Chúng ta thường được học và hiểu về khổ đế như là cái khổ của sinh, già, bệnh và chết; như là sự ham muốn nhưng không được thỏa mãn yêu thương nhau mà phải xa lìa; ghét nhau mà phải gần nhau; như là khổ đau khi năm uẩn chống báng nhau… Đây là cách diễn tả về khổ đế của người xưa. Nó mang tính biểu trưng, tính hình thức. Nếu nói nguyên nhân xuất gia của thái tử Tất Đạt Đa chỉ vì thấy cảnh sanh, lão, bệnh, tử trong một chuyến du ngoạn qua bốn cổng thành thì quá sơ sài. Chúng ta được biết lúc đi xuất gia, thái tử đã 26, 27 tuổi rồi, lại là người rất thông minh, tinh thông triết học, lẽ nào lại không biết sanh, lão, bệnh, tử là gì? Trong “Đường Xưa Mây Trắng” tôi nói thái tử đi xuất gia là vì thấy trong dân chúng khổ và trong triều đình cũng khổ, vua cha khổ mà các quan đại thần cũng khổ. Tuy họ có quyền hành và địa vị nhưng họ vẫn khổ vì sự chia rẽ, tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau; vì chính họ cũng có những khó khăn không giải quyết được nên họ không thể nào giúp được cho người dân, để cho dân chúng lâm vào cảnh nghèo đói, bệnh tật. Từ thực tế ấy, Ngài thấy được rằng chính trị, quyền hành và địa vị không thể mang lại niềm an vui cho chính mình và cho đất nước. Do đó, Ngài muốn đi tìm hạnh phúc, an vui cho mình, cho những người xung quanh theo một hướng khác.
Ở thời đại này, khi đề cập đến khổ đế, ta cần phải trình bày sao cho khế hợp. Trong khóa tu với nội dung: “Đạo Phật Dấn Thân” được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp lễ Phật đản năm 2008, tôi có nói rằng khi nhắc đến khổ, trước tiên ta cần đề cập đến những nỗi khổ có thật trong thân và tâm của chính ta như: lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, bạo động, giận hờn, trừng phạt… Đó là những căn bệnh kinh niên. Không biết lo cái gì, sợ cái gì, nhưng cứ lo hoài, sợ hoài. Khi năng lượng của sự giận dữ xâm chiếm thì ta muốn đập phá, muốn trừng phạt và muốn làm cho người kia đau khổ, tại vì người đó đã dám làm cho ta đau khổ. Trong ta sẵn có năng lượng bạo động, bực tức, muốn phản ứng và muốn phá đổ.
Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Nhận diện và chuyển hóa khổ đau (15/11/2021 12:20)
- Gửi người kỳ vọng một cách sống tuyệt đối (14/11/2021 12:17)
- Gửi người không biết việc hành thiền của mình có ích lợi gì không (14/11/2021 12:15)
- Sống để yêu thương (13/11/2021 12:27)
- Câu chuyện về người phụ nữ tham lam (13/11/2021 12:25)
- Gửi người mà suốt đời chỉ biết có tiền và tiền (13/11/2021 12:19)
- Gửi người nghĩ làm giống người khác là có lợi (13/11/2021 12:18)
- Phiền não tức Bồ đề (12/11/2021 1:30)
- Vô tác (12/11/2021 1:29)
- Tp. HCM: H. Củ Chi, Chùa Hạnh Đức tham dự hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch trên địa bàn xã Phú Hòa Đông(Đợt dịch thứ 4) (11/11/2021 1:59)