Vấn đề ăn uống là một vấn đề quan trọng với tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh. Hằng ngày, chúng ta ăn, uống cũng gây ra không biết bao nhiêu tan tác cho chúng sanh. Đó là chưa kể những khi chúng ta giết hại sinh vật để được thích thú tiền tài…Nếu sự sống của chúng ta được duy trì mà không gây đau thương đến một loài nào thì tốt biết bao, và điều này có thể làm được nếu chúng ta thực hiện ăn chay theo lời Phật dạy.
Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật có dạy: Nếu xa lìa sát sanh thì được thành tựu mười Pháp không bức não. Những gì là mười:
1. Bố thí sự không sợ hãi cùng khắp chúng sanh.
2. Thường khởi lòng từ bi đối với chúng sanh.
3. Dứt sạch tập khí giận hờn.
4. Thân thường không bệnh.
5. Mạng sống lâu dài.
6. Thường được Phi nhân ủng hộ.
7. Thường không ác mộng, khi thức và ngủ đều được an vui.
8. Diệt trừ oán kết, oán hận được tự hóa giải.
9. Không sợ rơi vào đường dữ và ác đạo.
10. Khi chết sanh lên cõi trời.
Đó là mười. Nếu hướng về đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì sau khi thành Phật, được tùy tâm Phật, thọ mạng tự tại.
Việc ăn chay sẽ tránh được các quả báo do sát sanh và đồng thời cũng đem lại nhiều lợi ích cho bản thân mình và cũng là một pháp tu quan trọng mà người phật tử cần phải biết và thực hành nhiều chừng nào thì kết quả tốt đẹp chừng ấy. Và nếu đã là người đệ tử Phật thì lẽ dĩ nhiên chúng ta phải làm theo lời Phật dạy. Đức Phật dạy chúng ta không làm các điều ác, siêng làm các việc lành và giữ tâm ý cho thanh tịnh. Cho nên việc ngăn chặn các điều ác không thôi thì chưa đủ, làm một vài việc lành….. cũng chưa đủ, mà tất cả các Pháp lành cần phải nên tu tập, càng sớm càng tốt có thể được nhiều lợi ích, nếu muộn thì rất nguy hiểm. Tại sao thế?
Trong kinh Mi Tiên (Nagasena) vấn đáp có ghi: “Ví dụ đại vương đợi đến khi khát nước cháy cổ mới sửa soạn sai người đào giếng? Việc làm ấy có thích đáng không, có kịp có nước để uống không?
Phải đào giếng từ trước.Phàm tu hành cũng vậy, nếu khi sự khổ đến mới lo tu thì muộn rồi. Lại nữa, ví như đại vương đợi đến khi đói bụng mới sai người cày ruộng, gieo mạ… thì đến lúc gặt lúa có còn cứu kịp cơn đói của đại vương chăng?Chẳng thể cứu kịp.Ví như đại vương bảo vệ hoàng thành này, nhưng đại vương lại suy nghĩ: “đợi khi giặc đến ta sẽ luyện tập quân sĩ, rèn đúc khí giới, huấn luyện ngựa voi…”. Sự suy nghĩ ấy có đúng thời chăng? Thì hoàng cung này giặc sẽ chiếm mất.Cũng vậy, người tu hành phải biết lo toan từ trước, sớm làm điều lành, sớm ngăn ngừa điều ác, đợi đến khi nước đến chân thì không kịp nữa. Nên đức Thế Tôn có dạy rằng: “Người có trí tuệ hằng tìm lợi ích an vui cho mình, đừng như kẻ buôn thóc kia, lối đi bằng phẳng, dễ dàng thì không chịu đi; lại lựa chọn con đường gập ghềnh, hiểm trở mà đánh xe đi, đến khi gãy trục, gãy vành, ngồi khóc lóc, thở than! Kẻ ngu bỏ lành làm ác cũng y như thế, có hối cũng đã muộn màng.”
Hành giả phải thực hiện ngay trong đời sống bản thân mình nhằm làm cho thăng hoa thân tâm, nuôi dưỡng lòng từ bi, bình đẳng của chính mình, tránh những quả báo xấu trong sanh tử luân hồi và đồng thời cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đức Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh đều đồng một giác tánh bình đẳng. Vậy là người phật tử khi nhìn người khác hoặc loài khác không nên thấy sự khác nhau mà chỉ thấy đồng một tri giác bình đẳng ẩn trong thân hình sai biệt.
Muôn loài sự sống đều nhau
Có thân, có thức biết đau như mình
Nỡ nào giết hại hữu tình
Ruột mầm máu chảy thương sinh não nùng.
(Trích Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt)
Nếu sự sống mà không làm chết ai cả, muôn loài được bình an, tâm từ bi và sự phát triển tâm linh được thăng tiến thì lợi lạc biết mấy! Tại sao lại không thể phát nguyện như vậy?
Tâm Hoạch