Cũng qua đó, phẩm Duyên Khởi của bài kệ số 3 trong kinh Pháp Cú, đã giúp chúng ta hiểu được cách đối nhân xử thế hơn.
Chúng ta đang sống cõi Dục nên phải chịu nhiều yếu tố bên ngoài tác động, khiến cho ta vui thích hay buồn khổ. Đối với người thế gian, đó là chuyện bình thường, xảy ra hằng ngày. Song, với người xuất gia, nếu thực hành đúng theo giáo lý của Phật, chúng ta sẽ giải quyết được, kiềm chế bản thân, không bị lục trần chi phối. Giáo pháp của Phật như nước cam lồ tươi mát thân tâm, giúp chúng ta dứt sạch ba nghiệp.
Kinh Pháp Cú số 3 ghi: Có cô vợ lớn nọ, lúc đầu rất hiền, không có tâm xấu ác. Nhưng từ khi mẹ chồng khởi ý định cưới thêm vợ thiếp cho chồng cô, lúc này tâm của cô không còn trong sáng. Vì ganh ghét, đố kỵ đã khiến cho cô trở thành một người khác. Những điều ác cứ mạnh dần, khống chế và làm chủ cô. Vì một phút thiếu suy nghĩ chín chắn, cô đã gieo nhân không tốt với người vợ thiếp, gây ra xung đột. Nhờ Phật chỉ dạy, oan oan tương báo mới chấm dứt, trở thành bạn thân thiết của nhau.
Là người học Phật, đi trên đường thiện, dù khó khăn cũng phải vượt qua. Tuy mình không hại ai nhưng bị người khác hại, đó có thể là do chúng ta đã gieo nhân xấu quá khứ. Nếu không vui vẻ trả cho xong thì cũng giống như câu chuyện trên vậy. Khi gieo nhân xấu, người ta không thấy sợ, đến khi trổ quả thì hối hận. Nếu mình đánh người, có ngày người cũng đánh lại mình, thậm chí họ có thể giết mình. Nhân quả không giống như ăn miếng trả miếng. Mình đánh người ta một, người ta đánh lại mình mười. Chúng ta ai cũng sợ địa ngục, nhưng vì vô minh nên đã tạo nhân ác quá nhiều, kết quả phải đọa địa ngục.
Hiểu được quy luật nhân quả, chúng ta nên thận trọng hơn khi gieo nhân. Muốn những hành động và lời nói của mình sáng suốt, có trí tuệ, không bị nhân quả chi phối, ta nên cố gắng thực hành lời Phật dạy.
Tâm Toại