Quán vô thường là phép quán căn bản

25/01/2022 1:15
Câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ta chết?” là một câu hỏi rất phổ thông. Trong bất cứ xã hội, quốc gia hay văn hóa nào người ta cũng hỏi câu hỏi đó. Người ta muốn biết sau khi chết thì mình còn hay không còn gì nữa.

Có những người tự xưng là khoa học gia cho rằng sau khi chết thì không còn gì nữa. Họ rơi vào trong cái gọi là đoạn kiến (the wrong view of annihilation). Nếu ngược lại ta cho rằng khi chết, tuy hình hài ta tan rã nhưng mình vẫn còn nguyên là mình, ta có một linh hồn bất tử thì ta rơi vào một tà kiến khác gọi là thường kiến (the wrong view of eternalism).

Những ý niệm như sinh và diệt, có và không, thường và đoạn là những phạm trù tư tưởng (mental categories), là những cái khung không thể chứa được sự thật. Quán chiếu sâu sắc ta thấy sự thật vượt thoát những phạm trù tư tưởng. Ở Làng Mai, chúng ta thường quán chiếu đám mây, nhìn bề ngoài ta thấy hình như đám mây có sinh ra và chết đi, có khi có, có khi không có. Nhưng nhìn kỹ, ta thấy đám mây không sinh cũng không diệt, không có cũng không không. Điều này có thể được chứng minh bằng khoa học. Trước khi là đám mây thì đám mây đã là cái gì khác. Nó đã là hơi nước đi lên từ đại dương. Nó là hơi nước do chúng ta thở ra, chúng ta đã thở ra đám mây mà không biết. Hơi nước là mây tuy chưa có tướng của đám mây. Đám mây không thể từ không mà trở thành có, vì vậy đám mây là vô sinh. Khi đám mây còn là hơi nước thì ta không thấy nên ta tưởng đám mây không có. Ta bị kẹt vào tướng, hơi nước không có tướng của đám mây nhưng nó chính là mây. Khi hơi nước gặp khí lạnh thì tướng mây của nó lộ ra. Khi mây biến thành mưa hay thành tuyết thì nó không phải từ có trở thành không. Cái có không thể nào trở thành cái không. Đám mây không thể nào chết nên nó là bất diệt. Mây trở thành tuyết hay thành mưa, tuyết và mưa là hậu thân, là sự tiếp nối của đám mây. Vì vậy chúng ta có thể thấy một cách dễ dàng bản chất của đám mây là không sinh không diệt, không có không không. Đám mây không nằm trong khuôn sinh và diệt cũng không nằm trong khuôn có và không hay trong khuôn thường và đoạn.

Không thấy đám mây trên trời, ta nói đám mây chết rồi và ta hỏi đám mây còn hay không còn, bây giờ đám mây ở đâu? Khi người thân của ta chết, ta cũng hỏi câu tương tự: ”Người thân của tôi ơi, bây giờ anh đang ở đâu?” Và ta đặt câu hỏi: ”Sau khi không còn là đám mây nữa thì cái gì đã xảy ra, đám mây còn hay không còn?” Trong kinh có câu hỏi: “Sau khi nhập diệt thì Đức Thế Tôn còn hay không còn hay vừa còn vừa không còn hay vừa không còn vừa không không còn?“ Nhưng Bụt nói bốn phạm trù tư tưởng đó không chuyên chở được sự thật. Sự thật nằm ngoài những phạm trù tư tưởng.


HT. Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top