Trong tiếng Phạn, thánh đạo phận là arya marga anga, thánh đạo có tất cả tám chi phần. Thứ nhất là Chánh kiến mà chúng ta đã bàn. Rồi tới Chánh tư duy (right thinking) là sự tư duy đúng đắn. Chánh ngữ (right speech) là lời nói có tác dụng chuyển hóa, tháo gỡ, đem lại hạnh phúc và đánh tan mê lầm. Chánh nghiệp (right action) là hành động không tạo khổ đau, đưa lại hạnh phúc. Chữ nghiệp ở đây chỉ thân nghiệp, là hành động do thân thể ta làm. Còn khẩu nghiệp thuộc về chánh ngữ và ý nghiệp thuộc về chánh tư duy. Tiếp theo là Chánh mạng (right livelihood). Mạng tức là phương tiện sinh sống. Chánh mạng là nghề nghiệp, là phương cách sinh sống không gây đau khổ và mê lầm cho con người, không tàn hại thiên nhiên. Chi phần thứ sáu là chánh tinh tấn (right energy). Tinh tấn là sự siêng năng. Thứ bẩy là Chánh niệm (right mindfulness) và sau cùng là Chánh định (right concentration).
Về sự phát triển của tuệ giác, giáo lý luôn luôn nói tới niệm, định và tuệ. Tu tập chánh niệm dẫn tới chánh định và có chánh định thì đạt tới tuệ giác. Tại sao trong bát chánh đạo không nói chánh tuệ mà lại nói chánh kiến? Suy nghĩ về điều này giúp chúng ta phân biệt rõ hơn ý nghĩa chữ chánh kiến trong phạm vi tục đế và phạm vi chân đế. Đồng thời ta cũng thấy rõ hơn bảy chánh đạo khác góp phần vào sự chuyển hóa chánh kiến từ phạm vi thế gian sang phạm vi xuất thế gian như thế nào.
Chánh kiến bắt đầu bằng những giáo lý, chưa phải là tuệ giác. Hiểu biết về tứ diệu đế, về bát chánh đạo, về lý nhân quả mới chỉ là những hiểu biết có tính cách lý thuyết mà thôi. Nhờ có văn, tư và tu mà những ý niệm và ngôn từ đó trở nên tuệ giác chân thật. Trong quá trình văn, tư, tu chúng ta phải thực tập chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, v.v.. mà nếu không thực hành bảy thánh đạo kia thì những lý thuyết trong kinh sách không bao giờ biến được thành tuệ giác cả, mãi mãi chúng sẽ chỉ là một mớ ý niệm trong đầu, hoặc để nói cho vui thôi. Những điều ta học hỏi bằng khái niệm và ngôn từ có chứa chất những hạt giống của chánh kiến, của tuệ giác; nhưng không có văn, tư, tu thì chúng chưa thể trở thành tuệ giác được. Người học đạo bắt đầu tiếp nhận những kiến thức, ngôn từ và khái niệm từ trong kinh sách, từ thầy và từ các bạn tu. Sau đó người ấy phải thực tập bát chánh đạo để biến cái vốn liếng nghèo nàn đó thành tuệ giác đích thật, phát sinh từ nội tâm của mình.
Bụt nói tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, tức là hạt giống của chánh kiến, của tuệ giác. Giác tánh đó bị che lấp vì vô minh, buồn khổ và sầu hận, cho nên không phát triển được. Được nghe pháp, được gần gũi bạn lành và được học hỏi thì chánh kiến có cơ hội nẩy mầm và nở hoa: Hạt đậu năm xưa hé miệng cười. Cho nên chánh kiến là nhân nhưng cũng là quả, và khi chánh kiến thành kết quả đó chính là tuệ trong bộ ba niệm, định, tuệ (smrti, samadhi, prajna). Nhờ tu tập bảy chi phần khác của bát chánh đạo nên tuệ nẩy nở. Sau đó, tuệ giác lại nuôi dưỡng tư duy, ngôn ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Cho nên chánh kiến tuy là mẹ của bảy chi phần khác, nhưng cũng là con của bảy chi phần khác. Cũng như là lá cây. Có thể nói thân cây, rễ cây, cành cây là mẹ, còn lá cây là con. Nhưng lá cây cũng đóng vai trò mẹ. Vì lá cây có bổn phận phải tiếp nhận thán khí, dùng ánh sáng mặt trời thực hiện diệp lục hoá. Mỗi chiếc lá chính là một viện bào chế, nhờ thế những chất khóang ở trong đất đi lên, từ nhựa nguyên biến thành nhựa luyện để nuôi cây. Thành ra tất cả các chiếc lá tuy là con của cây nhưng cũng đều là mẹ của cây. Giống như vậy, chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, vân vân, nhưng đồng thời cũng được chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, v. v… nuôi dưỡng. Chúng ta càng thấy rõ tính duyên khởi có thể áp dụng trong bát thánh đạo phần.
Với chánh kiến, chúng ta phân biệt thế nào là căn lành và căn không lành; chúng ta hiểu bốn sự thật khổ, tập, diệt, đạo, v.v.. Có chánh kiến thì tự nhiên tư duy sẽ đi đúng đường, chúng ta suy nghĩ khỏi sai lầm. Có chánh kiến về duyên sinh thì chúng ta biết rằng hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào hạnh phúc của người khác, như giữa anh chị em, vợ chồng hay cha con. Thấy rồi, mỗi người sẽ không đi tìm hạnh phúc cho riêng mình nữa. Vì khi cha khổ thì con không thể nào có hạnh phúc được, chồng khổ thì vợ không thể nào có hạnh phúc được, anh khổ thì em không thể nào có hạnh phúc được. Chánh tư duy là tư duy xem ta phải làm thế nào để cho người kia có hạnh phúc thì lúc đó ta mới thực sự có hạnh phúc. Người đi tìm hạnh phúc riêng rẽ là người không có chánh kiến, vì chánh kiến là cái thấy của đạo lý duyên khởi.
Nói về chánh ngữ cũng vậy. Nếu chúng ta có chánh kiến thì tự nhiên ngôn ngữ của chúng ta sẽ đi vào đường chánh. Chúng ta sẽ không nói những điều gây hiềm khích và đổ vỡ. Nếu thấy được tính khí của ta, những ưu, nhược điểm của ta và của người khác, thì ta sẽ không nói ra những câu tạo ra địa ngục giữa hai người. Trong tương giao xã hội, thấy rõ được ưu điểm và nhược điểm của mình và của người khác là có chánh kiến. Có chánh kiến thì tư duy và ngôn ngữ sẽ chánh, sẽ không gây thêm đau khổ. Điều đó cũng đúng với chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
HT. Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Bốn loại an lạc (13/10/2021 8:03)
- Lắng nghe giữa biển đời (13/10/2021 8:01)
- Quá trình văn tư tu (12/10/2021 1:15)
- Cách "gặp gỡ" với Thiền sư Thích Nhất Hạnh (12/10/2021 12:18)
- Hạ thủ công phu (11/10/2021 12:47)
- Chánh kiến về tứ diệu đế (11/10/2021 12:44)
- Tại sao phải sống thật với chính mình? (11/10/2021 12:40)
- Thích than thở (11/10/2021 12:35)
- Nghệ thuật nghe pháp thoại (10/10/2021 5:35)
- Duyên khởi (10/10/2021 5:30)