Kinh Phước đức có nhiều bản dịch khác nhau, kinh văn theo thể thơ năm chữ, rất dễ thuộc lòng, độ dài ngắn của các bản dịch khác nhau, tuy nhiên về nội dung cơ bản thì giống nhau. Tựa đề kinh cũng có chút khác nhau, có bản dịch là kinh Phước đức, có bản ghi là kinh Hạnh phúc…
Duyên do để Đức Bổn Sư nói kinh này là có một vị thiên xuất hiện vào đêm khuya ở vườn Cấp Cô Độc gần thành Xá-vệ, đến đảnh lễ Phật và sau đó tham vấn về vấn đề phước đức. Đức Phật nhân cơ duyên này mới nói kinh Phước đức.
Cũng giống như các kinh Phật thường bắt đầu bằng câu “Ta nghe như vậy, một thuở nọ...”, kinh Phước đức cũng bắt đầu bằng: “Một hôm nọ vào lúc đêm khuya có một vị trời hiện xuống thăm Ngài...”. Tại sao không ghi rõ năm tháng ngày giờ mà chỉ ghi một cách chung chung như thế? Thật ra đây mới là cách ghi tuyệt vời nhất, sống động nhất. Năm tháng ngày giờ là cái mốc thời gian do con người chế định ra, thời gian vốn không thật, vốn là một niệm tâm.
Quốc độ vô cùng sai biệt, nơi này ngày thì nơi khác là đêm, chốn đây hạ thì bên kia đang đông…, ấy là chưa nói đến cảnh giới khác nhau thì thời gian và không gian càng khác biệt. Cách ghi một hôm nọ vào lúc đêm khuya hay một thuở nọ thích hợp mọi thời, mọi quốc độ. Quá khứ đã là một thuở nọ, hiện tại đang một thuở nọ và tương lai cũng sẽ là một thuở nọ, mãi mãi là một thuở nọ, đông tây nam bắc cũng là một thuở nọ. Thật tuyệt vời, chỉ một câu mở đầu đã vượt qua cái thời-không để vĩnh viễn thích hợp với mọi thời, mọi quốc độ khác nhau.
Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, vị thiên như một người học trò đứng một bên cung kính hỏi Phật, ngài chẳng hỏi gì cao xa thâm sâu mà hỏi cái điều rất gần gũi, rất thực tế. Vấn đề ngài hỏi cũng chính là vấn đề mà chúng ta hằng thao thức. Vị thiên hỏi về phước đức và Đức Phật đã dạy:
Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.
Phật tử sơ cơ nói riêng, tất cả chúng ta nói chung phần lớn đều phước mỏng nghiệp dày, chướng sâu huệ cạn, đức bạc tài sơ, bản lãnh đạo tâm đều yếu kém… không thể học đòi các vị thượng nhân hay Bồ-tát để “Thõng tay vào chợ”, “Thiện ác không hai”… Vì thế nhất định phải tránh kẻ xấu ác, thế nào là ác? Không phải đốt nhà, cướp của, giết người mới là ác. Ở đây ác tức là sát, đạo, dâm, vọng, tửu; tham, sân, si tức là ác. Tất cả những gì trái với giới đã thọ là ác, những gì ngược với giáo lý hay lời Phật dạy chính là ác.
Phật tử sơ cơ chúng ta còn non kém nên phải tránh kẻ ác, bằng không sẽ lây nhiễm. Điều này cũng giống như tục ngữ Việt Nam: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Phật dạy chúng ta xa lánh kẻ ác, thân cận bậc trí hiền, ai là trí hiền? Ý Phật không phải chỉ những người quyền cao chức trọng, không phải phú hào đại gia… Trí hiền chính là thầy lành bạn tốt, là những người tu học đạo giác ngộ giải thoát, là những Sa-môn chân chính.
Chúng ta vẫn thường nghe “Chúng trung tôn”, nghĩa là những vị xuất gia, những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni là bậc cao quý đáng tôn kính nhất trong đại chúng. Những vị ấy đang ngày đêm đem giáo lý giác ngộ giải thoát để hoằng dương khắp thế gian này. Không phải ngẫu nhiên mà những điều này được đặt lên hàng đầu của bản kinh, rõ ràng Đức Phật có dụng ý dạy chúng ta về điều đầu tiên của phước đức. Chính những vị xuất gia là phước điền cho chúng ta.
Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.
Môi trường tốt không phải là nơi cao sang quyền quý hay những nơi thượng lưu. Môi trường tốt chính là môi trường gần gũi bậc trí hiền, thân cận thiện tri thức, thầy lành bạn tốt. Vì sống trong môi trường đó thì tự nhiên chúng ta cũng được huân tập cái tốt, được sách tấn để hành cái tốt, học hỏi được điều tốt.
Ví dụ một tí cạn cợt như ta được sống ở trong một ngôi nhà khang trang, ắt chúng ta không phải dính vào việc sát sinh ruồi, muỗi, kiến gián… hoặc sống ở một nơi trung tâm đông đúc ắt sẽ có cơ hội tiếp xúc với kinh điển, thầy bạn tốt hơn là sống ở rừng núi không biết đến Phật pháp. Sống ở môi trường tốt là nhờ có phước đức, mặt khác sống ở môi trường tốt lại dễ tạo phước đức.
Nhân lành là nhân nào? Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là nhân; trì ngũ giới, thập thiện là nhân; niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền, ăn chay, phóng sinh… là nhân. Điều này giống như bài kệ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành...”. Làm theo tất cả những gì Phật dạy là tạo tác nhân lành.
Đi trên đường chánh nhất định là con đường giác ngộ giải thoát, con đường gian khó dài lâu và nhiều thử thách. Mức độ thấp hơn thì cố gắng để được lại thân người cũng là quý lắm. Thế gian có bảy tỷ người nhưng được bao nhiêu người biết và tin vào Phật pháp? Trong số những người biết ấy có bao nhiêu người chịu dấn thân đi trên con đường ấy? Cứ như thế lần lượt loại suy thì biết những người đi trên con đường chánh chẳng nhiều và đi trên con đường chánh chính là phước đức, là nhờ phước đức. Hàng Phật tử sơ cơ chưa thể xuất gia thì chí ít cũng phải dành thì giờ để nghe kinh thính pháp, đọc tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật và làm những việc lợi người lợi vật.
Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.
Nhà Nho nói: “Nhân bất học bất tri lý” là vậy, làm người phải học, học chữ, học nghề, học kiến thức thế gian… để có hiểu biết, có nghề nghiệp nuôi thân và gia đình. Học đạo lý, học nội điển, học kinh chú... để phát triển tâm linh, tạo tư lương cho ngày mai. Học để có nghề hay, thế gian này cũng có nhiều nghề kiếm ra tiền nhưng lại là tà mạng vì làm tổn hại người, vật và môi trường. Có học có nghề hay để sống một cách chánh mạng.
Người Phật tử sơ cơ thì cố giữ hạn độ thấp nhất là ngũ giới, vì đây là cơ sở để tái được thân người, khá hơn nữa là Thập thiện, Bát quan trai giới, Bồ-tát giới... “Hành trì giới luật” lời này dạy chung cho mọi người (thất chúng), mỗi người tùy theo thân phận và giới hạn của mình mà giữ giới.
Lời ái ngữ là lời chân thật, lời đem lại hòa hợp, đoàn kết, tương thân tương ái... Lời ái ngữ là một trong tứ nhiếp pháp. Lời ái ngữ an ủi, cảm thông, chia sẻ với người với đời, tuyệt đối không phải là lời nịnh hót, tâng bốc, giả trá. Lời ái ngữ phải đúng sự thật, phải căn cứ theo Tứ diệu đế, phải là chánh ngữ. Lời nói là khẩu nghiệp, một trong tam nghiệp thân, khẩu, ý. Lời nói ái ngữ cũng là phước đức của chính người nói.
Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.
Đạo Phật là đạo hiếu, chưa hiếu với cha mẹ thì đừng nói gì chuyện học Phật. Người thế gian ai cũng biết hiếu thảo cha mẹ nhưng dễ đâu làm tròn. Đôi khi vì thuận nghịch duyên mà sinh ra bất hiếu. Hiếu thảo với cha mẹ, cung phụng cha mẹ là phước đức lớn, vì cha mẹ thường được ví như hai vị Phật đầu tiên ở nhà. Hiếu thảo không chỉ biết cung cấp vật chất mà còn phải quan tâm đến đời sống tinh thần nữa, tạo điều kiện cho cha mẹ tiếp xúc với đạo, làm phước, hành hương… Hiếu thảo với cha mẹ chính là phước đức.
Yêu thương gia đình mình là lẽ đương nhiên, chăm lo vật chất lẫn tinh thần, tất nhiên việc chăm sóc cũng còn phụ thuộc vào phước phần và năng lực của mình và các thành viên trong gia đình, nếu bạc phước quá thì việc chăm sóc yêu thương khó mà chu toàn.
Nghề nghiệp để sinh sống nuôi thân, nuôi gia đình, có nhiều người vì nghịch duyên mà phải làm những nghề như: đồ tể, chứa bạc, chứa mại dâm, bán buôn rượu, vũ khí, ma túy… tuy có tiền nhưng là nghề tà mạng, hoàn toàn không thích hợp với lương tâm cũng như đạo. Hành nghề thích hợp có liên quan với câu trước “Có học có nghề hay”. Để có nghề thích hợp thì phải có học, không có Phật hay thánh thần nào có thể ban cho mình cả, phải học, phải tự thân, tự mình cứu mình sau nữa là cứu người. Nghề thích hợp còn tùy thuộc trí tuệ, năng lực, sức khỏe, môi trường sống, hoàn cảnh sống… Nghề thích hợp là phước đức và có phước đức mới có nghề thích hợp.
Sống ngay thẳng bố thí
Giúp thân bằng quyến thuộc
Hành xử không lỗi lầm
Là phước đức lớn nhất.
Bố thí đứng đầu trong lục độ ba-la-mật, bố thí có tài thí, pháp thí, vô úy thí, bố thí để buông xả đối trị tâm tham, tâm thủ… Phật tử sơ cơ chẳng làm được việc pháp thí, vô úy thí thì cũng phải biết tài thí. Bố thí để giúp người, giúp đời thì cũng chính là giúp mình, tạo tư lương cho mai sau.
Sống ngay thẳng tức là sống một cách chân chánh, đàng hoàng, lương thiện. Sống ngay thẳng với Phật tử thì phải biết quy y tôn kính Tam bảo… Hành xử không lỗi lầm thì tùy theo khả năng và bản lãnh của mình, sống ở thế gian này không thể không có lỗi lầm, quan trọng là giảm thiểu lỗi lầm, có lỗi lầm thì biết nhìn nhận và sửa sai. Người hành xử không lỗi lầm thì đã thành thánh nhân rồi. Phật tử sơ cơ chúng ta phải biết đâu là lỗi lầm, đâu là hiền thiện, có lỗi lầm thì phải sám hối tu sửa.
Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất.
Khiêm cung lễ độ là cách sống, là tư cách đạo đức của con người. Người thế gian ai cũng yêu mến thái độ khiêm cung lễ độ. Ngạn ngữ có câu: “Bông lúa càng chắc hạt thì càng cúi thấp”. Người thế gian còn biết khiêm cung lễ độ, lẽ nào Phật tử không biết? Phật tử càng phải khiêm cung lễ độ hơn nữa để học hỏi, để tu thân tích đức, để tạo sự hòa hợp… Xét cho cùng thì thân ta cũng chỉ là sự giả hợp duyên sinh của tứ đại ngũ uẩn, chẳng có gì đáng để vênh váo; cái túi da hôi thối với sự sống mong manh giữa hai làn hơi thở vào ra mà không khiêm cung lễ độ thì thật là vô minh; mặt khác sự kiêu ngạo, ngã mạn, hãnh tiến... ấy chính là phiền não, càng khiêm cung thì càng tốt cho chính mình, là phước đức tự thân.
Tri túc cũng là một phương pháp tạo nên an lạc cho chính mình. Nhà Nho bảo: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ). Mình là Phật tử, biết đủ tức là vui, bằng lòng với những gì mình có tức là giảm thiểu lòng tham cầu. Biết đủ thì sống an hòa với mọi người, với môi trường chung quanh. Biết ơn thì quá rõ ràng không cần phải nói nữa, làm người thì phải biết ơn.
Nhà Phật có tứ trọng ơn: Ơn Phật khai đạo mở con đường giác ngộ giải thoát, ơn thầy tổ giữ gìn truyền thừa đạo pháp, dẫn dắt Phật tử và mọi người; ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục; ơn quốc gia cưu mang; ơn đàn na tín thí cùng cộng sinh, tương tác qua lại... Thế giới này là một thế giới đối đãi, tương tức tương sinh, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Mình sống trong thế giới ấy là cộng sinh với nhau, tác động qua lại với nhau, hỗ tương nhau nên biết ơn là lẽ đương nhiên, là đạo lý con người.
Đời sống ngắn ngủi, mạng sống mong manh, thế gian vô thường, Việc học đạo rất quan trọng, học đạo để đời sau còn có được thân người, hoặc sinh thiên, hoặc giải thoát. Việc kiếm tiền là quan trọng nhưng chỉ một đời, việc học đạo không chỉ đời này mà còn là phước đức của nhiều đời về sau. Những dịp học đạo như: khi có pháp hội, nghe kinh thính pháp, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, đọc sách đạo, luận giải…
Biết kiên trì phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.
Người thế gian vì cái bản ngã, cái tôi nên rất cang cường thậm chí gàn bướng, phục thiện không phải dễ, cái tôi càng to thì càng khó phục thiện, khó buông bỏ. Người Phật tử học Phật nhất định phải phục thiện, phải biết theo điều hay lẽ phải, tinh tấn hơn một chút nữa thì hành thiện, phục thiện. Cái thiện trong nhà Phật rộng lớn và sâu hơn cái thiện ngoài đời. Giữ giới là thiện, tu học là thiện, sống chánh mạng là thiện, nói lời ái ngữ là thiện, chánh ngữ là thiện, nói chung theo đúng tinh thần Bát chánh đạo là thiện. Phàm việc gì có lợi cho người và vật là thiện.
Người đời thường có thói quen: “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, thích gần gũi làm quen với người giàu sang, có địa vị, nổi tiếng… Phật tử chúng ta không nhất thiết phải cần, cái cần là thân cận với thầy lành bạn tốt, thân cận với hàng xuất gia vì đó là “Chúng trung tôn”. Gần gũi thân cận để học hỏi đạo lý, để được khuyên bảo sách tấn, thân cận để cúng dường, gần hương thì ắt được thơm.
Người xuất gia là bậc tôn quý nhất trong chúng của thế gian này. Người xuất gia thay Phật giảng kinh thuyết pháp, những buổi pháp đàm là cơ hội quý báu vô cùng để học tập, tu tập, giải nghi, phá mê cho hàng Phật tử sơ cơ. Những buổi pháp hội sẽ gieo vào tạng thức những hạt giống trí huệ, từ bi, giải thoát. Kiếp này chưa được thì sẽ có một kiếp nào đó sẽ đạt khi cơ duyên chín muồi và những chủng tử kia khởi dụng.
Sống tinh cần tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất.
Sống tỉnh thức hay nói khác đi là sống trong sự tinh tấn và chánh niệm, tinh tấn, nói dễ hiểu là siêng năng, siêng tu học, lễ bái, cầu tiến trên đường đạo. Sống tỉnh thức trọn vẹn trong từng phút giây hiện tại, mình biết việc mình đang làm. Làm trọn vẹn với kim chỉ nam là Bát chánh đạo. Sống trong sự thấy biết như thật, suy nghĩ chân chánh, nói năng chánh, tạo nghiệp chánh… Việc thực chứng được Niết-bàn có lẽ dành cho những bậc thượng nhân, thượng căn lợi trí, những hành giả xuất sắc… Hàng Phật tử tại gia chưa dám nói đến chứng đắc nhưng việc học chân lý thì có thể. Chân lý ấy chính là: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Mục đích tối thượng và chân lý tối thượng chính là giác ngộ và giải thoát.
Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề ô nhiễm
Phiền não hết an nhiên
Là phước đức lớn nhất.
Đời sống muôn mặt, phiền não cũng muôn màu, hàng Phật tử sơ cơ chưa thể hết phiền não nhưng phải giảm thiểu, giảm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, phiền não càng giảm thì sự an nhiên và thanh tịnh tâm càng tăng. Tâm mà không ô nhiễm thì ắt phải là hàng Thánh giả. Phật tử sơ cơ chưa thể được, tâm chúng ta còn ô nhiễm nặng nề; ô nhiễm vì tài, sắc, danh, thực, thùy; ô nhiễm vì tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến; ô nhiễm vì sáu căn dính mắc sáu trần. Có quá nhiều ô nhiễm vì thế mà khổ, mà lăn lộn trong sáu đường.
Cũng vì thế mà Đức Phật thị hiện ra đời để mở con đường giải thoát, cũng vì thế mà chúng ta mới học Phật, tu Phật hòng thanh tẩy bớt ô nhiễm của tâm; tâm là chủ tể, là tạo tác. Sống ở thế gian này tâm chúng ta không thể không ô nhiễm, chỉ có điều làm sao giảm thiểu mà thôi, hôm nay khá hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay, đời sau thăng cao hơn đời trước. Còn giả như phiền não hết an nhiên, không còn ô nhiễm nữa thì đã chứng quả rồi.
Ai sống được như thế
Đi đâu cũng an toàn
Tới đâu cũng vững mạnh
Phước đức của tự thân.
Sống như lời kinh tức là sống như lý như pháp, sống trong tỉnh thức chánh nhiệm, thu nhiếp lục căn, sống tinh tấn… lấy Tứ diệu đế, Bát chánh đạo làm kim chỉ nam. Ở đây đáng chú ý là câu “Phước đức của tự thân” Nếu mình sống như lời kinh này thì tự có phước đức, phước đức tự tạo ra. Phước đức hay tội nghiệt đều do tự mình tạo lấy. Phật không ban phước giáng họa, chẳng có ai có thể ban phước hay giáng họa cả. Phật là đấng đạo sư, vị thầy gốc, thầy căn bản (bổn sư), là người dẫn đường, chỉ đường. Tự ta phải dấn thân, tự ta phải đi thôi.
Các tin tức khác
- Không đau khổ sao thấy được hạnh phúc (15/03/2022 12:49)
- Đừng chờ đợi đến khi có thật nhiều tiền mới bắt đầu làm từ thiện (15/03/2022 12:16)
- Pháp hoa tâm - Pháp hoa hạnh (15/03/2022 12:13)
- Vui mừng trước hạnh phúc của người (14/03/2022 11:51)
- Con mơ thấy (14/03/2022 11:48)
- Câu linh chú cho lá thư hoà giải (13/03/2022 12:50)
- Được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Kinh Pháp Hoa) – Ngựa chuyển sinh làm người (13/03/2022 12:48)
- Nhất tâm học Phật (13/03/2022 12:46)
- Ý nghĩa của đời sống (12/03/2022 7:52)
- Hòa thượng Thích Thái Hòa: Đạo làm Anh trong mỗi dịp Xuân về (12/03/2022 7:50)