Chuyện kể, vào năm 1577, đời nhà Minh – Trung Hoa, có vị thiền sư Hám Sơn muốn kết duyên cùng trí huệ Bát Nhã và báo đáp trọng ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nên đã trích máu viết Kinh Hoa Nghiêm. Lạ thay, vị thiền sư có thể vừa viết vừa trò chuyện, tay không ngừng nghỉ, miệng không quên lời đối đáp, tâm không ngưng niệm Phật mà vẫn không hề viết sai chữ nào.
Danh tiếng đạo đức tu hành và trí hạnh của ngài được khắp nhân dân Trung Hoa biết đến thời bấy giờ. Sau này ngài viên tịch và nhục thân bất hoại được đặt tại chùa Nam Hoa để các Phật tử đời sau chiêm bái.
Lược sử về đại sư Hám Sơn
Đại sư Hám Sơn (1546 -1623) tên Đức Thanh, hiệu Trừng Ấn là một trong bốn vị thánh tăng đã có công phục hưng và phát triển Phật giáo trong triều đại nhà Minh. Chính nhờ nỗ lực của ngài mà tư tưởng "tam giáo đồng nguyên" được phát khởi cho đến ngày nay. Cuộc đời ngài đã trải qua bốn triều vua vào thời Minh, song song với sự suy yếu và tàn lụi của Phật pháp lúc đó. Dù ở hoàn cảnh nào, ngài vẫn luôn giữ vững lập trường hoằng dương chấn Pháp.
Theo Đường mây trong cõi mộng thuật lại, từ nhỏ, thiền sư Hám Sơn đã tỏ ra khác biệt với những đứa trẻ khác, được gọi là "thằng Cột Gỗ" vì luôn thích ngồi yên lặng trầm tư một mình. Tuy nhỏ, ngài luôn đau đáu, nghi hoặc về sự khổ đau, hợp tan của con người. "Thưa mẹ! Chết là như thế nào và chú chết rồi thì sẽ đi về đâu?", "Thưa mẹ, em bé này từ đâu mà đến?". Năm 12 tuổi, ngài đã thuyết phục được cha mình - một người vốn không muốn con mình đi tu cho phép làm một Sa di tại chùa Báo Ân. Đến 19 tuổi, ngài xuống tóc, chính thức xuất gia.
Vào năm 1572, khi nhìn thấy tình hình Phật pháp mỗi ngày một suy vi, Hám Sơn quyết định du phương tham học. Từ Kim Lăng, ngài đến Thanh Nguyên để phục hưng ngôi cổ tự ngàn năm, tiếp đến là hành trình ra Bắc vào Nam gặp nhiều khó khăn như "cọp sói hung dữ, gặp bão tuyết", ngài vẫn cho rằng đây là cơ duyên tốt để rèn luyện ý chí.
"Vì đại sự nhân duyên nên tôi mới tham bái các vị thiện tri thức, hầu mong được học hỏi sở tu sở ngộ của họ, để một ngày nào đó dẹp trừ vọng tưởng, minh tâm kiến tánh, có đủ trí tuệ sáng suốt để chuẩn bị cho việc hoằng pháp trong tương lai" – Sư Hám Sơn trả lời khi được các chư tăng và bạn học cũ hỏi tại sao quyết định vân du khi thời thế quốc gia và Phật pháp đang ở lúc nguy nan.
Giai đoạn 1575-1599, lúc này ngài đến núi Ngũ Đài cùng thầy Diệu Phong và chuyên tâm nhất ý tu hành. Trong những ngày tự rèn luyện thanh tâm tu đạo, ngài sống trong cảnh gió rét tuyết sương và ăn uống khổ cực vô cùng, chỉ có một ít bột gạo cùng rau dại. Nhờ công dụng tu hành khổ hạnh mà ngài đạt đến cảnh giới khai ngộ.
Cũng tại núi Ngũ Đài, đại sư Hám Sơn trích máu viết Kinh Hoa Nghiêm. Chuyện này truyền tai đến Lý Thái Hậu (mẹ vua Vạn Lịch) khiến bà vô cùng cảm phục và gửi giấy bằng bột vàng đến cúng dường. Đây khởi đầu cho mối liên hệ mật thiết nhưng phức tạp giữa ngài và hoàng tộc sau này.
Vì mâu thuẫn giữa Lý Thái Hậu và Hoàng đế Vạn Lịch mà nhà vua đã tìm mọi cách để vu cáo tội trạng cho sư Hám Sơn. Sau khi cứu núi Ngũ Đài khỏi việc nộp thuế, lập pháp hội cầu thái tử thành công mĩ mãn và cứu trợ người dân Đông Sơn khỏi nạn đói, tiếng danh của ngài vang rền thì cũng là lúc ngài lâm nạn. Mặc dù chứng minh được toàn bộ số tiền của triều đình được dùng để cứu đói dân nghèo, nhưng lấy cớ tranh chấp giữa Đạo giáo và Phật giáo, nhà vua ra lệnh bắt ngài phải hoàn tục và lưu đày tại Lôi Châu.
18 năm là khoảng thời gian ngài bị lưu đày ở miền biên thuỳ, làm lính thú lao động. Dẫu ở vùng biên cương hẻo lánh nhưng việc tu tập và làm Phật sự của ngài vẫn không thay đổi không khác gì ở núi Ngũ Đài. Một người tính tình nóng nảy, bộc trực, bạ đâu nói đó như quan Đinh Hữu Võ cũng được cảm hoá và giác ngộ Phật pháp bởi bài dạy và đức độ vị thánh tăng mặc thường phục, để râu dài như sư Hám Sơn.
Sự nghiệp hoằng pháp tại đây của ngài đã ảnh hưởng rất lớn đến sự giác ngộ của dân địa phương, nhờ có ngài, tình trạng Phật giáo tại miền Nam Trung Hoa đã phát triển trở lại.
Năm 1614, ngài đắp y, cạo tóc, chính thức trở lại thành tăng sĩ. Ở tuổi 69, ngài vẫn tiếp tục viết kinh như các bộ Pháp Hoa Thông Nghĩa, Khởi Tín Sơ Lược, Triệu Luận Lược chú,… và tiến hành xây chùa, nhất tâm tu pháp môn Tịnh Độ. Năm 78 tuổi ngài thị tịch, suốt cuộc đời, ngài đã gặp nhiều thăng trầm hoạn nạn, nhưng cuối đời viên tịch an lành tại chùa Nam Hoa.
Di sản để lại của đại sư Hám Sơn
Điều đặc biệt, cả cuộc đời khổ công tu tập, trải qua những biến cố và thậm chí bị lưu đày trong suốt thời gian 18 năm, Đại sư Hám Sơn vẫn để lại cho thế hệ Phật tử đời sau tài sản vô giá là những lời khai thị về đại chúng, tịnh độ, thiền nhân huệ cảnh,… Ớ phần thứ hai của Đường mây trong cõi mộng, tác giả đã dẫn 35 lời khai thị của ngài cho đông đảo nhiều tầng lớp đại chúng, được Đại đức Thích Hằng Đạt dịch thêm từ tập Hám Sơn Đại sư tự truyện và Hám Sơn tự truyện.
Trong lời khai thị về pháp môn Tịnh Độ, ngài Hám Sơn chỉ ra: "Việc này không cần phải hỏi người khác, chỉ xem tự mình có vì việc sinh tử hay không. Tâm phải vì sự sanh tử, như cứu lửa cháy đầu, và chí muốn giải quyết cho xong một đời. Phải tin chắc pháp môn này mà chuyên tâm nhất chí. Hãy cố gắng mà hành, quyết chẳng để người khác lừa".
Đường mây trong cõi mộng do GS. John Vu - Nguyên Phong và Đại đức Thích Hằng Đạt biên tập từ ấn bản tiếng Anh A Buddhist Master In Dreamland của Charles Luk, là bản dịch từ cuốn Hám Sơn Đại sư Mộng du tập và cuốn Chan Master Han Shan’s Autobiography của Lu Kuan Yu (bản dịch từ cuốn Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ).
Vượt qua tất cả các chướng nạn, vì hoằng pháp cứu giúp thế gian, câu chuyện của Đại sư Hám Sơn đã phản ánh rõ nét cuộc đời tu hành của một tu sĩ Phật giáo trong hoàn cảnh chính trị nhiễu nhương. Mỗi biến chuyển trong cuộc đời tu hành của ngài là một bài học quan trọng, đáng để người đời sau suy ngẫm, học hỏi. Xem xét với bối cảnh Phật giáo ngày nay, những bài học từ cuốn sách Đường mây trong cõi mộng dường như không mất đi mà càng có nhiều giá trị hơn nữa.
Ái Nhi