Khi một người có “chiến tranh” với cha mẹ, anh em, vợ con trong gia đình hay với bạn bè ngoài xã hội, thì chính người đó đang có sự rối loạn bất ổn trong nội thân. Những lúc đó tâm họ không an lạc. Nói một cách khác, năm uẩn của người đó không có sự phối hợp, chúng đang chống đối nhau.
Thường thường khi có “chiến tranh” ở bên trong là chúng ta hay “khai chiến” với bên ngoài. Thành ra những người hay “khai chiến” với bên ngoài là chắc chắn họ đang có nội chiến trong thân tâm của họ. Những lúc như vậy, nếu biết nắm lấy hơi thở và thở theo chánh pháp-tức là ta biết dùng chánh niệm để soi chiếu nội tâm, thì tự nhiên năm uẩn sẽ trở lại hòa điệu với nhau, và nhờ vậy mà ta có được an lạc, ta thôi gây chiến. Trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt dạy “Tôi đang thở vào và làm cho thân thể tôi trở nên an tịnh”, tức là ta có thể dùng hơi thở chánh niệm để tạo ảnh hưởng tốt trên “sắc” và “thọ” của mình. Trong khi thực tập nắm lấy hơi thở, ta điều hợp năm uẩn để cho chúng êm dịu lại và tự nhiên sự an lạc sẽ tới. Và nhờ vậy mà mình không còn khai chiến với người khác nữa.
Năm uẩn ở đây không có nghĩa là thế giới bên trong. Khi nói năm uẩn là năm uẩn của anh là không đúng, tại vì đứng về phương diện “thân” tức là “sắc“, cũng như đứng về phương diện “thọ“, “tưởng“, “hành” và “thức” thì thân thể của tôi được làm bằng những chất liệu không phải là tôi. Thức ăn tôi ăn, không khí tôi thở, nước tôi uống, tất cả những cái đó là từ anh, từ chị, từ những người khác, từ những hiện tượng khác trong vũ trụ. Cho nên khi ta nói cái "sắc" này là của tôi là không đúng. “Thọ” cũng vậy, “thọ” tức là cảm giác, mà cảm giác luôn luôn là cảm giác giác về cái gì, cảm giác về những cái ở trong thân và cảm giác về những cái ngoài thân. Còn “tưởng” tức là tri giác, cũng vậy. Tri giác là tri giác về cái gì. Ví dụ tôi có tri giác về anh thì chủ thể của tri giác với đối tượng của tri giác là một. Anh là đối tượng của tri giác của tôi, thành ra nói anh ở ngoài tôi là không đúng. Những tâm hành khác như giận cũng vậy. Giận thì giận ai, hay thương là thương ai. Thành ra đối tượng của những tâm hành này là tất cả những cái ở bên ngoài. Vì vậy nên nói năm uẩn là những cái ở bên trong tôi là không đúng. Khi chưa tu học thì ta tưởng như vậy, nhưng nhờ quán chiếu, nhờ nhìn kỹ ta thấy năm uẩn thật ra không phải là của ta. Chúng liên kết với nhau. Năm uẩn của anh và năm uẩn của tôi có liên hệ tới mức mà ta không thể nào tách rời ra được.
Một tăng thân không có sự hòa hợp thì mọi người không có hạnh phúc. Khi năm uẩn của ta không có hòa hợp thì chúng có chiến tranh, và ta không có hạnh phúc. Hơi thở chánh niệm làm lắng dịu, và đem lại sự hòa điệu bên trong, vì vậy cho nên hơi thở chánh niệm là sự thực tập rất quan trọng. Ban đầu, chánh niệm làm lắng dịu tâm tư, đó gọi là an tịnh tâm hành. Một khi tâm hành an tịnh rồi, nếu ta tiếp tục thực tập thì chánh niệm sẽ càng soi sáng cho ta. Ta sẽ thấy rõ mọi thứ hơn. Cũng như trong căn phòng của ta, nếu không có thì giờ để sắp xếp, thì đồ đạc sẽ lộn xộn, lung tung. Khi bước vào phòng, ta dễ bực bội và khó chịu. Nếu có thì giờ để sắp xếp lại mọi thứ thì trong phòng sẽ có không gian, và ta cảm thấy thoải mái và dễ chịu ngay. Năm uẩn cũng như vậy, nếu không có chánh niệm thì ta để sắc, thọ, tưởng, của ta trở nên bất an, xáo trộn. Và vì vậy mà ta cảm thấy khó chịu, bứt rứt ở bên trong. Một khi trong lòng khó chịu thì ta khai chiến với bên ngoài!
Hãy thắp ngọn đèn chánh niệm lên, nhìn cho kỹ, sắp đặt lại mọi thứ bằng hơi thở chánh niệm. Khi trong lòng có sự an lạc và hòa điệu thì tự nhiên mình có hạnh phúc nội tại lẫn ngoại tại. Vì vậy mà năm uẩn đích thực là tăng thân của ta. Khi ta thực tập hơi thở chánh niệm một cách tinh cần thì sự an lạc cũng từ đó mà phát sinh. Những lo sợ, những giận hờn, những thất vọng của ta sẽ dần dần được chuyển hóa.
Sau đó ta thực tập tiếp bài Quán niệm hơi thở:
Thở vào, thở ra,
Là hoa tươi mát,
Là núi vững vàng,
Nước tĩnh lặng chiếu,
Không gian thênh thang.
Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Thở vào tôi thấy là hoa, thở ra tôi thấy tôi tươi mát, thở vào tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi thấy tôi vững vàng, thở vào tôi thấy tôi là nước tĩnh …
Lúc đó những cảm xúc, những giận hờn, những lo lắng của ta sẽ lắng xuống, và tâm ta an lạc như mặt nước tĩnh. Mặt nước tĩnh sẽ phản chiếu được sự thật. Nước tĩnh lặng chiếu là như vậy. Nếu tâm mình còn ghét bỏ, còn giận hờn thì hình ảnh về người anh, người em hay người chị của mình bị méo mó đi. Khi tâm tĩnh lặng thì tri giác của ta sẽ đúng lại từ từ, nếu không thì chỉ là vọng tưởng và là tri giác sai lầm mà thôi. Tri giác sai lầm sẽ làm làm khổ mình và cũng làm người khác khổ theo.
Câu cuối của bài thực tập “Không gian thênh thang” nghĩa là lúc đó ở trong tâm ta có không gian và ta thấy khỏe, không còn chật chội nữa! Khi có những tri giác sai lầm, những giận hờn buồn phiền thì trái tim ta co lại nhỏ xíu, không có chỗ cho sư anh sư em của ta. Khi tâm tĩnh xuống thì ta bắt đầu thấy được rõ hơn, trái tim ta mở rộng hơn ra. Vì vậy mà ta có không gian bên trong và chấp nhận được người kia.
Những lúc mà ta do dự, sợ hãi, không được vững chãi, là những lúc ta cần tới những bài thực tập này hơn hết. Nhưng những lúc không do dự, không sợ hãi, không lung lay mà ta thực tập bài này hạnh phúc sẽ càng được nuôi lớn. Đừng đợi tới khi có do dự, sợ hãi, lung lay rồi mới thực tập. Chúng ta hãy thực tập hàng ngày cho thuần thục, để lúc sắp có “chiến tranh” ta chỉ cần vài hơi thở là có thể thiết lập được hòa bình.
Hạnh phúc là có sự mát mẻ và thanh lương. Trái với hạnh phúc là cơn sốt. Khi rơi vào ngũ dục ta sẽ lên cơn sốt ngũ dục. Dầu đó là danh, là lợi, là tiền tài, là sắc dục, hay là sự ăn ngon. Trong khi hưởng thụ những dục lạc đó, người nào cũng có những cơn sốt. Ta chỉ cần quán chiếu là thấy cơn sốt có mặt trong lúc hưởng thụ và cơn sốt sẽ trầm trọng hơn sau khi hưởng thụ.
* Trích thoại của Sư Ông Làng Mai tại Xóm Hạ, Làng Mai ngày 02 tháng 10 năm 1994.