Khi chưa tìm hiểu về đạo Phật, hàng đêm tôi chỉ khấn nguyện bình thường cầu cho gia đình yên lành. Đến lúc bắt đầu học hỏi nguồn gốc đạo Phật, sự ra đời và phát triển, sâu hơn nữa là ở chương trình Đại học văn, tôi tìm thấy Đạo Phật trong môn học Lịch sử tư tưởng Phương Đông và Việt Nam, gói gọn ở 20 trang, với nội dung truyền thuyết – học thuyết của Phật Thích Ca, những quan điểm và chân lý thiêng liêng trong Tứ diệu đế. Mặc dầu có những ý kiến khác nhau nhưng tư tưởng hướng thiện của Phật giáo vẫn có sức hấp dẫn đối với nhiều người và tôi mới biết việc cầu nguyện trước tiên phải là cho thế giới, rồi mới đến gia đình và bản thân. Từ câu chuyện của người đời và cá nhân mình, tôi đã có niềm tin vào Phật và sống tốt hơn.
Nhớ lại, những năm đầu nhà nước phát động phong trào phòng chống tham nhũng, tôi vì sợ mình nhẹ lòng rồi sai phạm, mặc dầu nơi tôi làm việc không phải là đơn vị kinh tế, nên tôi quyết tâm, tìm một việc ngoài giờ bằng cách mở khu vui chơi cho trẻ em, để có thêm thu nhập chính đáng. Tháng đầu tiên số tiền thu vào hơn gấp đôi lương của tôi. Mừng vui chưa trọn, chủ nhà gần đó, thấy tôi làm được hậm hực đưa cả bầy chó béc - giê ra nơi tôi đang cho trẻ em chơi, rồi dẫn chó đến phóng uế bừa bãi, khiến cho tôi đối mặt với khó khăn và khổ sở. Từ đó, khu vui chơi dần dần vắng bóng trẻ em, thỉnh thoảng có hội chợ hay đoàn ca nhạc nào đến, thì mới rôm rả vài hôm. Những trò chơi còn mới toanh của tôi, trở thành hàng rào cho người chủ đó phơi nệm, quần áo.
Là một người đang tìm đến Phật Pháp và lúc ấy tôi lại là một lãnh đạo của cơ quan tuyên truyền, thế nên tôi không dám nói một câu nào, vì sợ người ta cho rằng “ức hiếp quần chúng”, chỉ niệm Phật cho mình vững tâm. Cuối cùng là sợ tham nhũng, tôi trở thành một kẻ tay trắng, nợ nần. Phẩm kinh cứu khổ đã đến với tôi trong những ngày tháng đó. Nhiều kẻ lợi dụng thời cơ, đã vì lý do nầy mà loại trừ tôi ra khỏi sự thăng tiến, thế là người ta nợ tiền tỷ, người ta vi phạm pháp luật, tiêu cực rành rành chẳng ai xét xử, cứ đem tôi ra làm đề tài bàn tán, thêu dệt, đổi thay, thậm chí số tiền chẳng đáng là bao họ kéo thành nhóm người đến tận nhà, tìm đến tận nơi tôi học để mà gây áp lực và buộc thanh toán. Nhờ vào sự kiên nhẫn chú niệm mỗi sáng thức dậy, trưa, chiều và tối, có lẽ Chư Phật che chở nên họ bổng trở nên hiền hòa, đồng ý với cách thức chi trả theo khả năng của tôi, khác với ban đầu là định kiện tôi.
Có ai biết, tôi phải đương đầu với những con người đầy âm mưu xảo quyệt?? Vừa học, vừa làm mà có chương trình từ thiện nào cho hay là tôi chẳng từ chối không? Điều nầy, khiến tôi lại bị thêm tai tiếng:
Không lợi ích sao mà tích cực vậy?
Trong khi đối tượng tham gia chương trình không mất đồng nào, còn tôi lại phải hao hụt chi phí cá nhân cho chuyến đi, tiền điện thoại, tiền xăng xe, tiền in ấn phiếu đăng ký, tiền hỗ trợ cho cộng tác viên.
Nhiều người bạn đạo cũng đồng với suy nghĩ của tôi là “nghiệp nặng quá”. Vì thế tôi im lặng, mặc cho bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu tai tiếng ập đến vẫn thản nhiên đón nhận, nên nhiều người lầm tưởng tôi “ăn” nhiều, mà họ đâu biết rằng mỗi đợt đưa đối tượng đi xa, tôi đều phập phồng lo sợ phải cầu an liên tục cho đến khi họ gọi lại báo đã đến nhà thì mới ngủ được, trong chuyến đi phải thức suốt đêm canh chừng những người già, làm mọi thủ tục để phẫu thuật nhanh chóng thuận lợi cho 30 người và có đợt gần 100 người. Họ cũng đâu biết rằng tôi đang học cách “buông bỏ và hoan hỷ để xả nghiệp”. Rồi thêm lần nữa những lời dạy của quý Thầy, lại hiện diện trong tâm:
Người đời tập nói. Con tập làm thinh….Người đời sân si. Con tập hòa ái….Người đời vô thường. Con về nẻo giác.
Lần tiếp theo, tôi như là khắc tinh của loại người gian xảo, nên tôi luôn bắt gặp những ánh nhìn khó chịu, những lời nói bóng gió xỏ xiên, khi họ phát hiện ra điều gì đó hơn họ, mặc dầu vẫn cười nói và nhờ tôi hướng dẫn chi tiết đề cương. Khi thi tốt nghiệp chuyên ngành, tôi cầu nguyện cho mình đầy đủ trí lực để hoàn thành, sức của tôi thế nào thì kết quả thế ấy, tôi không tham vọng mình hơn ai. Hình như, lời nguyện linh ứng cả 2 môn tôi đều đạt điểm số cao nhất. Phòng thi của những người là thân tín với giáo viên chủ nhiệm, thì bị các giám thị canh gác nghiêm ngặt. Một số điều tương tự như trên, chẳng hạn bầy chó của người chủ gần khu vui chơi dần dần bị bệnh rồi chết, ông ta thì không bao lâu bị té gãy xương rồi lại mắc bệnh gan, lục phủ ngũ tạng hư hao và nằm thoi thóp, sự sống đếm từng ngày. Tôi không vì thế mà hả dạ, đời sống dẫu khó khăn nhưng còn tranh thủ mua quà mang qua và thăm hỏi rồi an ủi. Những người toa rập tìm cách hạ tôi, thì nay cũng chẳng yên ổn, không còn vị trí quan trọng, người thân dính líu đến tiêu cực, thậm chí có người đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Trời Phật cũng đã cho những người ấy biết luật nhân quả, nên mình cứ xem như đời người ai cũng gặp và phải chấp nhận như vậy, để cho yên ổn sinh sống và ngộ đạo tốt hơn. Có điều là bản thân vẫn minh mẫn, đồng thời còn sức và có nhiều người ủng hộ để chăm lo cho những đối tượng bất hạnh, là niềm hạnh phúc trong tôi.
Cho nên, tôi tin vào Phật pháp và nguyện sẽ sống sao để xứng đáng là người con của Phật, trong những năm tháng tìm về bến Giác.
Thiện Tâm