Ước nguyện quá khứ

26/06/2021 12:29
Vào thời quá khứ của đức Phật Nhiên Đăng, đạo sĩ Thiện Huệ (tiền thân đức Phật Thích Ca) sau khi quyết định cúng dường thân mạng cho đức Phật Nhiên Đăng và lấy thân mình lót đường cho đức Phật và chư thánh tăng đi qua.

Lúc ấy, đức Bồ Tát Thiện Huệ suy tư rằng: “Hôm nay nếu ta từ bỏ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác thì chắc chắn Ta sẽ trở thành một bậc Thánh Arahan trong giáo pháp của Đức Phật Nhiên Đăng, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới chỉ một mình ta; nhưng còn bao nhiêu chúng sinh khác vẫn đang chìm đắm trong biển khổ sinh tử luân hồi. Ta không đành giải thoát khổ riêng một mình ta”. Nghĩ vậy, với tâm đại bi vô lượng thương xót chúng sinh, đức Bồ Tát Thiện Huệ phát nguyện rằng:

“Khi ta tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác rồi khi ấy ta sẽ thuyết pháp giáo hóa chúng sinh cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế , chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc thánh Arahan y theo ta vậy (tự giác – giác tha).

Khi tự mình giải thoát sự ràng buộc của tham ái, phiền não chứng ngộ Niết Bàn rồi, khi ấy ta sẽ dẫn dắt chúng sanh cùng giải thoát ràng buộc của tham ái, phiền não chứng ngộ Niết Bàn y theo ta vậy (tự độ - độ tha).

Khi tự mình vượt qua được biển khổ tử sinh luân hồi, đạt đến Niết Bàn an lạc rồi, khi ấy, ta sẽ cứu vớt, dẫn dắt chúng sinh cùng vượt qua biển khổ tử sinh luân hồi, đạt đến Niết Bàn an lạc y theo ta vậy (tự đáo – đáo tha)”.

Sau khi được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký rằng sau 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp Ngài sẽ thành Phật có hiệu là Thích Ca (Gotama). Từ thời quá khứ ấy cho đến mãi về sau, Ngài không ngừng bổ túc ba – la – mật, như việc đã từng bố thí tài sản cho đến vợ con và kể cả sinh mạng của chính mình… để thành tựu ước nguyện trong quá khứ.

Trải qua nhiều đại kiếp như thế, đến khi các ba – la – mật đã tròn đầy, Ngài từ cung trời Đâu Suất hạ sanh vào vương tộc Thích Ca làm con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya, được đặt tên là Tất-đạt-đa. Tuy sống trong nhung lụa giàu sang của một bậc vương giả nhưng Ngài luôn nghĩ về nỗi khổ của nhân sinh. Sau khi dạo 4 cửa thành nhìn thấy các cảnh già, bệnh, chết và một người xuất gia, đã thôi thúc lời nguyện quá khứ trỗi dậy trong Ngài. Thế rồi, Ngài quyết định từ bỏ vợ đẹp con thơ, xuất gia tìm cầu chân lý giải thoát sinh tử luân hồi cho mình và mọi loài chúng sanh đang chìm trong biển khổ .

Sau 6 năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm ngồi dưới cội bồ đề, Ngài chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Khi được Phạm Thiên Sahampati cầu thỉnh ba lần chuyển pháp luân, Ngài đã thực hiện lời nguyện xưa, đem chân lý chứng ngộ chỉ dạy cho chúng sanh hữu duyên. “Vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người” (Đại phẩm). Hay “Trong suốt 45 năm hoằng pháp, những chúng sinh có duyên lành để hóa độ ta đã hóa độ, còn những chúng sinh chưa được hóa độ, ta cũng đã tạo duyên để họ được hóa độ” (Kinh Di giáo).

Và rồi thuận theo luật vô thường, mọi sự hiện hữu trên đời có sanh phải có diệt, Ngài cũng không ngoại lệ, đã vô dư Niết – bàn ở tuổi 80 vì cảm nhận thân thể này đã yếu đi rất nhiều. Cũng phải lẽ, trên đời này không có gì là thường hằng, duy chỉ có một thứ thường hằng đó là quy luật vô thường bất biến. Vì thế, chính đại bi tâm vô lượng, một lòng thương tưởng chúng sanh đã giúp Ngài hoàn thành được nguyện xưa, an nhiên tĩnh tại giữa thế gian này…

Đầu ngày Bồ Tát đản sanh

Bình minh, đại sĩ chứng thành đạo sư

Bốn lăm năm, đấng đại từ

Bình minh lần cuối… vô dư Niết Bàn.


Các tin tức khác

Back to top