tấn"!

"Bạch Đại đức, tại sao thế ? Có phải đời sống của con đã gần mãn rồi chăng"?!

"Đúng vậy, này cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài thêm bảy ngày nữa mà thôi"!

Nghe xong, tâm tư người thương gia rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Đức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông cư ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng, trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bình bát của Đức Phật và thỉnh cầu Ngài chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Đức Thế Tôn giảng giải thêm:

"Này người cư sĩ, một người có trí tuệ không bao giờ nên nghĩ rằng: 'Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia. Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác trong từng khoảnh khắc và phải luôn luôn quán tưởng về cái chết của mình như thể chỉ còn sống thêm được một đêm nữa thôi"!

Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ rằng:

Mùa mưa ta ở đây,

đông, hạ cũng ở đây,

người ngu tâm tưởng vậy,

không tự giác hiểm nguy.

(PC 286)

Người tâm ý đắm say

con cái và gia súc,

tử thần bắt người ấy,

như lụt trôi người ngủ.

(PC 287)

Một khi tử thần đến,

không có con che chở,

không cha, không bà con,

không thân thích che chở.

(PC 288)

Biết rõ ý nghĩa này,

bậc trí lo trì giới,

mau lẹ hành thanh tịnh,

con đường đến Niết-Bàn.

(PC 289)

Sau khi nghe xong bài kệ, vị thương gia liền tỉnh ngộ, thành tâm kính tín xin quy y Tam Bảo và chứng đắc Đạo Quả Dự lưu, các vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn cũng đạt được thắng trí.

Sau đó, ông Đại Phú đưa tiễn Đức Phật và Chư Tăng trở về nơi tịnh xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói:

"Tôi cảm thấy nhức đầu, toàn thân thể mệt mỏi"!

Vị thương gia nằm xuống giường để nghỉ ngơi. Khi vừa nằm xuống thì ông liền chết ngay và được tái sinh vào cõi trời Đâu-suất. (Tích chuyện kinh Pháp cú)

Suy ngẫm:

Sự chết vẫn diễn ra từng phút, từng giờ và từng ngày trên nhân gian, nhưng có một điều rất lạ là không ai nghĩ rằng mình sẽ chết, cái chết vĩnh viễn là điều xảy ra cho kẻ khác chứ không liên can gì tới mình, đó là ảo tưởng về sinh mệnh, thọ mệnh của kiếp nhân sinh.. Chính vì ảo tưởng này đã dẫn đến sự truy cầu, sự bám víu, đeo đuổi bất tận vào giấc mộng về thành công và hạnh phúc được vẽ vời trong tương lai... 

- Qua câu chuyện của Kinh Pháp Cú trên đây cho chúng ta thấy được sinh ra trong thời Phật là một diễm phúc thật lớn lao. Nhờ lòng Từ bi của đức Phật mà ông Đại Phú đó đã có sự chuẩn bị cho sự ra đi của mình thật là tốt đẹp. Thử nghĩ, nếu ông không biết một tuần nữa sẽ chết thì ông ta cũng như bao nhiêu người khác, nghĩa là vẫn sống tất bật, quần quật và say sưa trong giấc mộng kinh doanh... Chính cái chết đã thức tỉnh, đã giúp ông có một sự chọn lựa mới, biết ''đầu tư'' vào những cái ''có thể mang theo''. Những cái đó là gì? Là sự quay về với Tam Bảo, tôn kính Phật, bố thí cúng dường... tạo Phước trước khi cuộc đời mãn hạn.. Ông ấy thật là may mắn, chắc chắn trong tiền kiếp nào đó ông ta đã có gieo duyên lành với Phật Pháp nên thiện quả đã trổ sinh lúc sắp mạng chung.

Tuy nhiên, nhìn ở phương diện khác, chính vì phàm phu chúng ta không ai biết được ngày nào là mệnh chung nên càng phải luôn luôn tỉnh thức, biết dành thời gian cho đời sống tâm linh, tinh tấn tu tập và thành tựu các thiện pháp. Sống trọn vẹn từng ngày như thế thì dẫu ngày mai cơn vô thường có ập đến chăng nữa cũng không cuống cuồng hoảng loạn vì đã có tư lương rồi..

Nếu biết ngày mai chạm bến bờ

Môi còn khất hẹn tiếng Nam Mô...

Lắng nghe lòng đất nghìn tâm sự

Hối tiếc đường tu trót...hững hờ...


Các tin tức khác

Back to top