Người dân Việt Nam thường có quan niệm, khi chúng ta muốn tắt nến hoặc châm hương xong thì không được dùng miệng thổi mà phải lấy tay phẩy cho tắt lửa nếu không sẽ phải tội.Vậy quan niệm này có đúng hay không? Và khi muốn tắt đèn, hương thì nên tắt thế nào để được những điều tốt lành? Kính mời quý Phật tử và độc giả cùng lắng nghe câu trả lời của Đại đức Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây.
Ý nghĩa việc dâng hương, dâng nến trong thờ cúng
Trong nghi lễ Phật giáo, hương hay nến là hai trong sáu vật phẩm dâng cúng, gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Trong buổi vấn đáp Phật Pháp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ: “Hương hay nến dâng lên để cúng Phật, cúng các bậc Thánh hiền cho đến cúng tiên tổ, những bậc đáng kính đều là thể hiện sự cung kính. Hương thể hiện cho hương của đức hạnh. Nến hay đăng, đèn tượng trưng cho trí tuệ soi sáng. Tất cả những điều đó đều thể hiện sự cung kính và sự mong muốn của mình”.
Đại đức cũng chia sẻ rằng, mình mong muốn có trí tuệ như ngọn nến này, mong có được đức hạnh như cây hương này. Đó là hương thơm của người đức hạnh.
Trong kinh Tăng Chi I, chương 3, phẩm A-nan-đà, phần Hương, Đức Phật cũng dạy Ngài A-nan về sự quý giá của hương đức hạnh: “Không một hương hoa nào; Bay ngược chiều gió thổi; Dầu là hoa chiên đàn; Già la hay Mạt lỵ; Chỉ hương người đức hạnh; Bay ngược chiều gió thổi; Chỉ hương bậc Chân nhân; Biến mãn mọi phương trời”.
Từ lời Đại đức lý giải, chúng ta thấy được việc dâng hương, nến trong thờ cúng có hai ý nghĩa cơ bản: Một là thể hiện sự cung kính; hai là thể hiện mong ước có được ánh sáng trí tuệ và mang trong mình hương của đức hạnh cao quý.
Tại sao không nên dùng miệng để thổi hương, nến khi cúng lễ?
Lý giải quan điểm không nên dùng miệng để thổi hương, nến khi cúng lễ, Đại đức chia sẻ: “Trong oai nghi nhà Phật dạy chư Tăng khi đốt hương, đốt nến cúng Phật thì không được dùng miệng để thổi, vì thổi như thế không cung kính. Trước mặt Phật, ta cầm nén hương ta thổi phù phù, đại chúng thấy có cung kính không? Không cung kính chút nào”.
Trong kinh Thắng Trận - Quán Thân Bất Tịnh, Đức Phật dạy miệng là một trong những bộ phận trên cơ thể chảy ra những đồ bất tịnh. Vậy nên, y lời Đức Phật dạy và lời giảng giải trên Đại đức, chúng ta hiểu được lý do không dùng miệng thổi nến, thổi hương: Thứ nhất miệng của chúng ta không được thanh tịnh, sạch sẽ. Thứ hai là hành động chúng ta dùng miệng thổi nến, hương thể hiện sự không cung kính của chúng ta đối với chư Phật, các bậc Thánh hoặc với gia tiên, tiền tổ khi cúng lễ.
Cách tắt nến, hương khi cúng để tránh bị quả báo không tốt
Vậy chúng ta nên tắt nến, hương thế nào cho đúng cách và được lợi ích? Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy: “Để tắt nến, tắt hương chúng ta dùng tay phẩy nhẹ, hoặc chúng ta cầm hương phẩy nhẹ . Các cách khác đều có thể được, nhưng phải thể hiện sự cung kính. Chúng ta không nên dùng miệng thổi hương, thổi nến; dùng miệng thổi bụi trên ban thờ. Vì hơi miệng mình không được thanh tịnh. Hay bụi bám trên tượng Phật, ta dùng miệng thổi đi cũng không được, ta phải dùng khăn, dùng vải, dùng giấy sạch sẽ ta lau”.
Các tin tức khác
- Đoạn ác tu thiện trong đời sống hàng ngày (15/02/2022 7:59)
- Tùy pháp (14/02/2022 12:22)
- Căn bản có 7 điều chênh lệch trong thế gian (14/02/2022 12:20)
- Kinh Bách Dụ: Người lái buôn trộm vàng (14/02/2022 12:17)
- Bốn pháp hỗ trợ tâm giải thoát được thuần thục (14/02/2022 12:15)
- Hiểu nhân quả để sống thiện (13/02/2022 1:27)
- Sách "Tĩnh lặng" của HT. Thích Nhất Hạnh (13/02/2022 1:23)
- Từ bi (12/02/2022 1:32)
- Trang sức đẹp nhất mà quý vị đang có chính là tình thương yêu và lòng từ bi (12/02/2022 1:29)
- Phải biết tôn trọng sự an vui của tất cả chúng sinh (12/02/2022 1:27)